Báo Mỹ gọi Chủ tịch Vinamilk là nữ hoàng ngành sữa

CNBC nhận xét CEO Mai Kiều Liên và doanh nghiệp của mình đã thay đổi đáng kể thói quen ăn uống của người Việt trong hơn 20 năm qua.

Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) hiện sở hữu 13 nhà máy sản xuất sữa và các mặt hàng từ sữa tại Việt Nam. Trong đó, nhà máy sữa Việt Nam là một trong những nhà máy sản xuất sữa lớn nhất nước. Nhìn từ bên ngoài, cơ sở này cũng như các nhà máy khác tại nhiều khu công nghiệp ở Bình Dương. Nhưng bên trong, đây chính là nơi sản xuất ra 400 triệu lít sữa mỗi năm.

CNBC cho biết lượng sữa tiêu thụ ở Việt Nam tăng từ 0,5 lít một người một năm vào năm 1990 lên 18 lít một người một năm hiện nay. "Có lẽ sữa tươi đã 'thấm' vào chế độ ăn của người Việt trong thập kỷ qua", tác giả Kaori Enjoji - trưởng bộ phận chuyên trách về khu vực châu Á - Thái Bình Dương của CNBC tại Tokyo – nhấn mạnh.

Bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch kiêm CEO Vinamilk tại nhà máy sữa của hãng.

Tác giả miêu tả mùi thơm của đường nóng chảy lan tỏa khắp máy sữa lớn nhất của Việt Nam tại Bình Dương, với công suất lên tới 400 triệu lít mỗi ngày. “Đó là hương vanilla", Giám đốc sản xuất của Vinamilk - bà Bùi Thị Thu Hoài chia sẻ. Bà Hoài cho hay, khẩu vị của người Việt ưa đồ ngọt, vì thế sản phẩm của Vinamilk nhanh chóng chiếm được chỗ đứng trong khẩu phần ăn của các gia đình.

Sự thay đổi nhanh chóng này được thúc đẩy bởi Vinamilk - công ty có thị giá lớn nhì Việt Nam. Thành công của Vinamilk gắn liền với Chủ tịch kiêm CEO Mai Kiều Liên. Bà được Kênh thông tin kinh tế và tài chính CNBC gọi là "Nữ hoàng ngành sữa" và là "Margaret Thatcher của Việt Nam".

"Tôi không dám so mình với bà Thatcher. Nhưng trong ngành sữa Việt Nam, tôi cũng đã đóng góp nhiều quyết định cứng rắn để gây dựng Vinamilk như ngày hôm nay", bà Liên cho biết. Bên cạnh đó, theo bà Bùi Thị Thu Hoài - Giám đốc Sản xuất tại nhà máy của Vinamilk, yếu tố tạo nên thành công cho hãng chính là "vị vani. Vì người Việt thích đồ ngọt".

*Video bà Mai Kiều Liên trả lời phỏng vấn CNBC:

Bà Mai Kiều Liên gia nhập công ty 40 năm trước. Bà đã đưa Vinamilk từ nhà máy sữa nhỏ do Chính phủ quản lý thành một công ty niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2006. Gần như mọi ngóc ngách trong hoạt động của Vinamilk đều có sự tham gia của nữ tướng ngành sữa.

Năm 2014, lợi nhuận trước thuế của Vinamilk đạt 359 tỷ USD, nắm 51% thị phần sữa nước trong nước. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm (CAGR) đạt 22% mỗi năm về doanh thu và lợi nhuận trong hơn 11 năm cổ phần hóa. Theo hãng nghiên cứu Nielsen, Vinamilk là một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam.

Thời kỳ hậu chiến tranh, bà cho biết công ty từng rất khó khăn khi không có đủ ngoại tệ mua nguyên liệu cần thiết duy trì hoạt động cho nhà máy. "Chúng tôi phải làm việc với các hãng xuất khẩu thủy hải sản để có ngoại tệ cần cho việc nhập nguyên liệu thô. Khi đó, nhà máy của chúng tôi chỉ hoạt động với công suất 4% mà thôi", bà nhớ lại.

Bà Mai Kiều Liên trong Lễ trao giải Nikkei tháng trước.

Với vai trò và thành tích nổi bật trong công ty, bà Mai Kiều Liên đã 4 năm liên tiếp lọt danh sách Nữ doanh nhân Quyền lực nhất châu Á (Asia's Power Businesswomen) của tạp chí Forbes. Năm nay, bà là người Việt Nam duy nhất được Tập đoàn Nikkei trao giải thưởng vì những đóng góp cho kinh tế khu vực. Dù vậy, giải thưởng trị giá 3 triệu yên (khoảng 500 triệu đồng) đã được bà Liên tặng lại cho trẻ em Nepal - nạn nhân của thảm họa động đất tháng trước thông qua Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc Unicef tại Nhật Bản.

Hà Thu / CNBC
Nguồn VnExpress