PNJ: Tránh "vạ gió” DongA Bank

Do có mối quan hệ mật thiết với Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB) nên Công ty CP Vàng Bạc - Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đang bị "vạ lây" theo tâm lý đám đông với câu hỏi: PNJ có mất vốn trước sự cố bị "kiểm soát đặc biệt" của DAB?

Theo thông tin trong Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2015 mới được PNJ công bố, tính đến ngày 30/6, PNJ sở hữu 38.496.250 cổ phiếu DAB, tương đương với giá trị đầu tư gần 400 tỷ đồng.

Rủi ro bị "mua lại với giá 0 đồng" là tin đồn ám ảnh DAB dù Tổng giám đốc DAB Trần Phương Bình đã khẳng định rất khó xảy ra.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn lo ngại không loại trừ trường hợp gần 400 tỷ đồng của PNJ tại DAB sẽ mất trắng nếu cổ phiếu DAB còn 0 đồng. Vì rủi ro này, nhiều khả năng, cổ đông của PNJ có thể thấp hơn dự kiến ban đầu.

Ngoài ra, giá cổ phiếu PNJ cũng có thể bị giảm do mối liên quan giữa Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PNJ - Bà Cao Thị Ngọc Dung, với chồng bà - Ông Trần Phương Bình - Tổng giám đốc DAB.

Thống kê đến ngày 30/6, bà Cao Thị Ngọc Dung và ông Trần Phương Bình cùng người thân đang nắm trên 48 triệu cổ phiếu DAB, tương ứng với gần 10% vốn của DAB.

Theo phân tích của chuyên viên Công ty Chứng khoán Kim Eng, PNJ đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của công ty mẹ. Ở khoản mục vay ngắn hạn, PNJ có khoản vay trị giá 126,3 tỷ đồng tại các NHTM CP Á Châu (ACB) được đảm bảo bởi 38,5 triệu cổ phiếu tại DAB.

PNJ hiện nắm 7,7% cổ phần DAB và đây là khoản đầu tư dài hạn của PNJ với giá trị đầu tư là 395 tỷ đồng. Xét về giá trị sổ sách của khoản đầu tư này chỉ còn khoảng 340 tỷ đồng do đã trích lập dự phòng 55 tỷ đồng.

Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra quyết định kiểm soát đặc biệt đối với DAB và tiến hành cơ cấu lại DAB sẽ có khả năng làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trên thị trường OTC theo chiều hướng tiêu cực. Qua đó, rủi ro chi phí dự phòng đối với khoảng đầu tư tại DAB của PNJ sẽ tăng lên đáng kể.

Hiện tại cổ phiếu DAB đã được PNJ mang thế chấp cho 2 khoản vay từ Ngân hàng Á Châu (ACB), trong đó có 126 tỷ đồng ngắn hạn, 59 tỷ đồng dài hạn.

Nếu khoản đầu tư vào DAB mất hết giá trị, PNJ có thể đứng trước áp lực trả nợ cho 2 khoản vay nói trên, hoặc tìm một nguồn thế chấp thay thế.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nếu DAB chỉ khiến cho PNJ phải trích lập thì biến cố này sẽ không đủ để làm đổ vỡ doanh nghiệp dẫn đầu ngành trang sức.

Công ty Chứng khoán FPT đánh giá doanh thu và lợi nhuận hoạt động cốt lõi của PNJ có thể đạt 20%/năm trong giai đoạn từ 2012 - 2022. Trong dài hạn, thị giá của PNJ có thể sẽ hồi phục và thậm chí vượt vùng giá hiện tại.

Tại buổi gặp gỡ các nhà đầu tư mới đây, bà Cao Thị Ngọc Dung cho biết, 6 tháng đầu năm PNJ đạt tổng doanh thu 3,846 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ 2014, lợi nhuận gộp trước thuế đạt 546 tỷ đồng, tăng 43%; lợi nhuận trước thuế đạt 228 tỷ đồng, tăng 46%, hoàn thành 60% kế hoạch năm. Trong đó, mảng trang sức vàng (sỉ, lẻ, xuất khẩu) đã mang lại 75% doanh thu và đóng góp trên 80% lợi nhuận gộp.

Trước sự quan tâm của nhà đầu tư về các khoản vốn đầu tư ngoài ngành của PNJ, nhất là mối quan hệ giữa PNJ và DAB, bà Dung cho biết: "Từ trước đến nay, trong nguồn vốn vay của PNJ thì vốn vay từ DAB chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. PNJ không dựa vào nguồn vốn vay từ DAB, do đó nguồn vốn vay từ DAB không ảnh hưởng đến hoạt động của PNJ".

Bà Dung cũng khẳng định PNJ luôn dự phòng những tình huống rủi ro có thể xảy ra để có phương án trích lập dự phòng theo đúng giá thị trường của các cổ phiếu đầu tư, trong đó có DAB, nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi của cổ đông.

Mặt khác, bà Dung còn đặc biệt nhấn mạnh, từ năm 2012, PNJ đã rất nỗ lực để thoái vốn khỏi những khoản đầu tư ngoài ngành để nhất quán với mục tiêu đã được thông báo với cổ đông.

Những khoản đầu tư chính bao gồm Ga Đại Việt, Công ty CP Nhiên liệu Sài Gòn, Công ty CP Sài Gòn Food...

Kể từ năm 2012, PNJ đã không tăng thêm bất kỳ khoản đầu tư nào vào DAB, mà thay vào đó là tập trung 100% vào mảng cốt lõi, đó là trang sức.

Một trong những thành quả đó chính là việc tăng trưởng thị phần từ 12% vào năm 2012 lên 22% trong quý I, đưa PNJ trở thành doanh nghiệp dẫn đầu thị trường trang sức vàng của Việt Nam.

Dự kiến năm 2022, mục tiêu PNJ đạt được 300 cửa hàng có thể sẽ đến sớm hơn. Trên thế giới, các công ty trang sức có quy mô lớn như PNJ không nhiều, lại vừa sản xuất vừa bán lẻ, bán sỉ và xuất khẩu. Ngay cả các quốc gia hàng đầu trang sức trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan cũng chỉ có vài công ty.

Về thị phần của PNJ, bà Dung khẳng định: "Theo đánh giá của Hội đồng Vàng Thế giới vào cuối năm 2014, thị phần PNJ là 21%, chắc chắn sẽ tăng lên vì số lượng cửa hàng tăng. Mọi năm, doanh thu bán lẻ các tháng 6,7,8 thường giảm nhưng năm nay tăng đều trên 40%. Trước kia, khi mở cửa hàng mới ở các tỉnh, PNJ luôn dự trù khoản lỗ, nhưng hiện nay mở cửa hàng mới không bị lỗ, kết quả kinh doanh đều đạt kỳ vọng. Thị phần trung cấp vẫn chiếm tỷ trọng doanh thu lớn nhất của PNJ".

Lữ Ý Nhi
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn