Đại chiến Coca - Pepsi ở 'biên giới cuối cùng'

Coca-Cola gần đây đã xây dựng nhà máy tại Lào - một trong những nơi cuối cùng họ có dư địa để thay đổi cục diện cuộc chiến thị phần với đối thủ PepsiCo.

Hai hãng nước giải khát hàng đầu thế giới đang tham gia một cuộc chiến khốc liệt, nhằm thống trị các thị trường mới nổi khu vực sông Mekong, gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar. Động thái gần đây nhất là Coca-Cola bắt đầu sản xuất tại Lào - thị trường PepsiCo đang kiểm soát tới 90%.

Tại một cửa hàng nổi tiếng ở Vientiane (Lào), rất nhiều khách hàng đã mua Coca-Cola để uống kèm với mỳ và món salad thịt xay truyền thống. Do chúng được đóng chai lớn hơn và giá rẻ hơn.

Nikkei cho biết Coca-Cola đã chi 30 triệu USD cho nhà máy đóng chai mới tại ngoại ô Vientiane (Lào). Nhà máy này do Lao Coca-Cola Bottling vận hành, có thể sản xuất 50 triệu lít nước uống có ga mỗi năm. Đây là liên doanh giữa ThaiNamthip - một nhà máy đóng chai của Coca-Cola tại Thái Lan và PT Sole - một công ty Lào. Nhà máy này hoạt động từ cuối tháng 8.

Coca-Cola đang đầu tư mạnh vào thị trường Lào. Ảnh: Nikkei

Sau đó, Coca-Cola đã bắt đầu bán chai nhựa 450ml với giá 4.000 kip (0,5 USD). Trước đó, Coca-Cola tại Lào chủ yếu nhập từ Thái Lan, bán với giá 5.000 kip một chai 355ml. Loại chai mới hiện tại đã giúp khách hàng tiết kiệm 40%.

PepsiCo đã hiện diện tại đây từ năm 1971. Giờ đây, đến lượt Coca-Cola vào cuộc. Pornwut Sarasin - Chủ tịch ThaiNamthip đã công bố mục tiêu tham vọng là vượt PepsiCo để trở thành thương hiệu dẫn đầu thị trường Lào chỉ trong vài năm.

Lào là quốc gia thứ 207 trên thế giới có sự hiện diện của Coca-Cola, Pornwut cho biết. Triều Tiên và Cuba là hai nước duy nhất công ty Mỹ này không có mặt. Coca-Cola cũng đang đầu tư lớn vào hiện diện tại Lào - thị trường họ gọi là "tiền tuyến cuối cùng".

Quy mô thị trường nước có gas tại 4 nước – Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar được dự báo đạt 1,09 tỷ USD năm 2018, tăng 70% so với năm 2014, theo số liệu của hãng nghiên cứu Euromonitor International. Khi tăng trưởng kinh tế mạnh kéo thu nhập của người dân lên cao, nhu cầu nước ngọt tại đây cũng tăng, đặc biệt với nhóm người trẻ tuổi.

Tại Campuchia, Coca-Cola bắt đầu xây nhà máy đóng chai thứ 2 tại Phnom Penh hồi tháng 8, thông qua hãng Cambodia Beverage. Họ sẽ đổ 100 triệu USD vào đây - để tăng gấp đôi công suất so với nhà máy đầu tiên.

Thị phần nước có gas tại 4 quốc gia Lào, Việt Nam, Myanmar và Campuchia, theo Euromonitor.

Tại Myanmar, từ khi mở cửa kinh tế năm 2011, thị trường nước có gas cũng bùng nổ. Hè năm 2013, Coca-Cola bắt đầu hợp tác sản xuất với một đối tác Myanmar. Sau đó, họ tiếp cận thị trường bằng các chiến dịch truyền thống, như tài trợ các sự kiện thể thao, hay tặng tủ lạnh có logo cho hàng quán. PepsiCo thì bắt đầu sản xuất tại đây đầu năm ngoái, qua hợp tác với một công ty Myanmar và Lotte Group của Hàn Quốc.

Coca-Cola vào Việt Nam năm 1994 và hiện có 3 nhà máy. Còn nhánh hoạt động của PepsiCo tại Việt Nam có tên Suntory PepsiCo, là liên doanh của hãng với Suntory Holdings (Nhật Bản), chính thức hoạt động năm 2013. Coca-Cola có hiện diện khá mạnh tại miền Bắc Việt Nam, trong khi PepsiCo chiếm ưu thế tại miền Nam.

Ngoài 2 đại gia trên, nhiều thương hiệu đồ uống khác cũng đang có chỗ đứng tại khu vực sông Mekong. Việt Nam có V Cola – sản phẩm của Tập đoàn Hòa Bình. Loại nước uống này có giá thấp hơn 30% so với Coca-Cola và Pepsi. Công ty đã chi gần 44,7 triệu USD để xây nhà máy tại Bắc Ninh. Ngoài V Cola, nhà máy này còn sản xuất 4 loại nước uống khác, với công suất hàng năm 200 triệu lít – tương đương PepsiCo và Coca-Cola.

Tại Myanmar, trước năm 2011, 3 hãng sản xuất trong nước có thị phần khá đều nhau. Sau khi thị trường mở cửa, hai trong số họ đã hợp tác với Coca-Cola và Pepsi. Hãng còn lại - Loi Hein vẫn đang tìm cách tăng thị phần với các sản phẩm riêng, như Blue Mountain cola.

Hà Thu
Nguồn VnExpress