Pepsi, Coca-Cola: Cuộc đấu giảm đường

Cả Coca-Cola và Pepsi đều đang tung ra rất nhiều tiền làm marketing để lôi kéo niềm tin của người tiêu dùng vào những sản phẩm soda không có hại cho sức khỏe.

Theo cáo mới nhất của Tạp chí Beverage Digest cho thấy, những người tiêu dùng Mỹ đã mua ít hơn nước ngọt chứa carbonat trong suốt mười năm. Con số này được đưa ra trong bối cảnh các hãng nước ngọt lớn như Coca-Cola và Pepsi chi rất nhiều tiền cho marketing.

Đáng kể nhất là chương trình Share a Coke mà Coca-Cola tung ra trong năm 2014. Đây là ý tưởng sử dụng tên cá nhân in trên lon nước Coca, tạo ra sự hứng khởi của người dùng nên đã đẩy mức tiêu thụ Coca-Cola lên đáng kể sau 11 năm giảm liên tiếp. Coca-Cola vẫn giữ vị trí dẫn đầu với hơn 17,6% thị phần thị trường soda.

Trong khi đó, Pepsi đã vượt qua Diet Coke để dành vị trí số hai trong năm 2014 tại thị trường soda Mỹ sau khi đã bị giảm xuống vị trí thứ 3 trong năm 2010. Thời điểm đó, CEO PepsiCo là bà Indra Nooyi bị chỉ trích là đã để thương hiệu hàng đầu của Công ty quá mờ nhạt trước đối thủ Coca và Coke Diet.

Khắc phục sai lầm, PepsiCo dành ra thêm nửa tỷ USD cho marketing, chủ yếu là dành cho mảng bánh snack và nước ngọt có biên lợi nhuận cao. Đồng thời, Hãng cũng tung ra Pepsi Next, phiên bản mới của nhãn hàng Pepsi-Cola tại Mỹ, có lượng đường và calo ít hơn 60% so với Pepsi-Cola.

Trong khi đó, Coca-Cola đã lên kế hoạch tăng ngân sách quảng cáo thêm 1 tỷ USD trong 3 năm tới, cần biết là năm 2013, ngân sách này của Hãng đã lên tới 3,3 tỷ USD.

Cùng với việc khởi động một chiến dịch marketing toàn cầu mới thay thế cho khẩu hiệu "Open Happiness" sử dụng từ năm 2009, Coca cũng ra mắt Coca Life dán nhãn màu xanh lá trên vỏ chai chứa hàm lượng đường ít hơn 35% và ít kilojoule (đơn vị năng lượng) hơn so với loại Coca gốc lâu nay vì nó sử dùng chất tạo ngọt thay thế đường (stevia) chiết xuất từ lá cây. Coca-Life là loại nước uống thứ tư được tung ra trong lịch sử 128 năm của thương hiệu Coca-Cola.

Những nỗ lực mới của Coca và Pepsi nhằm lôi kéo người dùng trở lại sau những lo ngại về tác hại của nước ngọt có gas tới sức khỏe. Mặc dù người Mỹ uống ít Coca-Cola hơn nhưng hãng nước ngọt lớn nhất thế giới này vẫn đang đặt cược tương lai vào soda.

Trong khi nhu cầu ở thị trường Bắc Mỹ và châu Âu đang lung lay, doanh số của Coca-Cola lại tăng lên tại các thị trường trọng điểm như Mỹ Latinh và châu Á - Thái Bình Dương. Kinh tế khó khăn nhưng doanh số bán hàng thức uống trên toàn cầu của Coca-Cola năm 2013 tăng 2% và doanh thu tăng 3%.

Khách hàng vẫn tiếp tục làm giàu cho "nền kinh tế lớn thứ 84 thế giới" mang tên Coke với doanh thu hơn 35 tỷ USD. Coca-Cola đang đặt cược vào sự thuận lợi nhân khẩu học cho kinh doanh của Hãng trên toàn cầu khi tầng lớp người tiêu dùng trung lưu và thanh thiếu niên nói riêng đang tăng trưởng tại các thị trường đang phát triển.

Thụy Kha
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn