"Lợi nhuận" từ CSR

Gần 3/4 người Việt được hỏi khẳng định sẵn sàng trả thêm tiền cho sản phẩm hoặc dịch vụ đến từ các công ty có cam kết phát triển cộng đồng và môi trường.

Cụ thể, với 73% người được hỏi cho biết sẽ ủng hộ các doanh nghiệp quan tâm đến cộng đồng và môi trường, Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ người tiêu dùng thể hiện cảm tình với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) cao thứ nhì thế giới, chỉ đứng sau Philippines. Đây là kết quả khảo sát do hãng nghiên cứu Nielsen thực hiện và công bố trên toàn cầu vào đầu tháng 7 vừa qua.

Theo khảo sát trên, đã có 68% người Việt được hỏi cho biết đã mua hoặc sử dụng ít nhất một sản phẩm hay dịch vụ từ doanh nghiệp có hoạt động CSR trong 6 tháng đầu năm 2014. Đây cũng là tỉ lệ cao thứ nhì thế giới, so với mức trung bình chỉ là 52% ở nhiều quốc gia khác.

Đối với doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh như Vinamilk thì việc đầu tư cho CSR sẽ thuận lợi hơn các doanh nghiệp khác.

Kết quả nghiên cứu này một lần nữa khẳng định vai trò không thể tranh cãi của CSR đối với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên tại Việt Nam, không kể đến khối các công ty nước ngoài đã thực hiện nhiều hoạt động phát triển cộng đồng và môi trường từ lâu, phần lớn doanh nghiệp nội dường như vẫn chưa quá hào hứng trước những lợi ích mà CSR có thể mang lại.

Bản báo cáo về CSR tại các doanh nghiệp Việt Nam do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương công bố cuối năm ngoái cho thấy chỉ có 36% công ty được hỏi trả lời có bộ phận giám sát thực hiện CSR. Đáng buồn hơn, mức độ tuân thủ trách nhiệm cộng đồng ở các công ty Việt Nam gần như không hề có tiến bộ trong giai đoạn 2011-2012. Cụ thể, chỉ có 28% doanh nghiệp tuân thủ nguyên tắc bảo vệ môi trường; và chỉ có 5% thừa nhận đã có đóng góp cho hoạt động chăm sóc y tế…

“Đa phần doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa hiểu đúng về CSR. Do không nhận thức đầy đủ, các doanh nghiệp thường thực hiện trách nhiệm xã hội một cách bị động, mang tính hình thức, bề nổi. Họ không chủ động tích cực tìm kiếm cơ hội thị trường thông qua cải thiện tiêu chuẩn lao động, mà thường coi CSR như gánh nặng chi phí. Đây là sai lầm lớn”, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận xét.

Khi điểm lại những doanh nghiệp Việt đang lồng ghép CSR một cách hiệu quả vào hoạt động quản trị kinh doanh, hầu hết vẫn là các công ty, tập đoàn lớn có tiềm lực tài chính mạnh. Với lợi thế đó, họ có thể gắn kết CSR vào chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Đơn cử như Vinamilk, một doanh nghiệp đã thực hiện những cam kết phát triển cộng đồng và môi trường từ lâu thông qua nhiều chính sách, từ nhân sự cho đến đường hướng phát triển của Công ty.

Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam thường không có sẵn nguồn lực để đầu tư CSR; và nếu có làm CSR đi nữa thì họ cũng ít khi nhận được sự quan tâm từ giới truyền thông và người tiêu dùng như các công ty danh tiếng. Thế nên, hầu hết hoạt động liên quan đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt vẫn còn mang nặng tính thời vụ và chưa trở thành cốt lõi. Vậy tiếp cận CSR thế nào để tận dụng được những lợi ích mà hoạt động này mang lại?

CSR, theo định nghĩa mới đây nhất bởi Liên minh châu Âu, là việc “doanh nghiệp lồng ghép những vấn đề xã hội và môi trường vào hoạt động quản trị kinh doanh hằng ngày, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của tất cả các đối tượng liên quan đến doanh nghiệp trên tinh thần tự nguyện”. Trong đó, đối tượng liên quan mật thiết nhất đến doanh nghiệp chắc chắn phải là người lao động. Đây cũng là nguồn lực tối quan trọng, quyết định khả năng phát triển của mọi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hãy nhìn vào Vinamilk. Không chỉ là một doanh nghiệp kinh doanh thành công, Vinamilk được đánh giá là một trong những nơi làm việc tốt nhất dành cho người lao động Việt Nam. Cụ thể, công ty sữa này đứng ở vị trí thứ 3 trong danh sách 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2013 do Anphabe và Nielsen đánh giá.

Đặc biệt hơn, Vinamilk cũng là một trong số ít các doanh nghiệp Việt Nam lọt được vào danh sách nói trên, đồng thời xếp trên hàng loạt tên tuổi nổi tiếng nước ngoài. Năm 2013, công ty này đạt doanh thu hơn 31.000 tỉ đồng, tăng 16,2% so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế năm ngoái của Vinamilk cũng đạt hơn 6.400 tỉ đồng, tăng 11,86% so với năm 2012. Kinh doanh thành công nên Vinamilk cũng nổi tiếng bởi chế độ “lương cao thưởng khủng” cho người lao động.

Tuy nhiên, chính sách phát triển nhân sự ở Vinamilk mới thực sự đáng chú ý. Ngay từ năm 1993, Vinamilk đã ký hợp đồng dài hạn với Đại học Công nghệ Sinh học Ứng dụng Moscow (Nga) đưa con em cán bộ công nhân viên sang học những ngành chuyên biệt về công nghệ sữa. Ngoài ra, con em cán bộ công nhân viên đậu đại học hoặc đang học tại các đại học chính quy, học lực giỏi, có nhu cầu về làm tại Vinamilk, Công ty cũng sẽ đài thọ đưa các em sang học chuyên ngành tại Nga.

Bên cạnh việc hỗ trợ con em trong Công ty, Vinamilk còn tuyển sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ở các đại học tại TP.HCM đưa đi học chuyên ngành ở nước ngoài. Thông qua chính sách thu hút nhân tài được thực hiện bài bản, Vinamilk đã không những đào tạo được đội ngũ kỹ sư chuyên ngành sữa giỏi mà còn “vô tình” thực hiện một chiến lược CSR hướng đến người lao động và cộng đồng rất hiệu quả.

Đương nhiên, đối với những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh như Vinamilk, việc đầu tư cho CSR sẽ thuận lợi hơn so với các doanh nghiệp khác. Nhưng các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn vẫn có thể tính đến việc đầu tư cho hoạt động nhân sự như một cách làm CSR bền vững. Không chỉ mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người lao động, đầu tư cho khâu nhân sự cũng chính là đầu tư cho tương lai phát triển của bản thân mỗi doanh nghiệp. Đó mới là “lợi nhuận” lớn nhất mà CSR mang lại cho các chủ công ty.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư