Thực phẩm Việt: Vinamilk & Masan đua song mã

Vinamilk là thương hiệu thực phẩm được chọn mua nhiều nhất ở thành thị Việt Nam năm 2014. Trong khi tại thị trường nông thôn, Masan chiếm thế độc tôn.

Trong báo cáo Brand Footprint mới nhất của Kantar Worldpanel khảo sát thị trường hàng tiêu dùng nhanh ở Việt Nam, nhìn chung, các thương hiệu thực phẩm có mức CRP cao hơn nhiều so với các thương hiệu đứng đầu ở các ngành hàng khác.

Thương hiệu trong nước chiếm ưu thế trong bảng xếp hạng ngành hàng Thực phẩm với 8 trên 10 thương hiệu dẫn đầu đều.

Vinamilk là thương hiệu thực phẩm được chọn mua nhiều nhất ở thành thị Việt Nam năm 2014, công ty sở hữu các sản phẩm đa dạng từ sữa nước (được xếp vào đồ uống) cho đến thực phẩm (sữa chua, phô mai,…).

Điểm tiếp cận người tiêu dùng (CRP) là một thước đo đo lường bao nhiêu hộ gia đình chọn mua một thương hiệu (tỷ lệ hộ mua) và mức độ thường xuyên mua (tần suất mua).

Vinamilk là thương hiệu thực phẩm duy nhất đến được với hơn 80% hộ gia đình thành thị, Kantar Worldpanel ghi nhận. Vinamilk sở hữu 3 thương hiệu có mặt trong top 10 thương hiệu hàng đầu ngành Thực phẩm bao gồm Vinamilk, Ngôi Sao Phương Nam và Ông Thọ. Chỉ riêng các thương hiệu này đã mang về 42 triệu CRP cho Vinamilk.

Các sản phẩm thuộc ngành hàng thực phẩm của Vinamilk được chọn mua 23 triệu lần ở thành thị trong năm qua.

Trong khi tại thị trường nông thôn, Masan chiếm thế độc tôn. Nam Ngư là thương hiệu thực phẩm được chọn mua nhiều nhất tại 160 triệu lần. Ở thành thị, Nam Ngư giữ vị trí thứ 2, đến được với ¾ người tiêu dùng và được chọn mua 16 triệu lần.

Masan có 3 thương hiệu nằm trong bảng xếp hạng ở nông thôn gồm Nam Ngư, Kokomi và Tam Thái Tử. Chỉ tính riêng ba thương hiệu này đã mang về 287 triệu điểm CRP cho Masan.

Trong lĩnh vực đồ uống, Vinamilk giữ vị trí thương hiệu thức uống được chọn mua nhiều nhất ở cả thành thị và nông thôn Việt Nam trong năm 2014.

Các sản phẩm sữa nước đa dạng của Vinamilk được chọn mua gần 28 triệu lần ở thành thị và 90 triệu lần ở nông thôn, vượt xa số CRP của các thương hiệu khác và rất khó để bắt kịp.

Đối thủ gần nhất của Vinamilk trong bảng xếp hạng là Cô Gái Hà Lan, được chọn mua hơn 11 triệu lần ở thành thị. Vinamilk, Cô Gái Hà Lan và Coca-Cola-Cola là 3 thương hiệu thức uống lớn đến được với hơn một nửa người tiêu dùng thành thị dành.

TH True Milk dẫn đầu về mức tăng trưởng CRP trong top 10, tăng trưởng 27% trong năm qua và vượt lên 3 bậc trong bảng xếp hạng.

Thương hiệu tuy còn non trẻ nhưng đầy tham vọng này đã bắt đầu đa dạng hóa sản phẩm của mình thông qua hàng loạt các dòng sản phẩm mới trong những năm gần đây như sự ra đời của TH True Yoghurt trong năm 2013, dòng sản phẩm dành cho trẻ em TH True Milk Top Kid, và mặt hàng sữa thanh trùng vào đầu năm 2015.

Vượt lên 6 bậc trong bảng xếp hạng và tăng trưởng 69% CRP, Milo đã có một cuộc đua ngoạn mục và lần đầu tiên lọt vào top 10 thương hiệu thức uống ở nông thôn. Với việc mở thêm nhà máy mới, Milo tung ra nhiều hoạt động như cho ra đời dòng sản phẩm Milo Activ-Go, tăng tốc chiếm lĩnh thị trường.

Thảo Mai
Nguồn Biz Live