Rao mua biển quảng cáo ngoài trời

Doanh số quảng cáo ngoài trời đang sụt giảm mạnh, trong khi trên thị trường xuất hiện những công ty rao mua lại biển bảng theo kiểu "mớ rau, con cá".

Thời gian gần đây, trên một số tuyến đường tại TP HCM xuất hiện nhiều biển hiệu quảng cáo ngoài trời có ghi dòng chữ "cần mua lại các công ty quảng cáo hoặc biển bảng" gây chú ý nhiều người đi đường.

Theo giải thích của đại diện các công ty này, sau giai đoạn khó khăn kéo dài, tiềm năng phát triển ngành quảng cáo ngoài trời trong thời gian tới là rất lớn. Giờ họ muốn mở rộng quy mô hoạt động bằng việc mua lại các biển quảng cáo, hoặc những công ty quảng cáo muốn thoái lui khỏi thị trường, nhằm nắm bắt cơ hội phục hồi.

Nhiều biển rao mua lại công ty quảng cáo xuất hiện tại các tuyến đường TP HCM.

Lãnh đạo một công ty quảng cáo lớn tại TP HCM phân tích mua lại biển, bảng quảng cáo là vấn đề bình thường và trước giờ vẫn diễn ra. Bởi, số lượng bảng hiệu quảng cáo ngoài trời tại từng địa bàn đều bị khống chế. Do đó, nếu công ty nào có khách hàng muốn thuê bảng hiệu mà chưa được cấp phép mới, họ có thể thoả thuận mua lại của công ty khác nhằm đáp ứng nhu cầu của khách, miễn sao đảm bảo có lợi nhuận.

Tuy nhiên, riêng việc rao mua lại các công ty quảng cáo, ông cho rằng là động thái thiếu chuyên nghiệp. Bởi hoạt động mua bán sáp nhập đã phát triển khá mạnh tại Việt Nam trong mấy năm qua, chủ yếu trong ngành kinh doanh, tài chính ngân hàng..., và giờ thì lan sang lĩnh vực quảng cáo. Hoạt động này nhằm giúp cho các công ty muốn tăng nhanh quy mô và tiềm lực tài chính. Cũng có trường hợp các nhà đầu tư ngoại hoặc quỹ đầu tư mua công ty quảng cáo, "chăm chút" rồi sang tay bán lại hưởng chênh lệch....

Tuy nhiên, dù với mục tiêu gì thì hoạt động M&A đòi hỏi một sự chuyên nghiệp, cần phải có quá trình tìm hiểu kỹ càng do các chuyên gia giỏi đánh giá thị trường và có chiến lược cụ thể. Còn với các hoạt động tiếp thị bằng việc rao mua trên bảng quảng cáo xuất hiện tại một số nơi như hiện nay, cho người khác cảm giác như mua bán rau ngoài chợ. "Những người trong ngành nhìn thấy hiện tượng này rất buồn", ông chia sẻ.

Ông cũng nhìn nhận, 6 tháng cuối năm tình hình quảng cáo sẽ vẫn còn ảm đạm khi vừa đối mặt với những khó khăn vĩ mô, vừa đối mặt với những quy định "khắt khe" của Luật Quảng cáo mới. Chẳng hạn, với quy định biển quảng cáo phải đặt cách lề đường 5m, rất ít con đường tại TP HCM đáp ứng được.

"Hiện nay, TP HCM đang xin ý kiến của Hội đồng nhân dân các cấp về việc áp dụng quy định mới này. Nếu không có những thay đổi so với quy định ban đầu mà áp dụng vào thực tế, thì số lượng các biển quảng cáo ngoài trời tại thành phố sẽ phải giảm hơn 50% do không đạt chuẩn", ông nói.

6 tháng cuối năm tình hình quảng cáo sẽ vẫn còn ảm đạm khi vừa đối mặt với những khó khăn vĩ mô, vừa đối mặt với những quy định "khắt khe" của Luật Quảng cáo mới. Chẳng hạn, với quy định biển quảng cáo phải đặt cách lề đường 5m, rất ít con đường tại TP HCM đáp ứng được.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quý Cáp, Chủ tịch Hội quảng cáo TP HCM nhìn nhận, ngành quảng cáo thường liên quan chặt chẽ đến tình hình của nền kinh tế. Hiện nay, kinh tế vĩ mô của Việt Nam còn khó khăn khi địa ốc vẫn đóng băng, thị trường chứng khoán chưa mấy sáng sủa, ngân hàng thì vẫn đang cầm cự..., do đó ngành quảng cáo không thể nào khả quan được.

