FMCG Monitor 07/2014: Người tiêu dùng chuyển sang dùng thức uống ở nhà nhiều hơn

Báo cáo FMCG Monitor mới nhất do Kantar Worldpanel công bố cho khoảng thời gian 12 tuần kết thúc ngày 13 tháng 7 năm 2014 cho thấy các gam màu khác nhau trong bức tranh thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) ở thành thị và nông thôn.

Tiêu dùng ở thành thị tiếp tục gánh chịu mức tăng trưởng thấp từ đầu năm nay với mức tăng trưởng thấp dần và đang xoay quanh mức 5% về giá trị và 2% về khối lượng tiêu dùng. Trong khi đó ở nông thôn, thị trường đang ổn định dần quanh mức tăng trưởng 11% về giá trị và 8% về khối lượng. Tất cả các kênh tiêu dùng chính ở thành thị đều tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Ở nông thôn, tiệm tạp hóa đang tiếp tục giữ vững tăng trưởng trong khi tiêu dùng FMCG ở chợ đang chững lại.

Tất cả năm lĩnh vực FMCG chính ở thành thị đều tăng trưởng rất thấp ở mức không quá 5% về khối lượng. Ở nông thôn, nhóm hàng Chăm sóc gia đình đang bị bỏ lại phía sau với mức tăng trưởng khiêm tốn trong khi các nhóm hàng khác đang ổn định. Thức uống lúa mạch vị sô cô la* là điểm sáng ở thị trường thành thị với mức tăng trưởng cao 27% về khối lượng tiêu thụ, chủ yếu nhờ thu hút thêm 87.000 hộ tiêu dùng mới. Ở nông thôn, ngành hàng kem là ngành hàng tiêu biểu của quý này với 53% tăng trưởng về khối lượng tiêu dùng trong nhà nhờ tăng 33% khối lượng tiêu dùng trung bình của mỗi hộ và thu hút thêm 600.000 hộ tiêu dùng mới.

Quan sát của chúng tôi trong suốt khoảng thời gian 12 tuần kết thúc ngày 13 tháng 7 năm 2014 cho thấy tiêu dùng trong nhà đối với nhóm hàng thức uống đang tăng trưởng ở mức 2 con số về mặt giá trị so với cùng kỳ năm trước. Quả thật vậy, người tiêu dùng đang có xu hướng chuyển sang dùng thức uống ở nhà thay vì ở bên ngoài. Nghiên cứu theo dõi hành vi uống của các cá nhân người tiêu dùng ở khu vực thành thị 4 thành phố chính cho thấy mức tăng 3,9% đối với số dịp uống ở nhà trong quý 2 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, số dịp uống bên ngoài hầu như không tăng trưởng. Đáng chú ý, người tiêu dùng có xu hướng giảm tiêu dùng thức uống ở những nơi tốn kém như quán cà phê hay nhà hàng, quán ăn. Số dịp uống ở các địa điểm này đều lần lượt giảm 12% và 3% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý là các ngành hàng có mức tiêu dùng bên ngoài suy giảm nhiều nhất như cà phê hòa tan, thức uống lúa mạch vị sô cô la và nước tăng lực lại giữ thứ hạng cao trong top các thức uống có số lần uống trong nhà tăng nhiều nhất. Điều này dường như phản ánh xu hướng người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các loại thức uống này ở nhà nhiều hơn thay vì chi tiêu để thưởng thức ở hàng quán bên ngoài trong nỗ lực nhằm xoay sở với áp lực từ tình hình kinh tế hiện tại.

“Mặc dù gần đây nền kinh tế đã có một số dấu hiệu khởi sắc nhưng nhu cầu tiêu dùng trong nước yếu vẫn là rào cản lớn. Rõ ràng người tiêu dùng, đặc biệt là ở nhóm thu nhập thấp, sẽ tiếp tục tìm cách xoay sở để cắt giảm chi tiêu. Chuyển sang tiêu dùng thức uống ở nhà thay vì bên ngoài chỉ là một trong số rất nhiều phản ứng của người tiêu dùng trong thời kỳ này. Thấu hiểu và nắm bắt được những thay đổi trong nhu cầu tiêu dùng sẽ tạo cơ hội mới để nhà sản xuất phát triển ngành hàng của mình, ngay cả khi đang phải chịu áp lực từ tình hình kinh tế hiện tại” – David Anjoubault, Tổng Giám đốc Kantar Worldpanel Việt Nam nhận định.

(*): Là thức uống làm từ lúa mạch có vị sô cô la (ví dụ như Milo, Ovaltine, v.v…)

Nguồn Kantar Worldpanel