Thị trường dầu ăn: "Nước chảy chỗ trũng"

Nhiều doanh nghiệp sản xuất dầu ăn nội bị đánh bật khỏi thị trường do giá dầu ăn giảm mạnh (khoảng 15%), cùng với việc phải cạnh tranh gay gắt giữa các nhãn hiệu dầu ăn lớn.

Tường An, Vocarimex: kế hoạch ngàn tỷ

Công bố trong tài liệu họp đại hội cổ đông thường niên năm 2014 sẽ được tổ chức vào ngày 26/4 tới đây, Công ty CP Dầu thực vật Tường An cho rằng, thị trường dầu ăn ngày càng cạnh tranh gay gắt làm giá bán và hiệu quả kinh doanh không cao, nhưng bù lại, từ tháng 5/2013, thuế nhập khẩu dầu thực vật tinh luyện tăng lên 6% đã giúp xu hướng trực tiếp nhập khẩu giảm, tạo ra lợi thế cho Tường An.

Vì vậy, kết quả đạt được năm 2013 của công ty khá khả quan khi cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế (LNST) đều tăng lần lượt là 6,4% và 3,2% so với năm 2012.

Mặc dù nhận định năm 2014 vẫn còn khó khăn khi sức mua chưa được cải thiện nhiều, phân khúc sử dụng sản phẩm giá thấp vẫn chiếm phần lớn, nhưng kế hoạch năm 2014, Tường An vẫn đặt ra lộ trình đạt 150 ngàn tấn sản phẩm tiêu thụ, bằng 91% so với năm 2013, doanh thu đạt 4.100 tỷ đồng, bằng 95,5% và LNST đạt 50 tỷ đồng, bằng 76%.

Để thực hiện kế hoạch này, năm 2014, Tường An cũng lên kế hoạch triển khai thực hiện các hạng mục đầu tư tại nhà máy dầu Vinh, khai thác hiệu quả công suất ở các nhà máy, đặc biệt là nhà máy dầu Phú Mỹ.

Những năm gần đây là giai đoạn khó khăn nhất của Vocarimex, vì chi phí đầu vào tăng cao, trong nước hiện chưa có vùng nguyên liệu quy mô lớn, giá nguyên liệu thế giới biến động liên tục và bất thường gây ra khó khăn trong việc dự báo giá và dự trữ nguyên liệu để sản xuất, nhất là trong các dịp lễ, Tết, trong tình trạng cạnh tranh về giá với các DN nhỏ...

Nhưng ông Đỗ Ngọc Khải, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Vocarimex, vẫn cho biết, năm 2013 doanh thu của Công ty đạt 24.000 tỷ đồng, bình quân 3 năm (2011 - 2013) tăng 11,4%/năm.

Kết quả này là nhờ Công ty đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại với quy mô sản xuất dầu thực vật tinh luyện đạt gần 1 triệu tấn/năm, đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đến năm 2015.

Kế hoạch năm 2014, Công ty sẽ đầu tư 600 tỷ đồng để bổ sung thêm thiết bị, máy móc cho các nhà máy hiện nay là Nhà máy Dầu thực vật Vocarimex, Dầu Hiệp Phước, Dầu Quảng Ninh, nhằm khai thác tối đa công suất của các nhà máy này.

Đến cuối năm 2014, tổng công suất tinh luyện đạt 1,1 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó, Vocarimex xây dựng nhà máy tại khu kinh tế Nghi Sơn tỉnh Thanh Hóa với công suất 495.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng.

Tự vệ kẻo mất thị trường

Trong khi một số công ty sản xuất dầu ăn tiếp tục rót vốn đầu tư, mở rộng nhà máy thì một số công ty sản xuất dầu ăn lại gặp khó khăn. Đơn cử cuối năm 2013, Công ty Vina Acecook đã ngưng mảng sản xuất dầu ăn mang thương hiệu Đệ Nhất. Theo đại diện của Vina Acecook: "Lý do vì doanh thu ngành dầu rất bấp bênh do cạnh tranh gay gắt, mức tiêu thụ dầu ăn lại giảm xuống do xu hướng người tiêu dùng hạn chế đồ chiên".

Song, theo bà Nguyễn Thị Minh Thanh, Giám đốc Công ty CP Continental Việt Nam, đơn vị chủ quản thương hiệu dầu ăn Đầu bếp và Gia Việt: "Cái khó nhất là không chủ động được nguồn nguyên liệu do giá thế giới tăng giảm liên tục. Chẳng hạn, giá dầu nguyên liệu tuần trước giảm liên tục thì trong tuần này lại lên hai, ba giá khiến tỷ lệ lãi của ngành này rất bấp bênh. Trong khi đó, rất nhiều thương hiệu dầu ăn cạnh tranh nhau, chỉ cần chênh nhau 3.000-5.000 đồng/thùng dầu (12 lít) là mất thị trường".

718 ngàn tấn

Theo Bộ Công Thương, sản lượng dầu thực vật tinh luyện của Việt Nam trong năm 2013 ước đạt 718 ngàn tấn, tăng 9,2% so với năm 2012.

Cũng theo bà Thanh, hiện nay sân chơi cho các doanh nghiệp ngành dầu ăn có sự không công bằng giữa doanh nghiệp nhập khẩu dầu thô và doanh nghiệp sản xuất trong nước. Cụ thể, những doanh nghiệp nhập dầu tinh luyện thì bị lỗ do không có nhà máy tinh luyện nên bị mất 5% thuế tự vệ. Còn các doanh nghiệp lớn nhập dầu thô về tinh luyện thì không phải đóng thuế tự vệ 5% nên cạnh tranh tốt hơn.

Giám đốc Công ty CP Thực phẩm An Long, thương hiệu dầu ăn Happi Koki, cũng cho biết, do giá dầu giảm nên doanh thu năm 2013 của Happi Koki chỉ đạt hơn 80% so với năm 2012. Song, cái khó hiện nay là khi xuất khẩu dầu ăn sang Campuchia, Lào, do không được hoàn thuế tự vệ nên giá dầu Việt Nam khó cạnh tranh với Thái Lan vì họ được nhà nước ưu đãi, không phải đóng thuế.

Dự báo các doanh nghiệp sản xuất dầu ăn trong nước sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do nguyên liệu vẫn phải nhập khẩu đến 90%, do giá nguyên liệu liên tục lên xuống, tỷ giá biến động, trong khi giá thành phẩm không thể tăng tương ứng do sức ép cạnh tranh.

Chia sẻ thêm, ông Thái Vĩnh Hiền, Giám đốc Công ty TNHH TM DV Đóng gói Trường Phát, thương hiệu dầu ăn Ông Địa, cũng cho rằng, năm 2012 - 2013, doanh thu dầu ăn của Công ty giảm 30% so với năm 2011.

Kiến nghị của ông Hiền là Nhà nước nên xem xét lại việc hoàn thuế xuất khẩu dầu sang Campuchia và Lào để các doanh nghiệp có cơ hội cạnh tranh với dầu ăn Thái Lan, vì trước đây khi chưa phải áp thuế tự vệ, dầu ăn Việt Nam đã chiếm 80% thị phần tại Campuchia, nhưng nay đã bị thua Thái Lan.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngoài áp lực cạnh tranh về giá do thuế suất thuế nhập khẩu được điều chỉnh về 0%, các doanh nghiệp nội địa còn chịu thách thức lớn về chất lượng. Hàm lượng khoa học và công nghệ của các sản phầm dầu ăn trong nước đang được xem là khá thấp. Do đó, nguy cơ bị đánh bại trên chính sân nhà đối với các doanh nghiệp sản xuất dầu trong nước đang trở nên rõ nét hơn.

Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn