Thị trường sơn: Ngoại ép nội "đổi màu"

Số doanh nghiệp (DN) sản xuất sơn tại Việt Nam hiện đã tăng lên gần 600 khiến sức ép cạnh tranh trong thị trường sơn ngày càng lớn.

Sơn ngoại gia tăng sức ép

Theo Hiệp hội Sơn và Mực in Việt Nam, tổng sản lượng sơn tại Việt Nam đạt gần 250 triệu lít, trong đó, mảng sơn trang trí đã chiếm 180 triệu lít và hầu hết các hãng sơn lớn của thế giới dưới hình thức đầu tư 100% vốn hoặc hợp tác sản xuất với các công ty sơn Việt Nam đều lần lượt xuất hiện tại Việt Nam.

Ông Chalermsak Pimolsri, Giám đốc Marketing Công ty Sơn 4 Oranges, cho biết: "Nhu cầu xây dựng, vật liệu xây dựng tại Việt Nam còn rất cao, hơn nữa, mức sử dụng sơn trang trí của đầu người mới ở mức 1,5 lít, trong khi mức bình quân ở Thái Lan là 4 lít và ở các nước phát triển bình quân 7 lít.

Tuy nhiên, thị trường này tại Việt Nam đang cạnh tranh rất gay gắt, chỉ cần chậm chân vào thời điểm này là có nguy cơ mất thị phần". Do đó, mặc dù chiếm đến gần 65% thị phần với nhiều lợi thế về thương hiệu, tài chính, sản phẩm đa dạng, nhưng các doanh nghiệp (DN) sản xuất sơn có vốn đầu tư nước ngoài vẫn đua nhau mở rộng đầu tư.


Ước tính thị trường sơn Việt Nam sẽ đạt giá trị 2,5-3 tỷ USD vào năm 2022

Với công suất 100 triệu lít sơn, để tối đa công suất, chiến lược kinh doanh năm 2013 của 4 Oranges là tập trung nhiều cho thị trường bán lẻ cùng với mảng dự án, các công trình lớn, đồng thời cũng đầu tư nhiều cho dịch vụ, hệ thống các trung tâm phối và pha màu.

Dự kiến đến cuối năm 2013, 4 Oranges có 2.000 trung tâm phối và pha màu trên cả nước. Chạy đua cùng đối thủ, Công ty Sơn Jotun cũng tăng vốn đầu tư lên 16,1 triệu USD để mở rộng nhà máy, nâng công suất lên 25 triệu lít sơn/năm.

Ông Đào Tuấn Khôi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Jotun Việt Nam, cho biết về chiến lược kinh doanh của Công ty: "Hiện Jotun đang duy trì mức tăng trưởng 20%, doanh thu hằng năm khoảng 50 triệu USD. Mới đây, Jotun còn đầu tư một triệu USD để triển khai ERP quản trị nguồn lực để hoạt động hiệu quả, chuyên nghiệp hơn".

Mặc dù bị ảnh hưởng do nhu cầu thị trường giảm sút, nhưng lợi nhuận trong năm 2012 của AkzoNobel tại các thị trường Đông Nam Á, Thái Bình Dương tương đối tích cực với doanh thu 15,4 tỷ euro, tăng 5% so với 2011.

Theo ông David Teng, Tổng giám đốc Công ty Sơn AkzoNobel Việt Nam, để tiếp tục củng cố vị thế thị trường, AkzoNobel đầu tư thêm 13 triệu Euro cho nhà máy tại Bình Dương nhằm tối ưu hóa việc sản xuất sơn.

Sơn nội "đổi màu"

Các thương hiệu sơn nước ngoài vẫn chiếm thị phần đến 65%, trong đó sản lượng lớn nhất thuộc về Akzo (30.000 tấn/năm) và Expo (40.000 tấn/năm). Tuy năng lực cạnh tranh của các hãng sơn nội địa còn kém hơn so với các hãng sơn ngoại nhưng những năm gần đây, nhiều thương hiệu sơn nội vẫn gia nhập thị trường với nhiều thương hiệu mới như Kova, Đồng Tâm, Tison, Alphanam, Hòa Bình...

Một số thương hiệu trong nước có uy tín và sản lượng cao, thậm chí cao hơn cả các thương hiệu sơn nước ngoài, như Kova 5.000 tấn/năm, Tison 5.000 tấn/năm. Mặc dù vậy, các hãng sơn nội chủ yếu bán ở các tỉnh và phân phối thông qua kênh đại lý với mức chiết khấu cao, còn thị phần tại các thành phố lớn thì rất khó chen chân.

Theo ý kiến của nhiều đại lý, DN sản xuất sơn trong nước mới chỉ khai thác ở mảng sơn trang trí nội-ngoại thất, chủng loại sơn chưa nhiều, chưa chú trọng đến quảng bá thương hiệu nên vẫn yếu thế hơn các thương hiệu sơn nước ngoài.


Để giữ sản lượng và thị phần, ông Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Nero, cho rằng, DN nội không có con đường nào khác là phải tự đổi mới, đa dạng sản phẩm. Vì vậy, Nero mới đưa ra dòng sản phẩm mới sơn chống thấm trang trí Nero Cement Paint có chất lượng tương đương sản phẩm ngọai nhưng lại có giá bán thấp hơn từ 30 - 50%.

Bên cạnh đó, Công ty còn có các sản phẩm sử dụng công nghệ nano như dòng sản phẩm sơn ngoại thất Nero Weather durable và Nero Nano Supershield ứng dụng công nghệ Nano UV Shield có tính năng chống carbon hóa cao, độ bền màu được duy trì lâu dài.

Đáng chú ý là một số DN trong nước đã mạnh dạn chinh phục thị trường nước ngoài. Chẳng hạn, ngoài dòng sơn trang trí, Sơn Hòa Bình đã chọn sản xuất sơn đá cho phân khúc cao cấp với thương hiệu Hodastone.

Dù giá trung bình cao hơn gấp 2-3 lần so với sơn nước nhưng sơn đá Hodastone vẫn được ưa chuộng vì có tính thẩm mỹ và độ bền cao cho các công trình ven biển có nắng gió nhiều, hơi muối, hoặc khí hậu lạnh giá như Nhật Bản, châu Âu.

Tương tự, sơn Nova cũng hấp dẫn người tiêu dùng với hàng loạt tính năng mới như chống cháy, sử dụng sơn áo chống đạn, diệt khuẩn, chống bám bụi... Sơn Kova đã tạo được thương hiệu và tìm được chỗ đứng tại thị trường Việt Nam, nhưng hướng đi chính hiện nay của Kova vẫn là xuất khẩu.

PGS - TS. Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Kova, khẳng định: "Đẩy mạnh xuất khẩu vẫn là định hướng phát triển lâu dài của Tập đoàn Sơn Kova. Hiện tại Kova là công ty sơn Việt Nam đầu tiên xuất khẩu sơn sang Singapore và Indonesia, những thị trường có những đòi hỏi rất cao về chất lượng".

Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn