Không sử dụng từ "bão hòa" để nói về thị trường

Ông không muốn nói đến thương hiệu mì ăn liền Việt Hương khi bắt đầu cuộc trò chuyện này. Nhưng tôi tin là ông vẫn âm thầm gầy dựng cái tên mang nhiều ý nghĩa ấy. Bây giờ KCN Việt Hương mặc nhiên đã là một thương hiệu và rồi đây là Jeans Việt Hồng...

* Mỗi khi nhớ đến thời bao cấp, anh em làm báo chúng tôi hay nhắc đến mì tôm và bột canh Việt Hương...

Kêu bằng mì ăn liền thì đúng hơn. Vì những năm đầu thập niên 1980, đất nước nghèo khó, ngay cả mì tôm của Vifon cũng không còn trộn bột tôm khô nữa. Danh xưng "mì tôm" đã là quá khứ. Thuở ấy tôi sản xuất mì ăn liền Việt Hương và bột canh Việt Hương dưới hình thức "tổ hợp" cho nó hợp thời cái gì cũng tập thể.

* Nhưng mà hai sản phẩm ấy đã có thương hiệu?

Nền kinh tế tập trung, bao cấp không có từ "thương hiệu", tôi chỉ dám tự hào là "sản phẩm bán chạy". Mà nó bán chạy thật, lại cạnh tranh ngang ngửa với mì ăn liền Vifon có từ năm 1963. "Cạnh tranh" cũng là từ mãi những năm 1990 nước ta mới bắt đầu dùng.

Ông Hàng Vay Chi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Việt Hương

* "Thời Việt Hương" cũng đã có mì ăn liền Miliket. Nhưng tôi nhớ những đêm trực tòa soạn, chúng tôi vẫn được cấp mì Việt Hương "ăn bồi dưỡng", không biết có phải do giá rẻ hơn các loại mì khác hay do chất lượng?

Chất lượng thì như nhau, nhưng Việt Hương có rẻ hơn chút xíu. Cũng có thể do cách bán hàng của chúng tôi, mà bây giờ kêu bằng tiếp thị. Chắc anh nhớ thời ấy, các tỉnh hay cơ quan lớn đều có bộ phận thu mua, tiếp phẩm. Mỗi lần liên hệ mua bán, hay nhận hàng, tôi đều mời họ đến sớm rồi nấu mì với bột canh Việt Hương "chiêu đãi".

Đói bụng, mì Việt Hương càng ngon! "Tiếp thị” đơn giản vậy mà hiệu quả, nhiều lúc trong kho hết hàng, khách phải chờ. Mì ăn liền ngon hay dở quyết định bởi thành phần bột mì nhiều hay ít. Tôi sản xuất bột canh đem đổi nông sản, có nông sản xuất khẩu lấy ngoại tệ mua bột mì sản xuất mì ăn liền, nên không trộn các loại bột khác vượt tỷ lệ cho phép. Vì thế, Việt Hương ngon nên bán chạy.

* Nhưng rồi ông bỏ ngang mì Việt Hương?

Đến đầu thập niên 1990, đất nước mở cửa, các "đại gia" mì ăn liền nước ngoài vào Việt Nam, tôi phải né họ vì không thể cạnh tranh bằng máy móc hiện đại. Mặt khác tôi đã tích lũy được một số vốn nên chuyển sang làm nhà hàng, khách sạn song song với việc mua đất chuẩn bị xây dựng khu công nghiệp (KCN), cũng lấy tên Việt Hương.

* Khách sạn và KCN hình như không liên quan, phải không, thưa ông?

Đã là thị trường thì ngành này có thể liên quan ngành khác. Thị trường nuôi nhau là vì vậy. Tôi mở khách sạn chủ yếu là để đón nhà đầu tư đến ở tìm cơ hội kinh doanh.

Tôi nói được tiếng Nhật, tiếng Anh và ngoài tiếng Quan thoại, tôi biết năm phương ngữ tiếng Tàu nên có khách người Hoa đến là trực tiếp đưa đón họ tại phi trường Tân Sơn Nhất, giới thiệu mô hình KCN Việt Hương mà tôi đang xây dựng, chở họ đi xem mặt bằng, cùng họ lên phương án kinh doanh. Xem như tôi nắm chắc các vị khách đầu tư có tiềm năng, không để lọt sang KCN khác.

