Phỏng vấn nhanh Phạm Đình Nguyên: "Bạn có thể mua cả New York nếu có người bán và bạn có đủ tiền để mua"

Phỏng vấn nhanh Phạm Đình Nguyên: Bạn có thể mua cả New York nếu có người bán và bạn có đủ tiền để mua

Thành công đối với tôi là một chặng đường chinh phục, chứ không phải là đích đến. Tôi cho rằng người thành đạt là người hạnh phúc và được làm điều anh ta mơ ước.

Chuyến đi tham dự buổi đấu giá mua lại thị trấn Buford là chuyến đi Mỹ đầu tiên của tôi. Đây cũng là chi tiết được báo chí Mỹ đưa tin rất nhiều, rằng một người chưa hề đến Mỹ nhưng quyết sở hữu một phần của nước Mỹ. Đại diện của tôi, Rosie, trả lời các phóng viên đứng đợi bên ngoài rằng “Khách hàng của tôi đến từ Việt Nam. Anh ta đã bay đến đây từ nửa vòng trái đất, mong muốn sở hữu một phần nước Mỹ. Giấc mơ Mỹ của anh hôm nay đã thành sự thật. Đó là tất cả những gì tôi có thể chia sẻ”.

Đã có một số người kêu gọi nhau "lau súng sạch" để đến... hỏi tội tôi. Do trước đó có một ít dân địa phương phản đối việc đổi tên thị trấn Buford, vì họ xem đây là “cái tát” vào mặt một thị trấn đã có gần 150 năm lịch sử. Hiểu được lo lắng này, khi chuẩn bị cho ngày ra mắt thị trấn PhinDeli, ông Don Sammons, đồng thị trưởng Buford đã làm việc với chính quyền bang. Họ bố trí hai phó cảnh sát trưởng đến bảo vệ cho buổi lễ. Ngoài ra, xe tuần tra của cảnh sát cũng rảo tới rảo lui bên ngoài. Cuối cùng, mọi thứ đều ổn. Nhiều người hàng xóm đã đến dự. Họ rất thân thiện, chúng tôi trò chuyện rất thân tình. Họ cũng cảm được thành ý của chúng tôi là giới thiệu một văn hóa cà-phê Việt, chứ không phải chúng tôi đến đây để xóa sạch lịch sử của Buford.

Hình thức đấu giá hoàn toàn không có chuyện đàm phán. Muốn mua, bạn phải trả giá cao hơn người khác. Có nhiều nguời nói rằng 900 nghìn đô-la Mỹ cho Buford (một nơi khỉ ho cò gáy) là mua hớ. Tuy nhiên, góc nhìn của ngưòi mua sẽ quyết định giá bạn phải trả. Nếu bạn mua về để ở, cái giá đó sẽ là đắt. Nhưng nếu dùng danh tiếng của một thị trấn mà cả thế giới biết cho hoạt động kinh doanh của bạn, thì tôi nghĩ đó là cái giá hời. Thực tế đã chứng minh như vậy.

Nước Mỹ rất tự do. Bạn có thể mua cả New York nếu có người bán và bạn có đủ tiền mua. Tôi hoàn toàn không gặp khó khăn về mặt thủ tục trong quá trình đấu giá mua Buford.

Cà-phê Việt hiện nay, vì nhiều lý do, đã ít nhiều không còn là cà-phê đích thực nữa. Người ta đã phối trộn với nhiều thứ để làm cho nó đen hơn, đắng hơn, đặc và đậm hơn. Với PhinDeli, chúng tôi mang ra thế giới sản phẩm cà-phê việt thơm ngon - nguyên chất và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thật bất ngờ khi biết người Mỹ uống cà-phê nhiều không kém uống nước ngọt có ga. Họ uống cà-phê từ sáng đến tối. Đây là đất nước tiêu thụ cà-phê lớn trên thế giới và vì thế tham vọng của chúng tôi là phổ biến cà-phê việt cho khách hàng Mỹ.

Kinh doanh ở Mỹ tính bằng năm và nhiều năm, không thể một sớm một chiều. Tôi rất háo hức, mong đến ngày cà-phê việt PhinDeli xuất hiện ở các chuỗi siêu thị lớn như Walmart, Target... Mỹ là thị trưòng lớn với nhiều sắc tộc và văn hóa. Người tiêu dùng rất cởi mở, sẵn sàng thử những cái mới, chưa kể đến hơn hai triệu người Mỹ gốc Việt ít nhiều cũng gắn bó với văn hóa cà-phê phin của việt Nam.

Tôi thích chơi đàn duơng cầm dù tôi chơi khá tệ. Đây còn là cách tôi giải trí và kích thích sự đam mê về âm nhạc cho hai đứa con của mình. Ngoài ra, tôi cũng rất thích xem phim, đặc biệt là thể loại hành động và tâm lý - xã hội.

Tôi đang đọc Những người khổng lồ bé nhỏ (Small Giants). Đây là quyển sách sống động và cuốn hút, nói về những vị lãnh đạo rất "không truyền thống" đã lèo lái các công ty có quy mô nhỏ nhưng lại sở hữu sức mạnh của một gã khổng lồ. Họ là những người nhỏ bé nhưng kỳ diệu.

Tôi từng mơ ước mình trở thành một phi hành gia. Khoảng năm 12-13 tuổi, tôi từng được xem một bộ phim tài liệu về các phi hành gia bay lên vũ trụ. Nhìn những con người nhỏ bé lại có thể bước đi trên mặt trăng, bay bồng bềnh, thật sự tôi rất muốn mình được trải nghiệm một lần cảm giác ấy. Tôi đăng ký để được bay trong chương trình Zero G dù việc này không thật sự dễ dàng với tôi.

Chuyến du lịch ấn tượng nhất của tôi là tới Phần Lan năm 2003. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy tuyết, được đi câu cá trên sông băng, được đi xe kéo bằng những chú chó Bắc cực.

"Luôn cố gắng mỗi ngày. Ngày hôm nay phải hơn ngày hôm qua" là quan điểm sống và lao động của tôi. Cuộc sống có thể luôn tồn tại những điều mình chưa làm được, nhưng tôi không bao giờ cho phép bản thân có tư tưởng thoái lui.

Gia đình đóng vai trò rất quan trọng với tôi. Gia đình luôn là chốn bình yên và hạnh phúc nhất sau công việc. Tôi luôn thầm cảm ơn vợ mình vì sự hy sinh của cô ấy. Bà xã tôi chấp nhận lùi về phía sau thay tôi chăm sóc, vun vén cho gia đình và lo lắng, dạy dỗ cho hai con.

Trong cuộc sống cũng như kinh doanh, phải chiến thắng chính bản thân mình để biến điều không thể thành có thể.

Nguồn Esquire Vietnam