Thêm McDonald's đổ bộ, thương hiệu Việt thất bại trên sân nhà

Cửa hàng McDonald’s đầu tiên tại Việt Nam sẽ nằm tại số 2-6 Bis Điện Biên Phủ, quận 1, Tp.HCM. Thêm McDonald’s cho thấy, các thương hiệu toàn cầu đang đổ bộ vào thị trường Việt Nam và nhiều thương hiệu Việt đang ngắc ngoải tím cách trụ hạng hoặc chuyển nhượng.

Cuộc đổ bộ của các thương hiệu toàn cầu

Giám đốc điều hành McDonald’s Việt Nam, ông Nguyễn Huy Thịnh cho biết, dự kiến sau Tết Nguyên đán 2014, cửa hàng sẽ chính thức khai trương. Thực đơn sẽ bao gồm những món ăn đặc trưng được nhiều người yêu thích của thương hiệu này, từ bánh sandwich Big Mac, Cheeseburger, hay khoai tây chiên.

Điểm đáng chú ý tại cửa hàng này là dịch vụ drive-thru (mua hàng không cần đỗ xe) và phục vụ suốt 24 giờ.

Hiện tại, McDonald’s là hệ thống cửa hàng thức ăn nhanh số 1 thế giới với 34.500 cửa hàng, phục vụ hơn 69 triệu khách hàng tại hơn 100 quốc gia mỗi ngày. Trong đó, hơn 80% các nhà hàng McDonald’s trên toàn cầu được sở hữu và điều hành bởi các cá thể độc lập tại địa phương.

McDonald’s sẽ có cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam, làm dài thêm danh sách các thương hiệu toàn cầu tại thị trường Viêt.

Trước McDonald's, hồi tháng 4, The Pizza Company - một thương hiệu thức ăn nhanh thuộc Tập đoàn Minor Food Group (Thái Lan) cũng chính thức có mặt ở TP HCM.

Cuối năm 2012, công ty con của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) đã trở thành đối tác nhượng quyền của Buger King - tập đoàn cung cấp dịch vụ đồ ăn nhanh của Mỹ. Đầu năm 2013 những cửa hàng đầu tiên của Buger King đã được khai trương tại Hà Nội và TP HCM.

Một lãnh đạo IPP từng đặt mục tiêu trong hai năm đầu đơn vị này sẽ đầu tư và phát triển liên tục mỗi tháng 3-4 cửa hàng tại các thành phố lớn trong cả nước. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu để làm đa dạng thêm một số sản phẩm mới, phù hợp hơn với khẩu vị người Việt cũng được đơn vị này tính đến.

Phân khúc đồ uống cũng không hề kém cạnh và đã xuất hiện thêm thương hiệu quốc tế mới trong năm 2013. Sau Tết Quý Tỵ, Starbucks đặt chân vào TP HCM với một cửa hiệu 2 tầng tại đường Lê Lợi, quận 1 và chỉ sau vài tháng thương hiệu này bắt đầu bành trướng.

Starbucks đã ký kết với Coffee Concepts (Việt Nam) thỏa thuận nhượng quyền thương mại và Coffee Concepts trở thành đối tác điều hành duy nhất được cấp giấy phép của thương hiệu này tại thị trường Việt Nam.

Mảng bán lẻ đang chứng kiến sự bành trướng của các thương hiệu ngoại. Tập đoàn Lotte sau khi mở chuỗi siêu thị tại TP HCM, Đà Nẵng và Đồng Nai đã dọn đường cho kế hoạch Bắc tiến. Siêu thị đầu tiên của đại gia này ở Hà Nội dự kiến đi vào hoạt động từ đầu năm 2014.

Ngoài những gương mặt cũ Big C, Metro, Parkson... nhiều nhà đầu tư ngoại gần đây tuyên bố mở siêu thị tại Việt Nam. Tháng 5 vừa qua, Công ty NTUC FairPrice - nhà bán lẻ của Singapore - đã cùng với Saigon Co.op nhận giấy phép thành lập liên doanh kinh doanh thương mại ở Việt Nam và sẽ mở hai chuỗi siêu thị Co.opXtra và Co.opXtraPlus.