* Giữa thập niên 1990, chỉ có VSIP...

Năm 1996, tôi là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên tham gia vào lĩnh vực KCN song song với KCN Việt Nam - Singapore (VSIP), lại ngay bên cạnh VSIP, cách trung tâm thành phố Thủ Dầu Một không đến một ngàn mét. Gia đình, bạn bè lo lắng về quyết định này của tôi, bởi cho rằng một doanh nghiệp tư nhân mỏng vốn không thể cạnh tranh với một liên danh giàu nguồn lực.

Nhưng tôi nghĩ khác: Trên những đồng cỏ châu Phi, như Moremi (Botswana), Hwange (Zimbabwe), South Luangwa (Zambia), hay Amboseli (Kenya) đầy báo, sư tử, linh cẩu mà ngựa vằn, linh dương đầu bò, đà điểu vẫn sống tốt thì mình chắc chắn sống được. Và cái cách tôi sống được, một phần như vừa nói là đón nhà đầu tư "từ gốc".

* Nhưng chỉ có thế thì chắc KCN Việt Hương không được lấp đầy nhanh như vậy?

Nhà đầu tư nước ngoài đem cả sự nghiệp đến Việt Nam thì phải tạo cho họ sự an tâm làm ăn. Ngoài chính sách thu hút vốn FDI của Nhà nước, với vai trò là chủ KCN, tôi chọn dịch vụ để thu hút nhà đầu tư, như lo cho họ thủ tục thành lập công ty, khai báo hải quan, thuế... Nghĩa là tôi sát cánh bên nhà đầu tư ngay cả sau khi họ đã sản xuất ổn định.

Cách nay 20 năm, doanh nghiệp Đài Loan đến thăm dò đầu tư tại Việt Nam khá nhiều, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn điều lệ khoảng 5 - 10 triệu USD. Các doanh nghiệp này chỉ đầu tư một khi nắm chắc cơ hội thành công. Do đó, tôi không chào mời họ thuê đất dài hạn tại KCN, vì như thế suất đầu tư sẽ tăng, làm họ e ngại.

Tôi thuê kỹ sư Đài Loan quy hoạch và xây dựng hàng loạt nhà xưởng trong KCN Việt Hương theo đúng tiêu chuẩn bên Đài Loan và mời họ vào thuê. Cách làm này khiến họ an tâm, chi phí đầu tư thấp, dễ dàng chuyển đổi công năng. Để thuận tiện khi làm thủ tục xuất nhập hàng hóa cho các nhà đầu tư, tôi đề nghị Cục Hải quan Bình Dương đặt một chi cục trong KCN.

Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu và Mỹ buộc phải tuân thủ tiêu chuẩn xả thải ra môi trường, nên tôi xây dựng hệ thống xả thải đạt tiêu chuẩn loại B, mặc dù thời điểm đó, năm 1996 - 1997 chưa có quy định cụ thể về điều này.

Doanh nghiệp vào thuê KCN của mình, nếu không tuân thủ quy định xả thải của nước nhập khẩu, thì hàng hóa sẽ không bán được. Mà không bán được hàng thì không có nguồn thu, lấy tiền đâu thuê mặt bằng tại KCN của mình, hoặc đơn giản là chuyển sang KCN khác để đáp ứng được các tiêu chuẩn về hàng hóa xuất khẩu của họ.

KCN của tôi đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư nên chẳng bao lâu, Việt Hương đã được lấp đầy, một phần trong đó là do các doanh nghiệp giới thiệu cho nhau tìm đến để sản xuất - kinh doanh theo cụm, theo ngành.

Thế là cái tên KCN Việt Hương phải thêm số I, vì năm 2007 tôi lập thêm KCN Việt Hương II, cũng ở Bình Dương, nhưng xa hơn KCN I vài chục kilomet để đáp ứng nhu cầu ấy, với diện tích lớn hơn nhiều.

Một ông chủ nào đó trong ngành cờ bạc tạo ra casino để mời người ta vào chơi, người thắng, người thua đều phải nộp tiền cho "nhà cái". Tôi nghĩ làm KCN cũng tương tự, tức mời doanh nghiệp vào sản xuất và... thu tiền. Xây dựng KCN có nhiều khách thì lời, quá ít khách là lỗ, lỗ nặng, không có bí quyết nào như anh muốn hỏi.