Ông Cáp cho biết, trước đây kinh phí dành cho quảng cáo khoảng 1 tỷ USD mỗi năm, trong đó riêng kênh quảng cáo ngoài trời chiếm khoảng 10%. "Đến nay, mặc dù chưa có số liệu thống kê chính xác, nhưng ước tính doanh số quảng cáo ngoài trời trên địa bàn Thành phố 6 tháng đầu năm sụt giảm 30-40% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này dễ dàng nhận thấy qua việc nhiều biển quảng cáo ngoài trời, thậm chí ở một số vị trí đắc địa cũng bị bỏ trống và không ít công ty đã phải đóng cửa do thua lỗ", ông nói.

Nguyên nhân theo ông Cáp là do nhiều thương hiệu lớn, quảng cáo dài hạn 2-3 năm như trước kia hiện đã giảm dần ngân sách cho việc quảng cáo ngoài trời và nhường lại cho xu hướng quảng cáo hàng tiêu dùng. Đây là loại hình ưa thuê quảng cáo ngắn hạn (2-3 tháng) cho một chiến dịch, sau đó thì ngưng.

Nhận định của ông Cáp phản ánh đúng với thực tế của thị trường hiện nay. Tại TP HCM, 8 biển quảng cáo bên sông Sài Gòn hướng từ quận 2 nhìn sang trung tâm quận I những năm qua luôn đắt khách thuê. Các thương hiệu xuất hiện trên các biển quảng cáo này thường là thương hiệu lớn của quốc tế. Nhưng kể từ đầu năm 2013, khách thuê bắt đầu rút dần, đến cuối năm thì trống hẳn và được Thành phố tận dụng làm biển "Chúc mừng năm mới".

Một đối tác cho thuê biển quảng cáo cho biết, trước đây giá chào thuê 8 biển này rất cao, có giá 250.000 USD cho một bảng mỗi năm. Sau một thời gian không có khách thuê, công ty chủ sở hữu này phải hạ giá thuê xuống còn 150.000 USD. Cách đây 2 tháng, mới chỉ có Heineken thuê quảng cáo 4 bảng.

Về việc xuất hiện một số tấm biển rao mua lại công ty hoặc biển bảng quảng cáo ngoài trời, Chủ tịch Hội quảng cáo TP HCM cho rằng, hiện nay có hai xu hướng, một là muốn bán công ty do nhìn nhận khó khăn, ngược lại, cũng có đơn vị mạnh về vốn và họ đánh giá thời gian tới sẽ là giai đoạn phục hồi nên có ý định mua lại công ty yếu hơn để nắm bắt cơ hội phát triển sau này.

Nhiều biển quảng cáo ngoài trời ở TP HCM đang chờ khách.

Tuy nhiên, ông cũng không loại trừ khả năng có công ty lấy đây làm chiêu thức tự quảng cáo cho mình nên treo những tấm biển như vậy chứ không hẳn là hoạt động M&A.

Theo ông Cáp, mặc dù hiện nay ngành quảng cáo chưa mấy sáng sủa nhưng kỳ vọng 6 tháng cuối năm sẽ có sự cải thiện. Còn mức độ phục hồi như thế nào phụ thuộc vào hai yếu tố, trước hết là sự hỗ trợ đồng bộ các chính sách từ Nhà nước; song song đó bản thân các doanh nghiệp trong ngành quảng cáo cần phải có những chính sách mới để tự cứu lấy mình.

Bởi hiện nay tình hình quảng cáo rất khó khăn. Một ví dụ đơn cử như trước kia ký hợp đồng là khách trả tiền ngay, nay thì phải triển khai xong dự án mới nhận được tiền, buộc doanh nghiệp quảng cáo phải trường vốn thì mới trụ nổi.

Đó là chưa kể trong thời gian tới, khi Luật Quảng cáo đi vào thực tiễn sẽ loại bỏ hẳn những công ty làm ăn kiểu chụp giựt, không có chiến lược lâu dài. Cái khó hiện giờ là ngành quảng cáo của Việt Nam đa phần gồm các công ty nhỏ, vốn yếu... chiếm hơn 90%.

"Điều quan trọng hiện giờ là các công ty quảng cáo phải liên kết lại với nhau, để tạo ra tiềm lực mạnh, nếu không sẽ phải chịu sự đào thải", ông nói.

Nguồn VnExpress