Cái chết của thương hiệu Việt

Từng nuôi mộng biến Phở 24 thành thương hiệu đẳng cấp thế giới nhưng cuối cùng ông chủ Lý Quý Trung lại dứt ruột bán “đứa con” của mình để đổi lấy 20 triệu USD.

Từ khoảng cuối năm 2011, thông tin Công ty Việt Thái Quốc Tế (VTI), đơn vị sở hữu Highlands Coffee mua lại 100% cổ phần Phở 24 từ ông chủ Lý Quý Trung đã khiến dư luận xôn xao. Ngay sau khi mua lại Phở 24, VTI lại lập tức bán 50% cổ phần cho Tập đoàn Jollibee (Philippines) với giá 25 triệu USD.

Trước đó, Phở 24 bộc lộ rõ nhưng yếu điểm của hệ thống nhượng quyền khi gia tăng quy mô hoạt động, thách thức trong quản trị chất lượng cũng tăng theo. Các cửa hàng trong nước đuối sức, mặc dù cách phục vụ cũng như chất lượng món ăn vẫn được bảo đảm.

Tài chính là vấn đề lớn nhất, vốn thiếu, Phở 24 lại “rơi” vào đúng thời điểm sắp thoái vốn của Quỹ đầu tư VinaCapital. Theo thông lệ, các quỹ đầu tư thường thoái vốn tại công ty liên kết sau 5 năm rót vốn.

Đặc biệt, là lỗ hổng quản trị hệ thống và Phở 24 gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với hàng loạt thương hiệu đồ ăn nhanh có tiếng ồ ạt đổ vào Việt Nam như KFC, Lotte,…

Với Bibica, năm 2007 với tham vọng đưa Bibica (BBC) từ một doanh nghiệp có thị phần đứng thứ hai thị trường bánh kẹo lên vị trí số 1, ông Trương Phú Chiến, Tổng Giám đốc BBC đã bắt tay với “ông lớn” Lotte. Bên cạnh hỗ trợ công nghệ, đối tác cũng mua 30% cổ phần của BBC. Hiện nay, Lotte đã nắm hơn 38% cổ phần.

Tuy nhiên từ giữa năm 2010, Lotte đã đặt vấn đề đổi tên doanh nghiệp với lý do đây là thương hiệu mang tính toàn cầu, thiết lập mạng lướt kinh doanh rộng khắp. Từ đây, ý đồ thâu tóm BBC của Lotte đã lộ rõ.

Trong nỗ lực chống lại sự thâu tóm của ông lớn “ngoại”, BBC đã tìm đến sự trợ giúp của một ông lớn “nội”. Đó là CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI). Sau nhiều lần mua bán, SSI đã sở hữu 32% cổ phiếu BBC. Nhưng dù sao SSI, với tư cách là một tổ chức tài chính thì việc hiện thực hóa lợi nhuận khoản đầu tư luôn là mục tiêu quan trọng nhất. Đây là mối lo rất lớn của BBC.

Nếu SSI muốn bán lại cổ phiếu BBC, đặc biệt bán cho Lotte thì câu chuyện thâu tóm không thể nào tránh được. Mặc dù ông Chiến khẳng định SSI chắc chắn sẽ không bán cho Lotte nhưng sự khẳng định được cho là không có nhiều tính đảm bảo vĩnh cửu.

Theo các chuyên gia, để cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài tại Việt Nam, các tay chơi Việt Nam cần chú ý hai điểm quan trọng là tầm nhìn và thực lực dài hạn, xây dựng chuỗi ẩm thực là xây dựng hệ thống.

Thứ hai là phải xây dựng được khái niệm và ý tưởng- concept đồng thời kiên quyết xa rời hấp dẫn kinh doanh trong ngắn hạn. Trong vận hành, các công ty cần phải triệt để tuân thủ và bảo toàn ý tưởng và khái niệm cửa hàng.

Nguồn Dùng hàng Việt