* Nhưng hiện nay KCN đã gần như bão hòa...

Lúc khó khăn, một đôi giày hay đôi dép là quá đủ. Như tôi hồi nhỏ, quanh năm suốt tháng chỉ có một đôi Bata để đi học, đi chơi. Bây giờ thị dân như tôi, như anh, mỗi người ít nhất cũng có năm ba đôi giày thay đổi tùy lúc. Chỉ nói riêng nước ta, đời sống phần đông dân chúng đã khá lên, tầng lớp trung lưu ngày một đông, nhu cầu vật chất ngày một tăng đòi hỏi sản xuất, kinh doanh phải phát triển.

Tôi phủ định thành ngữ "An cư mới lạc nghiệp", lạc nghiệp có khi không cần phải an cư, vì với doanh nhân, an cư không tạo ra vốn làm ăn.

Nhu cầu của đời sống không bao giờ có giới hạn nên nhà kinh doanh có tầm nhìn xa không sử dụng từ "bão hòa" để nói về thị trường. Việt Nam chưa phải quá nhiều KCN, vấn đề là phân bổ không hợp lý, nơi cần thêm thì không có, nơi không cần thì lại xây, lại xây trên bờ xôi ruộng mật, nên tỷ lệ lấp đầy thấp, có KCN gần như bỏ hoang.

Riêng tôi thì tiếp tục mở rộng diện tích KCN Việt Hương II, lấp đầy đến đâu mở rộng đến đó. Trước đây làm KCN diện tích 100 hecta chẳng hạn, sẽ lời khoảng 10 triệu USD trên tỷ suất đầu tư. Sau đó, quá nhiều người cùng làm, nhiều cạnh tranh thì lời còn khoảng 7 - 8 triệu USD. Hiện nay lời khoảng 30% là cao. Kinh doanh KCN còn có khoản tiền dịch vụ, không nhiều lắm, nhưng được cái thu hoài.

* Kinh doanh KCN, theo tôi cũng là kinh doanh bất động sản. Theo ông thì sao?

Nhiều doanh nhân tích lũy vốn từ sản xuất rồi mới kinh doanh bất động sản. Tôi thì sử dụng nguồn lực bất động sản để phục vụ sản xuất, tức đi ngược lại. Sản xuất vẫn là nền tảng và động lực phát triển nền kinh tế. Vì thế tôi phủ định thành ngữ "An cư mới lạc nghiệp". Lạc nghiệp có khi không cần phải an cư, vì với doanh nhân, an cư không tạo ra vốn làm ăn.

Do đó, tôi làm bất động sản không phải là xây nhà, mà làm KCN, nhà xưởng, tạo ra nguồn lợi mới, hay nói cách khác, đất phải liên tục đẻ ra tiền. Tôi nghĩ, bất động sản mà chỉ để làm nhà ở, dù biệt thự triệu đô hay căn hộ siêu cao cấp cũng không tạo ra tích lũy cho xã hội.

* Và ông không quên tạo ra sản phẩm để xuất khẩu?

Lúc đầu vốn mỏng thì tôi chọn những ngành mới, ít người hoặc chưa có ai đầu tư, sẽ không quá lo về thị trường. Nhưng khi đã tích lũy được một số tiền nhất định, tôi chọn đầu tư những ngành đòi hỏi vốn lớn, khó làm, tức cũng không nhiều đối thủ cạnh tranh. Đó là quan điểm kinh doanh của tôi, và đó cũng là cách tiêu tiền hợp lý nhất.

Tôi nghe nhiều người nói rằng không có thị trường nên không dám đầu tư. Nhưng nếu có thị trường mới đầu tư thì đã chậm so với người khác. Phải biết phán đoán, phải tự tìm ra thị trường, đó mới là bản lãnh của doanh nhân.

Tôi chọn sản xuất vải jeans với thương hiệu Việt Hồng vì một nửa nhân loại đang dùng vải jeans làm trang phục và phụ kiện, từ đủ kiểu quần áo đến nón, túi xách..., dù trên thế giới vải jeans chưa bao giờ thiếu. Không thiếu nhưng chưa hẳn đã đủ.

Tôi tìm ra thị trường ở phân khúc "chưa đủ” ấy. Sản xuất vải jeans không dễ ăn, vì suất đầu tư lớn, lại phải đầu tư đồng bộ vì vải jeans nhuộm từ sợi chứ không phải từ vải, biên lợi nhuận chỉ khoảng 10% - 12%.

