Bán lẻ bỏ 'thúng, mẹt, ki-ốt', lên đời online

Đón đầu xu hướng mua sắm trực tuyến (online) bùng nổ, nhiều nhà bán lẻ truyền thống đang cấp tập tham gia "cuộc chơi" bán hàng online.

Walmart, hệ thống siêu thị lớn nhất nước Mỹ, bắt đầu gia nhập mạnh mẽ thị trường thương mại điện tử và đang lên kế hoạch cạnh tranh trực tiếp với Amazon, đối thủ bán hàng trực tuyến lớn nhất thế giới. Lý do là, đại gia này nhận thấy xu hướng khách hàng đang chuyển dần sang mua sắm trực tuyến.

Để xác định chỗ đứng trong thị trường này, đầu năm 2012, Walmart bắt đầu tuyển các nhân viên giỏi nhất đến từ thung lũng Silicon và thâu tóm các công ty khởi nghiệp.

Trong đó, Walmart bỏ ra 300 triệu USD thâu tóm Kosmix, một công ty chuyên thiết kế giao diện website.


Một năm qua, đội ngũ này tập trung sửa chữa các lỗi tồn tại trong hệ thống Walmart và cải thiện chất lượng website.

Bên cạnh đó, Walmart còn rót vốn đầu tư hàng loạt dịch vụ, như thị trường "quà tặng xã hội" dựa vào hồ sơ trên Facebook và Twitter; phát triển chương trình tìm kiếm hiệu quả; đầu tư vào các ứng dụng điện thoại hay đang cố gắng dẫn đầu dịch vụ vận chuyển trong ngày...

Những động thái đó cộng với tiềm lực tài chính mạnh khiến giới kinh doanh lĩnh vực thương mại điện tử trên thế giới lo lắng, đại gia bán lẻ truyền thống này sẽ tiếp tục thâu tóm toàn bộ thị trường.

Có thể thấy, một đại gia thống trị lĩnh vực phân phối bán lẻ thế giới (có ý định thâm nhập thị trường Việt Nam) cũng đang lo cho tương lai của mình khi xu hướng mua sắm online bùng nổ.

Trong khi đó, tại thị trường nhỏ bé như Việt Nam, mua sắm online cũng đang nổi sóng. Nhiều công ty mới đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, nhưng đã chiếm được thị phần đáng kể và được nhiều khách hàng biết tới.

Điển hình như Công ty TNHH Giờ giải lao với website Lazada.vn, Công ty TNHH Bán lẻ và Giao nhận Recess với website Zalora.vn, Công ty TNHH Gấu trúc Hungry với website Foodpanda.vn.

Đáng chú ý là, cả bốn công ty trên đều thuộc một nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh và nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử. Một số công ty lớn khác cũng triển khai nhiều website bán lẻ trực tuyến. Chẳng hạn, Công ty Lana đầu tư vào Beyeu.com, Lamdieu.com, Foreva.vn; Công ty VCCorp triển khai hàng loạt website bán lẻ, như Solo.vn...

Trước xu hướng kinh doanh trong lĩnh vực này được dự báo sẽ bùng nổ vào 2 năm tới, một số nhà bán lẻ truyền thống đã mạnh tay đầu tư gia nhập thị trường bán lẻ trực tuyến, như Công ty Thế giới di động và Hệ thống Trung tâm Mua sắm Nguyễn Kim.

Đón đầu xu hướng mua sắm trực tuyến (online) bùng nổ, nhiều nhà bán lẻ truyền thống đang cấp tập tham gia "cuộc chơi" bán hàng online.

Thực tế, xuất phát điểm của Thế giới di động là kinh doanh thương mại điện tử về công nghệ. Tuy nhiên, sau khi mở rộng đến 63 tỉnh, thành phố, với 220 cửa hàng, thì công ty này mới quay về với lĩnh vực kinh doanh chính.

Lý giải điều này, ông Nguyễn Đức Tài, Tổng giám đốc Công ty Thế giới di động cho hay, từ khi thành lập (năm 2004) đến nay, chưa khi nào Công ty rời bỏ mục tiêu phát triển thương mại điện tử. Việc nâng cấp website hay mở rộng dịch vụ cung cấp qua mạng đều nằm trong định hướng nâng doanh số mảng thương mại điện tử.

Trong tổng cơ cấu doanh thu 7.500 tỷ đồng năm nay của Thế giới di động, thương mại điện tử mới chiếm 700 tỷ đồng (chưa đến 10%). Tuy nhiên, theo ông Tài, con số này không làm ông hài lòng.

Mới đây, Thế giới di động đã ra mắt phiên bản website mới dành cho máy tính và điện thoại được Alexa đánh giá là có tốc độ load chỉ 1,2 giây. Thông tin về giá bán, hình ảnh, tính năng sản phẩm, so sánh, đánh giá... sẽ được Thế giới di động giới thiệu trên thegioididong.com để khách hàng tham khảo và chọn lựa.

Ông Tài cho biết, ông rất kỳ vọng vào mảng bán hàng online và sẽ tiếp tục đầu tư cho những bước tiếp theo. Đây là cách để Thế giới di động bắt nhịp với xu hướng mua sắm online đang nở rộ của người dùng. "Bán hàng online chính là xu hướng, dù có đóng cửa 50% siêu thị, chúng tôi cũng phải làm cho được hệ thống bán hàng online này", ông Tài nói.

Thói quen của người tiêu dùng Việt Nam đối với mua hàng trực tuyến có sự chuyển biến rõ rệt. Nắm bắt được xu hướng này, nhiều website kinh doanh theo mô hình bán lẻ trực tuyến ra đời, khiến thị trường này trở nên sôi động.


Tuy nhiên, sự phát triển rầm rộ này lại chưa đem lại kết quả như kỳ vọng đối với doanh nghiệp và niềm tin của người tiêu dùng. Nguyên nhân là do còn tồn tại rất nhiều rủi ro.

Theo ông Tài, kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam còn vướng phải nhiều rào cản, như phương thức thanh toán, hệ thống pháp lý, tâm lý tiêu dùng... Trong đó, tâm lý tiêu dùng là quan trọng nhất. Nhiều người vẫn muốn "sờ" vào món hàng, sau đó mới quyết định mua, hơn là nhìn qua website để đặt hàng. Đó là chưa kể thách thức về kiểm soát hàng tồn kho, tạo sự minh bạch về thông tin hàng hóa, giá cả, đảm bảo chất lượng dịch vụ, logistics, khả năng triết khấu...

Nguồn Chiến lược Marketing