Viettel thống lĩnh thị trường viễn thông

Viettel từ vị trí doanh nghiệp mới, luôn kêu bị các doanh nghiêp khác o ép hồi 10 năm trước, nay đã thống lĩnh thị trường dịch vụ điện thoại, nhắn tin và truy nhập Internet với trên 50% thị phần.

Ngày 15-6, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ban hành Thông tư sửa đổi một số quy định của thông tư 18 năm 2012 của Bộ trưởng TT&TT ban hành về Danh mục doanh nghiệp viễn thông, nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với các dịch vụ viễn thông quan trọng.

Tại thông tư 18, Bộ TT&TT nêu các doanh nghiệp viễn thông thống lĩnh thị trường bao gồm Viettel, MobiFone, VinaPhone vì theo quy định của Luật Cạnh tranh, các doanh nghiệp này có thị phần từ 30% trở lên hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể.

Tuy nhiên, đến nay, Viettel đã vươn lên với hơn 50% thị phần nên trở thành doanh nghiệp duy nhất thống lĩnh thị trường.

Theo Cục Viễn thông, danh mục doanh nghiệp thống lĩnh thị trường được Bộ TT&TT ban hành theo từng thời kỳ. Bản thân Luật Cạnh tranh cũng quy định rõ các tiêu chí về thị phần doanh thu để làm căn cứ đánh giá doanh nghiệp nào nằm trong nhóm thống lĩnh, doanh nghiệp nào không nằm trong nhóm.

Ảnh tư liệu: TTO

Theo tính toán của Bộ TT&TT dựa trên các tiêu chí này, hiện nay chỉ có Viettel là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường đối với dịch vụ thông tin di động. Việc xác định Viettel là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường như trên nhằm hạn chế việc doanh nghiệp lợi dụng vị trí để thao túng thị trường.

Theo đó, Viettel sẽ bị quản lý chặt chẽ về các điều kiện thay đổi giá cước, khuyến mãi giảm giá dịch vụ bằng cách nếu muốn thực hiện phải đăng ký với Cục Viễn thông và chỉ được phép thực hiện sau khi có chấp thuận của Cục. Viettel cũng sẽ không được ban hành giá cước dịch vụ viễn thông thấp hơn giá thành...

Trong khi đó, nhóm các doanh nghiệp viễn thông không nằm trong nhóm thống lĩnh thị trường gồm Vietnammobile, GTel nay có thêm sự gia nhập của VinaPhone, MobiFone sẽ có lợi thế khi điều chỉnh giá cước, thực hiện khuyễn mãi giảm giá sẽ không phải đăng ký mà chỉ cần thông báo với Cục Viễn thông. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này cũng không bị cấm ban hành giá cước thấp hơn giá thành.

Như vậy, sau hơn 10 năm gia nhập thị trường viễn thông di động, Viettel từ vị trí doanh nghiệp mới, luôn kêu than bị các doanh nghiêp khác độc quyền, o ép thì nay Viettel đã trở thành “ông lớn”, có vị trí thống lĩnh và có nguy cơ được trở thành doanh nghiệp độc quyền trên thị trường viễn thông di động.

Minh Quang
Nguồn Tuổi Trẻ Online