Nhà máy sản xuất vải jeans đầu tiên của tôi có công suất 10 triệu mét/năm, suất đầu tư khoảng 20 triệu USD, giờ nhà máy thứ hai, cũng ở KCN Việt Hương II, công suất gấp 10 lần, chi phí đầu tư 160 triệu USD, trước mắt xuất khẩu sang Mỹ khoảng 40%.

Anh hỏi tôi sản xuất ra lượng vải jeans lớn như vậy sao không lập xưởng may đồ jeans để tăng giá trị gia tăng? Tôi có tính đến, nhưng bằng cách khác. Một xưởng may muốn có lãi khá thì phải có 2.000 thợ lành nghề. Anh hãy hình dung, để 2.000 người thợ ấy đem lại lợi nhuận cho ông chủ, ông chủ còn vất vả hơn họ phải tăng ca liên tục. Với lại, như tôi đã nói, để thị trường nuôi nhau, mình đừng quá "tham công tiếc việc".

Một vài năm nữa, tôi mua cổ phần của một số công ty lớn chuyên may mặc, mua bằng cách đầu tư trang thiết bị và cung cấp vải jeans. Đó cũng là cách tôi xây dựng thương hiệu Việt Hồng song song với thương hiệu Việt Hương.

* Ông không muốn nói đến thương hiệu mì ăn liền Việt Hương khi bắt đầu cuộc trò chuyện này. Nhưng tôi tin là ông vẫn âm thầm gầy dựng cái tên mang nhiều ý nghĩa ấy. Bây giờ KCN Việt Hương mặc nhiên đã là một thương hiệu và rồi đây là Jeans Việt Hồng...

Làm thương hiệu tốn nhiều thời gian và tiền bạc. Một sản phẩm có thương hiệu ở tầm khu vực phải mất 10 năm với khoảng 50 triệu Mỹ kim quảng bá. Các nước có nền kinh tế khá nhất Đông Nam Á đến nay vẫn chưa có thương hiệu nào nổi tiếng, trừ Thái Lan với thương hiệu du lịch 4S (Sun - Sea - Sand - Sex).

Doanh nghiệp Việt Nam cứ làm sản phẩm thật tốt bán ra thế giới với những nhãn hàng ngày càng được người tiêu dùng biết đến rồi dần dần sẽ có thương hiệu.

Trung Quốc đang đầu tư 50 tỷ nhân dân tệ, tức khoảng 8 tỷ USD với tham vọng xây dựng được 4 - 5 thương hiệu thế giới, nhưng chưa biết khi nào đạt được. Hiện họ chỉ có Lenovo và Jianlibao, nhưng nước tăng lực Jianlibao sang Bắc Mỹ thì thất bại. Đài Loan có nền công nghiệp phát triển trước đại lục, nay mới có Acer, HTC, Asustek.

Theo tôi, Việt Nam chưa tới giai đoạn xây dựng thương hiệu vì sản xuất và tích lũy chưa đủ lớn, quảng bá chưa đủ tầm. Doanh nghiệp Việt Nam cứ làm sản phẩm thật tốt bán ra thế giới với những nhãn hàng ngày càng được người tiêu dùng biết đến rồi dần dần sẽ có thương hiệu.

Vừa rồi, Starbucks đưa cà phê Việt Nam vào bán tại 21.500 cửa hàng ở 56 quốc gia, mỗi gói có định lượng 250 gram với giá 12,5 USD, bao bì màu sáng trang nhã, nổi bật trên đó là dòng chữ "Việt Nam - Đà Lạt". Theo anh thì đáng mừng hay đáng buồn? Tôi thì mừng, vì Starbucks là thương hiệu cà phê nổi tiếng lâu đời đã gián tiếp quảng bá cà phê Việt Nam.

Doanh nghiệp nước ta phải dần dần xây dựng thương hiệu bằng sản phẩm tốt nhất có thể là vì thế. Riêng tôi thì đúng như anh nói, đang âm thầm xây dựng thương hiệu, nhưng để có thương hiệu Jeans Việt Hồng với hình quả táo thì phải đến thế hệ thứ hai.

Hẹn một bữa khác lại nói về thương hiệu Việt Hương, Việt Hồng...

* Cám ơn và tạm biệt ông!

Việt Hồng
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn