Cẩn thận: “Gậy” Coca-Cola có thể “dập” Coca-Cola

Một chiến dịch khá thành công của Coca-Cola ở nước ngoài khi tung ra ở Việt Nam bị biến dạng, có nguy cơ gây tổn hại đến tên tuổi thương hiệu này.

Ở nhiều nước, Coca-Cola tung ra chiến dịch “Share a Coke…”, in một số tên thông dụng hay các từ như “Bố”, “Mẹ” lên lon hay chai nước ngọt rồi bán rộng rãi. Dĩ nhiên mỗi chiến dịch hãng nước ngọt này chỉ in chừng 250 tên thông dụng nên tạo ra cơn sốt trong giới trẻ đi săn lùng lon hay chai Coca-Cola có tên mình. Chiến dịch này được tung ra đầu tiên ở Úc vào năm 2012 và đến nay đã thực hiện ở hơn 50 quốc gia.

Ở Việt Nam, Coca-Cola cũng áp dụng chiêu thức marketing này từ tháng 6-2014, thời gian đầu được hưởng ứng khá mạnh. Số lượng tên Coca-Cola sử dụng ở Việt Nam từ đầu tháng 7-2014 được tăng thêm 30 tên phổ biến và 20 từ miêu tả tính cách hay ngoại hình mà người tiêu dùng có thể chọn lựa. Thời gian đầu giới trẻ cũng hào hứng với lon nước ngọt “cá nhân hóa” này nên chia sẻ rộng rãi trên các mạng xã hội, tạo hiệu ứng quảng bá cho thương hiệu này.

Thế nhưng đã có một số trang web lợi dụng chiến dịch này để quảng bá cho dịch vụ và tên tuổi của họ. Hiện nay hàng chục ngàn người vào các trang web (chúng tôi không ghi địa chỉ cụ thể ở đây) và chỉ vài ba thao tác đơn giản là có thể sở hữu một chai hay lon Coca-Cola với tên hay bất kỳ từ nào khác họ tự gõ. Thậm chí có nơi còn soạn thành một ứng dụng chạy trên điện thoại di động thông minh dùng Android.

Thế là trên các mạng xã hội hiện đang lan tràn các hình ảnh đùa cợt với nhãn hiệu Coca-Cola như in chung tên Pepsi trên lon nước ngọt Coca-Cola hay in những từ gợi lại nghi vấn “chuyển giá” của hãng này tại Việt Nam. Ngay cả trên trang người hâm mộ (fanpage) của Coca-Cola trên Facebook cũng có những hình ảnh như “Coca-Cola trốn thuế”, "Chuyển giá" (xem hình minh họa).

Thật ra ở nước ngoài, Coca-Cola cũng có trang web cho phép người dùng tạo lon hay chai “ảo” có tên mình nhưng họ kiểm soát tốt bằng cách chỉ cho in những tên có trong cơ sở dữ liệu của họ. Ví dụ nếu cố tình in một từ không nghiêm túc thì phần mềm báo là từ đó không có.

Ở Việt Nam, vì các trang web in lon ảo này không thuộc sự kiểm soát của Coca-Cola nên người dùng có thể chọn bất kỳ từ gì họ thích. Mục đích của các trang web là thu hút người vào để quảng bá cho một dịch vụ khác của website này và đồng thời bán quảng cáo cho Google Adsense.

Khi được hỏi về các trang web in lon ảo, ông Nguyễn Khoa Mỹ, Giám đốc đối ngoại truyền thông Coca Cola Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đang tìm hiểu về vấn đề này”. Ông Mỹ nói thêm: “Coca-Cola [Việt Nam] cho đến thời điểm này không có hoạt động online nào cho chương trình này mà chỉ in tên lên sản phẩm bán ra trên thị trường và thực hiện hoạt động kích hoạt tại một số siêu thị và rạp chiếu phim”.

Có lẽ Coca-Cola sẽ phải buộc trang web nói trên ngưng cung cấp dịch vụ này vì “lợi bất cập hại”.

Nguồn Kinh Tế Sài Gòn