Những nền tảng của thế giới 3.0

Những hãng công nghệ lớn không chỉ đang thay đổi cách thức chúng ta mua hàng mà còn xóa nhòa cách thức vận hành của mô hình kinh tế cũ.

Ngày nay, các hãng công nghệ luôn muốn đổi mới mình để trở thành những nền tảng mới trong thế giới 3.0 cho dù họ gặp không ít rắc rối. Tháng 3 vừa rồi, hãng taxi giá rẻ Uber đã bị cấm hoạt động trên nhiều lãnh thổ như Đức, Hàn Quốc và Pháp. Còn mạng xã hội Facebook cũng đang gặp phải nhiều rắc rối trong việc đưa dịch vụ kết nốt Internet miễn phí đến người dân ở những nước nghèo thông qua một dự án tên Internet.org. Tuy vậy, cho đến nay Uber đang đạt mức tăng trưởng ấn tượng tại Việt Nam và Trung Quốc, cũng như hàng triệu người ở các nước đang phát triển đang được hưởng lợi từ dự án Internet.org.

Những mô hình kinh doanh cổ điển, “những đại dương đỏ” nơi mà các công ty cạnh tranh nhau khốc liệt để giành giật khách hàng đang dần bị thay thế mởi mô hình mới. Ngày nay chúng ta đang chứng kiến sự trỗi dậy của “những đại dương xanh”, những mô hình kinh doanh “phẳng hơn”, tương tác và kết nối mạnh mẽ hơn. Khách hàng hiểu nhau hơn, và thông qua điện thoại thông minh, họ có thể thực hiện những điều mà trước đây là không thể.

Một chiếc điện thoại sử dụng ứng dụng Uber (Nguồn: The guardian)

Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy những cuộc cách mạng công nghệ ở mọi lĩnh vực kinh tế. Taxi thông thường chỉ để chuyên chở hành khách, còn Uber kết nối lái xe với hành khách. Hiệu sách thông thường đợi khách đến mua, Airbnb kết nối chủ khách sạn với khách du lịch. Amazon cho phép người bán sách kết nối với những người mua sách cũ.

Rất dễ dàng nhận ra sự khác biệt giữa mô hình kinh doanh cũ và hiện đại. Thứ nhất, những công ty 3.0 thường có lợi nhuận rất lớn nhưng chi phí kinh doanh lại rất nhỏ, khiến cho bảng cân đối kế toán của họ trở nên “đáng nghi ngờ”. Đó là do Uber không cần thiết phải thuê tài xế, và Airbnb cũng không trực tiếp sở hữu khách sạn. Thứ hai, thay vì tuân theo nghiêm ngặt phương thức kinh doanh cũ thì hòn đá tảng của phương thức mới là việc truyền thông rộng rãi tới người dùng những quy tắc ứng xử chung với niềm tin rằng thị trường sẽ trừng phạt những người không tuân thủ. Trong một nền kinh tế thị trường tự do, thương hiệu của công ty chính là những hiểu biết của thị trường về công ty. Một tài xế taxi hay một khách hàng tồi sẽ sớm bị phát giác và bị loại bỏ bởi thị trường mà không cần đến cán cân công lý. Trong khi công lý mất “độ trễ” để thực thi thì những phản ứng đối với thương hiệu diễn ra ngay tức thì.

Tuy nhiên phương thức kinh doanh mới không phải lúc nào cũng nhận được sự đồng thuận từ pháp luật. Sáng kiến cấp dịch vụ Internet miễn phí cho các quốc gia phát triển của Facebook đã vấp phải nhiều sự phản đối. Nhiều tổ chức cho rằng việc cấp Internet miễn phí cho người dân nghèo chỉ là một cái cớ để Facebook phát triển kinh doanh. Hơn nữa cung cấp dịch vụ thông tin, sau khi sàng lọc và hình ảnh chất lượng thấp qua cổng ứng dụng Facebook sẽ làm giới hạn sự lựa chọn và ảnh hưởng tính riêng tư. Uber cũng bị cấm hoạt động trên nhiều phạm vi lãnh thổ như Hà Lan, Tây Ban Nha, Pháp, Đức và Hàn Quốc. Gần đây ngày 26/5, Tòa án Milan đã ra phán quyết cấm UberPop - một dịch vụ của Uber - trên toàn lãnh thổ Italy, sau khi xử thắng kiện cho các nghiệp đoàn lái taxi truyền thống, với lý do "cạnh tranh không lành mạnh."

Trong một cuộc chiến giữa công lý và sự đổi mới thì sự đổi mới lúc nào cũng giành chiến thắng. Những gì không được xã hội chấp nhận trong 50 năm trước, nay trở thành những điều hoàn toàn bình thường. Những gì Uber đem lại cho người dân Seoul nhiều hơn những gì mà những hãng taxi thông thường không thể. Đó chính là hệ thống thanh toán tiền điện tử làm cho giao dịch trở nên nhanh hơn, là hệ thống định vị có thể loại bỏ những khách hàng không mong muốn, là hệ thống cảm ứng có thể xác định được vị trí khách hàng và xe hơi. Đối với Facebook, tính đến ngày 13/5 vừa qua, một tỷ người trên thế giới đang chính thức được hưởng lợi từ dự án Internet.org.

Một cách ví von, những ứng dụng nền tảng hoạt động như sinh vật ký sinh. Những nền tảng này hoạt động dựa trên những mối quan hệ kinh tế xã hội có sẵn. Chúng không tự sản sinh ra bất cứ thứ gì ngoài việc tái cấu trúc lại những mã nhị phân và những phần mềm được phát triển bởi một kỹ sư nào đó. Với nguồn thu nhập lớn không bị đánh thuế, những “ông trùm ứng dụng” này cũng không khác so với những ông trùm tư bản thế hệ trước. Chỉ có một điều thay đổi, đó chính là tiền đang đi vào túi của ai.

Đức Anh
Nguồn VnExpress