Cuộc chiến giành thị phần của các hãng thời trang 'ăn liền'

Người đứng đầu một thương hiệu thời trang bình dân tuyên bố: "Nếu một xu hướng mới ra đời, chúng tôi sẽ phải cập nhật nó trên website trong vòng một tuần".

Ngành công nghiệp thời trang "ăn liền" (fast fashion - ám chỉ các hãng chuyên đi cóp nhặt từ những nhà mốt lớn để bán lại với giá rẻ hơn) được cho là thống lĩnh thị trường trong năm qua 2014. Theo thống kê của Forbes, Zara là thương hiệu ăn nên làm ra nhất với mức tăng trưởng 8%, đạt doanh thu 19,7 tỷ USD. Tiếp theo đó là các hãng Uniqlo, Gap, Primark, Abercrombie & Fitch hay Mango.

Cuộc cạnh tranh được dự báo ngày càng căng thẳng hơn khi nhiều thương hiệu thấp hơn đang tìm cách chiếm lấy thị phần. Một loạt thương hiệu mới đang được chú ý như: Boohoo, Pretty Little Thing, Shelikes, Missguided... Những con số mà các hãng thời trang này đạt được trong năm tài chính 2014 khá ấn tượng. Điển hình Missguided đã tăng trưởng doanh thu từ 12 triệu USD lên hơn 82 triệu USD.

Vẫn những món đồ giá chưa đầy 100 USD, chất liệu không quá đắt đỏ và thiết kế luôn bắt kịp xu hướng, đồ của các hãng này được bày bán tràn lan, từ các cửa hiệu đến mạng xã hội Facebook, Instagram hay Tumblr. Theo Guardian, những thương hiệu này đều là những chiến binh tiên phong trong cuộc cách mạng thời trang kỹ thuật số thời hiện đại.

Zara được coi là thương hiệu thời trang bình dân tạo nên hiện tượng trong năm 2014 với mức tăng trưởng vượt trội.

Cuộc chiến giành ngôi vương của các thương hiệu thời trang "ăn liền" thế hệ mới dựa trên tốc độ "copy", nhắm đến khách hàng bình dân.

Nitin Passi - nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Missguided - khẳng định: "Chúng tôi nhanh nhất. Đồ mới được cập nhật một ngày một lần. Và tôi mong, việc cập nhật còn nhanh hơn, mỗi tiếng một lần. Nếu có một xu hướng nổi lên, hãng sẽ phải có nó trên website trong chưa đầy một tuần". Trên thực tế, một bộ váy xuất hiện tại sự kiện thảm đỏ sẽ xuất hiện ngay trên website của hãng này chỉ sau 5 ngày.

Felipe Caro, giáo sư Đại học California, Los Angeles (Mỹ), ví von Missguided và Boohoo là hãng thời trang "ăn liền" được tiêm steroid - một loại chất kích thích. Ông từng làm việc tại Zara trong nhiều năm và nhận thấy rằng, hãng thời trang Tây Ban Nha mất bốn tuần để hiện thực hóa những bản phác thảo cóp nhặt được, trong khi những người như Nitin Passi có thể làm việc đó trong vòng một ngày.

Tham vọng của Missguided không chỉ thể hiện qua trăn trở của nhà sáng lập mà còn có thể nhìn thấy ở sự phát triển bên trong hãng. Trong vòng nửa năm, nhân viên của hãng này tăng 253 người và con số này chưa dừng lại. Khắp văn phòng giăng đủ loại hình ảnh các sao đang mặc đồ của hãng như: đại sứ thương hiệu Nicole Scherzinger, Ellie Goulding, Fearne Cotton... Kèm theo đó là các khẩu hiệu: "Không cần phải làm điều gì có nghĩa, hãy làm ra tiền", "Thức dậy, làm điều phi thường, lặp lại".

Hầu hết hãng thời trang bình dân biết cách tận dụng sức mạnh lan tỏa của Internet để quảng bá. Trong khi hầu hết "ông lớn" chỉ sử dụng một website duy nhất để giao dịch, các hãng bình dân hơn thường nhờ đến chuỗi bán lẻ để tăng khả năng tiếp cận với khách hàng. Mahmud Kamani, nhà sáng lập Boohoo, cho biết ông sử dụng Pinstripe - trang thương mại điện tử chuyên bán hàng thời trang bình dân - để làm bàn đạp cho sự phát triển của hãng.

Những hãng thời trang bình dân như Missguided đang dồn sức cho cuộc chạy đua mới nhằm giành vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực giá rẻ. Ảnh: Blogspot.

"Chúng tôi thắng rất nhiều thương vụ. Mỗi mùa lại có một món đồ gì đó tạo thành cơn sốt. Chẳng hạn, năm nay là áo gilê lông. Nếu bước xuống đường phố Anh, bạn sẽ thấy cửa hàng thời trang nào cũng bán áo gilê lông của chúng tôi", Kamani nói.

Trên con đường cạnh tranh về tốc độ, các thương hiệu phải tận dụng mọi lợi thế để luôn có nguồn hàng nhanh chóng.

Boohoo, Pretty Little Thing, Shelikes, Missguided đều có trụ sở tại Manchester (Anh) - nơi có truyền thống sản xuất chất liệu lâu đời bậc nhất trong ngành công nghiệp. "Nó được coi là thung lũng Silicon của ngành thời trang", Sam Puri - nhà đồng sáng lập của Shelikes nhận định.

Trong khi đó, khâu sản xuất của các hãng này lại đổ dồn về khu Chesterfield ở thành phố Leicester (Anh). Toàn bộ khu phố này trở thành khu công nghiệp chuyên gia công quần áo cho các hãng bình dân và luôn hoạt động hết công suất. Người đứng đầu một khu sản xuất cho biết: "Máy khâu cơ khí của chúng tôi từng có thời xếp xó. Nhưng hiện tại, tất cả thợ đều phải chạy theo nó".

Ngoài sản xuất, các hãng thời trang "ăn liền" còn luôn đảm bảo được nguồn hàng ổn định nhờ nhập hàng từ bên thứ ba. Người đứng đầu Shelikes, Sam Puri, cho biết, hãng này thường xuyên lấy quần áo từ Stylewise - một hãng bán quần áo do cha Sam đứng đầu.

Về cơ bản, cuộc chạy đua giành thị phần của các hãng bình dân không chỉ là câu chuyện về tốc độ mẫu mã. Để thuyết phục được các "thượng đế", những thương hiệu "ăn liền" thế hệ mới còn phải đáp ứng được yêu cầu về giá cả cũng như chất lượng. Vì thế, câu hỏi - liệu những thương hiệu bình dân này có tiếm ngôi của các "ông lớn" hay không - sẽ do chính thị trường và sự chọn lựa của người mua hàng giải đáp.

Thành Trương
Nguồn VnExpress