Thị trường dầu ăn đang 'sôi'

Với quy mô thị trường lên tới 30.000 tỷ đồng, ngành dầu ăn hấp dẫn hàng loạt công ty bánh kẹo, bất động sản, siêu thị... nhảy vào giành thị phần.

Chủ một cửa hàng dầu ăn ở khu vực cầu ông Lãnh (quận 1) TP HCM cho biết, trước đây ông chỉ bán 1-2 loại dầu ăn, nhưng nay số lượng đã tăng lên 6 loại. Nhiều cơ sở nhỏ còn ngỏ ý được ký gửi hàng, nhưng ông từ chối vì chỉ nhận những sản phẩm có thương hiệu nằm trong top đầu.

“Gần đây khá nhiều các công ty dầu ăn nhỏ tìm đến chào hàng với giá rẻ hơn 30-40% so với nhãn hàng có thương hiệu nhưng tôi không nhận, trong khi sản phẩm này được khá nhiều quán ăn nhỏ đặt mua”, chủ cửa hàng cho biết.

Không chỉ xuất hiện đa dạng ở chợ, tại hầu hết các siêu thị, sản phẩm dầu ăn luôn chiếm lĩnh kệ dài với nhiều nhãn hiệu khác nhau. Đặc biệt, sản phẩm hàng nhãn riêng của siêu thị cũng phủ đầy, xen kẽ "rất khéo" với nhóm hàng thương hiệu.

Điển hình là tại hệ thống siêu thị Big C, cứ cách một sản phẩm dầu ăn thương hiệu là có sản phẩm hàng nhãn riêng với đủ các chủng loại. Đặc biệt, giá sản phẩm của siêu thị rẻ hơn 50% so với hàng của doanh nghiệp. Cách làm này cũng được áp dụng tương tự tại hệ thống siêu thị của Co.op Mart.

Dầu ăn tại siêu thị được đặt tại ví trí bắt mắt và thoáng. Ảnh: Thi Hà.

Là ông lớn trong ngành hàng bánh kẹo, nhưng Tập đoàn Kinh Đô cũng đã quyết định rất quyết liệt khi bán cổ phần mảng sản phẩm có thương hiệu hơn 20 năm để dồn lực cho kinh doanh dầu ăn. Dẫn chứng rõ nét nhất là sau khi bán 80% cổ phần bánh kẹo cho tập đoàn của Mỹ, công ty này nhanh chóng chi mạnh tiền để nâng tỷ lệ sở hữu tại Vocarimex - doanh nghiệp chiếm gần 70% thị phần ngành dầu ăn. Kinh Đô cho hay, sau thương vụ này họ sẽ nhanh chóng đưa ra nhiều phương án để phát triển thị trường dầu ăn và hỗ trợ phân phối, kỹ thuật cho Vocarimex.

Tại đại hội của công ty diễn ra trước đó, nhiều cổ đông cho rằng đánh chiếm thị trường này khá rủi ro khi 90% nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu và đang bị các sản phẩm nước ngoài lấn át về giá. Để chứng minh cho "nước cờ" của mình đang đi đúng hướng, gần cuối tháng 6, Kinh Đô đổi tên thành Kido và chính thức tuyên bố "đứng trên vai của người khổng lồ" khi ký kết biên bản ghi nhớ với một trong những tập đoàn trồng và sản xuất dầu cọ lớn nhất trên thế giới - Felda Global Ventures (FGV) cùng một đơn vị chuyên về logistics để lập ra công ty liên doanh mới trong lĩnh vực dầu ăn. Với liên doanh này, Kido không chỉ cung cấp sản phẩm ra thị trường mà còn là đơn vị phân phối nguyên liệu sản xuất cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Ngoài Kido, cuối 2014, thị trường dầu chiên xào cũng ồn ào khi một doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản và thủy sản là Tập đoàn Sao Mai ra mắt thương hiệu dầu cá cao cấp Ranee. Đại diện công ty này cho biết, dù đi sau nhưng Tập đoàn vẫn quyết tâm nhảy vào vì chưa có doanh nghiệp nào trong và ngoài nước sản xuất dầu ăn từ tinh dầu cá tra. Trước đó, một số hãng mới chế biến dầu cá thành thực phẩm chức năng hoặc thức ăn trẻ em.

