Xiaomi và chiến lược "bắt chước - làm tốt hơn"

Trong vòng bốn năm, Lei Jun - nhà sáng lập và CEO của Xiaomi, bằng những nỗ lực của mình đã xây dựng một công ty startup thành một trong những nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới.

Tại thị trường Trung Quốc, Xiaomi đang là hãng điện thoại có sản phẩm bán chạy nhất và cũng thành công trong phân khúc thiết bị phụ kiện điện tử, tạo tiền đề để theo đuổi việc mở rộng ra quốc tế và làm nhiều đối thủ cạnh tranh dè chừng.

Tuy nhiên, khó khăn bắt đầu đến với Xiaomi khi những công ty công nghệ mới nổi đang sao chép chính mô hình kinh doanh của hãng và đe dọa sự tăng trưởng của họ.

"Gậy ông đập lưng ông"

Doanh số bán hàng của Xiaomi tăng 1/3 trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số đáng mơ ước cho nhiều công ty công nghệ, nhưng lại là một dấu hiệu cho sự tăng trưởng chậm lại sau khi doanh số bán hàng của Xiaomi đã từng tăng gấp 3 lần trong năm 2014.

Lei Jun - nhà sáng lập và CEO của Xiaomi

Khó khăn của Xiaomi một phần đến từ Apple, khi gã khổng lồ này đang trở lại cuộc đua smartphone trên thị trường Trung Quốc với sự ra mắt của mẫu iPhone mới, trong khi vẫn còn đó mối đe dọa từ đối thủ cạnh tranh trong nước Huawei.

Tuy nhiên, đó chưa phải là những thách thức và trở ngại lớn nhất của Xiaomi. Công ty từng bị chế nhạo là “kẻ chuyên đi bắt chước” bởi các nhà phê bình này, giờ đây đang đối mặt với thách thức mới, đó là việc bắt đầu xuất hiện những đối thủ cạnh tranh cũng áp dụng mô hình “sao chép” và chiến lược giá như Xiaomi.

“Chúng tôi từng là những nhà sáng tạo, những kẻ thách thức và phá bĩnh”, hãng tin Wall Street Journal dẫn lời Lei trong một cuộc phỏng vấn, “Sau đó, mọi thứ thay đổi quá đột ngột, giờ đây chúng tôi đã trở thành mục tiêu bị thách thức. Điều này thật sự nguy hiểm và khó để thích ứng”.

Chiến lược tương lai của Xiaomi

Cưỡi trên con sóng phát triển ứng dụng Internet di động, lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc là nơi có sự ảnh hưởng lớn lên các công ty toàn cầu, và điều này mang lại lợi thế cho các doanh nghiệp của Đại lục. Tuy nhiên sự tăng trưởng kinh tế đang chậm lại sẽ mang lại hàng loạt thách thức cho một thế hệ doanh nhân mới, và họ phải học cách thích nghi với giai đoạn khó khăn chung.

Theo Lei, điều quan trọng để phát triển là cung cấp giá trị cho khách hàng. Mục tiêu cuối cùng của Xiaomi là làm mọi việc tốt hơn, với mức giá rẻ.

Nhìn lại chặn đường 5 năm phát triển, Lei thấy rằng sự cải tiến của smartphone sẽ làm lắng dịu quãng thời gian khó khăn để bước tiếp. Lấy đối thủ cạnh tranh để tạo nguồn cảm hứng mới, chiến lược tiếp theo của Xiaomi sẽ tập trung vào trải nghiệm của người sử dụng, nhằm định hướng và tiếp cận những thị trường khác. Trong đó, theo Lei, điều quan trọng để phát triển là cung cấp giá trị cho khách hàng.

“Chúng tôi đang làm như những gì Uniqlo, Muji và Ikea (những công ty công nghệ mới nổi) đã và đang làm. Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là làm mọi việc tốt hơn, với mức giá rẻ”, Lei cho biết.

Được thành lập vào năm 2010 bởi Lei và cựu giám đốc điều hành đến từ Google và Motorola, Xiaomi đã cho thấy những bước phát triển thần tốc trên thị trường smartphone Trung Quốc, bằng mô hình kinh doanh bán sản phẩm với giá rẻ và giảm thiểu chi phí bằng cách bán hàng trực tuyến cũng như quảng bá sản phẩm bằng phương tiện truyền thông xã hội. Trong đó, chiến lược giá vẫn đóng vai trò quan trọng của Xiaomi.

Cụ thể, dòng điện thoại cao cấp Mi Note Pro 64 GB của Xiaomi được bán 3.099 nhân dân tệ (CNY), trong khi iPhone 6 Plus dung lượng 64 GB của Apple có giá 6.088 CNY và 4.999 CNY cho một chiếc Samsung Electronics Galaxy Edge 32 GB.