"Dù chi phí cho marketing trong lĩnh vực này lớn vì đi sau, nhưng chúng tôi vẫn không ngại đầu tư. Hiện tại, ngoài mở rộng thị trường nội địa, Sao Mai đang quảng bá sản phẩm và đẩy mạnh xuất khẩu sang Singapore, Malaysia và Trung Quốc", vị này nói.

Dây chuyền chiết rót dầu cá cao cấp Ranee - Ảnh: Hoàng Xuân / Thanhnien

Trước đó, Công ty cổ phần Dầu thực vật Quang Minh, một doanh nghiệp đa ngành cũng gia nhập thị trường dầu ăn với nhãn hiệu Mr Bean, Oilla, Soon Soon.

Đánh giá về thị trường dầu ăn đang "sôi sục", ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) nhận định, không phải ngẫu nhiên mà nhiều doanh nghiệp chen chân vào lĩnh vực này để kinh doanh, bởi biên lợi nhuận của ngành này lớn.

Báo cáo kết quả kinh doanh của các công ty trong nhóm ngành dầu ăn nhiều năm gần đây luôn tăng trưởng 20-30%. Cùng với mức tăng trưởng này, báo cáo nghiên cứu về ngành dầu ăn cũng cho thấy dẫu thị phần của nhóm này đã phân chia ổn định, nhưng dư địa phát triển vẫn còn cao. Mức tiêu thụ dầu ăn bình quân đầu người của Việt Nam so với thế giới còn thấp. Hiện tỷ lệ này tại Việt Nam là khoảng 7 - 9kg mỗi người một năm, trong khi khuyến cáo mức tiêu thụ bình quân để đảm bảo sức khỏe của Tổ chức Y tế Thế giới là 14kg.

Còn theo Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, dầu thực vật đang chiếm cơ cấu gần 29% trong ngành thực phẩm tiêu dùng. Điều này cho thấy mảnh đất này vẫn còn khá màu mỡ.

Báo cáo kết quả kinh doanh của các công ty trong nhóm ngành dầu ăn nhiều năm gần đây luôn tăng trưởng 20-30%.

Tuy nhiên, chuyên gia của SBS cũng khuyến cáo, để một doanh nghiệp mới nhảy vào lĩnh vực này giành thị phần từ những ông lớn là khá khó khăn. Chi phí marketing giai đoạn cạnh tranh khốc liệt này sẽ tăng cao, và sẽ mất nhiều thời gian để giành lấy thị phần rất nhỏ.

"Sản phẩm của các doanh nghiệp ngoại đang có giá rất cạnh tranh, trong khi đó, các mặt hàng dầu ăn mới ra của một số doanh nghiệp Việt lại có giá thành khá cao. Tâm lý tiêu dùng của người dân luôn đặt vấn đề chất lượng và giá lên hàng đầu. Chính vì thế, đơn vị nào đưa ra được một mức giá hấp dẫn mà vẫn đảm bảo chất lượng thì sẽ được ưu tiên", ông Khanh nói thêm.

Sự cạnh tranh khốc liệt không những khiến nhiều doanh nghiệp dầu ăn lớn sụt giảm doanh số, mà còn "tiễn chân" không ít thương hiệu tham vọng. Cuối năm 2013, Công ty Vina Acecook đã ngưng mảng sản xuất dầu ăn mang thương hiệu Đệ Nhất. Đại diện của Vina Acecook lý giải nguyên nhân do doanh thu ngành dầu rất bấp bênh vì cạnh tranh gay gắt, mức tiêu thụ dầu ăn lại giảm xuống do xu hướng người tiêu dùng hạn chế đồ chiên.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện thị trường có tổng cộng gần 40 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dầu ăn. Trong đó, dầu cọ là sản phẩm dầu thực vật chính chiếm 70% thị phần, dầu nành chiếm 23%, còn các loại dầu thực vật khác chiếm 7%.

Thi Hà
Nguồn VnExpress