Tổng thể, phương pháp trên của Xiaomi đã mang lại lợi nhuận đáng kinh ngạc, thu về doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 74,3 tỷ và 46 tỷ CNY.

CEO Xiaomi đặt mục tiêu sẽ bán được 80 triệu chiếc smartphone trong năm nay. Tuy nhiên, ông từ chối đưa ra dự báo cho năm 2016.

“Chúng tôi là một startup chỉ mới 5 năm tuổi, do đó tất cả những kỳ vọng sẽ là gánh nặng cho công ty. Chúng tôi theo đuổi tốc độ phát triển riêng”, Lei nói.

Là startup 5 năm, Xiaomi có những bước phát triển đáng nể

Phát biểu bằng chất giọng Hồ Bắc, nơi điển hình cho sự phát triển công nghiệp Trung Quốc, Lei nói về sự ảnh hưởng từ thị trường người dùng đã thay đổi quan điểm của công ty ông về sự đổi mới.

“Trong quá khứ, bạn sản xuất một chiếc điện thoại, với hy vọng sẽ bán nó cho một tỷ người dùng trên thế giới. Bây giờ thì bạn không thể nghĩ theo cách làm này. Bạn sẽ phải thiết kế ra những chiếc điện thoại khác nhau cho đám đông khác nhau trong các tình huống cũng không giống nhau”, ông trích dẫn điều này sau khi tung ra mô hình Xiaomi 4C, thiết bị cho phép kết nối internet tốc độ cao trên tàu cao tốc. Bên cạnh đó, là một thẻ SIM ảo cung cấp dịch vụ chuyển vùng giá rẻ cho khách du lịch quốc tế.

Vượt ra ngoài Trung Quốc, tham vọng của Xiaomi sẽ hướng đến những đất nước có dân số đông như Ấn Độ, Indonesia và Brazil. Lei muốn Xiaomi sẽ trở thành một trong ba công ty dẫn đầu, thậm chí là số 1, của thương hiệu smartphone ở quốc gia có dân số đông thứ 2 thế giới trong ba năm tới, mặc dù công ty phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ doanh nghiệp trong nước là Micromax Informatics của Ấn Độ.

Xiaomi cũng dự kiến sẽ mở rộng phân khúc sản phẩm dịch vụ xoay quanh chiếc điện thoại thông minh. Theo thống kê, trong 130 triệu khách hàng trên toàn cầu, mỗi ngày trung bình một người sẽ mất 115 lần với tổng số 4 giờ 30 phút sử dụng chiếc smartphone Xiaomi.

Vì thế, công ty sẽ bắt đầu tiếp cận thị trường thương mại và dịch vụ trực tuyến, bao gồm những sản phẩm như video, tin tức, dịch vụ tài chính, tivi và máy lọc không khí.

Xiaomi tiếp cận thị trường dịch vụ trực tuyến trên thiết bị di động

Dự kiến doanh số kỳ vọng sẽ gia tăng đáng kể từ việc đa dạng hóa sản phẩm và vị CEO 45 tuổi của Xiaomi cũng đã tính từng đường đi nước bước cho việc mở rộng này. Cụ thể, khi một người dùng smartphone của Xiaomi tải gói dữ liệu từ nhà mạng về, thì hệ thống của Xiaomi sẽ phát hiện và gửi cho người dùng một thỏa thuận với mức giá rẻ hơn trước 20%. Từ ví dụ trên, Lei dự kiến doanh thu sẽ tăng trưởng nhanh chóng nhờ những dịch vụ như thế, góp phần vào lợi nhuận biên của công ty.

Ngoài ra, dịch vụ tài chính cá nhân của Xiaomi có thể cho khách hàng vay 1 triệu nhân dân tệ chỉ với những cú nhấp chuột trên hồ sơ vay đã được Xiaomi triển khai xây dựng trước. Nhìn chung, Lei cho biết ông kỳ vọng doanh thu từ dịch vụ internet sẽ tăng gấp 3 lần, đạt mốc 1 tỷ đô la trong năm nay, tương đương gần 6% trong tổng doanh thu 16 tỷ đô la.

Đó là những con số thể hiện tham vọng lớn của Xiaomi, tuy nhiên công ty cũng sẽ không bắt đầu quảng cáo rầm rộ mà vẫn theo đuổi hiệu ứng lan truyền trong truyền thông. “Thương hiệu của Xiaomi nhắm đến tầng lớp trung lưu, trẻ và năng động. Những thương hiệu cao cấp hơn thì không được chào đón tại đây”, Lei cho biết.

Văn Lộc / WSJ
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn