Đại dịch COVID-19 đã thay đổi cục diện M&A doanh nghiệp Việt Nam như thế nào?

Đại dịch COVID-19 đã thay đổi cục diện M&A doanh nghiệp Việt Nam như thế nào?

Đại dịch COVID-19 xảy ra, nhiều doanh nhân không thể đến trực tiếp Việt Nam để tìm hiểu về doanh nghiệp mà họ muốn tiến hành M&A, chính vì vậy hoạt động M&A doanh nghiệp ngừng trệ.

Luật sư Nguyễn Thị Phương Thảo, người có nhiều năm kinh nghiệm tham gia các thương vụ M&A doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài có những chia sẻ về hoạt động M&A doanh nghiệp vài năm trở lại đây và tính từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu.

Đại dịch COVID-19 gần như "đóng băng" hoạt động M&A doanh nghiệp

Là một người có nhiều năm kinh nghiệm tư vấn M&A cho doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài, mong bà đưa ra một vài nhận xét tổng quan về tình hình M&A của doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài trong khoảng 5 năm gần đây nhất?

5 năm gần đây, trước khi diễn ra đại dịch COVID-19, số lượng các deal và giá trị của các thương vụ về cơ bản không có nhiều biến động lớn, năm nào cũng đều đều như nhau, đó là theo số liệu tổng kết của bên M&A Forum.

Tuy nhiên M&A Forum chỉ thống kê những deal có giá trị lớn, và tính bình quân những deal lớn có giá trị khoảng 10 triệu USD/deal thì khoảng 500 vụ. Tuy nhiên, các deal nhỏ không được thống kê bởi M&A Forum mà nó chủ yếu qua hình thức của công ty tư vấn, giá trị deal nhiều khi rất nhỏ, vài trăm nghìn USD cho đến 1 triệu USD, số lượng này nhiều hơn rất nhiều.

Sau khi Việt Nam bước vào thời kỳ COVID-19, như mọi người đều biết, vì không đi lại được nên các nhà đầu tư họ không sang Việt Nam được mà mọi chuyện chững lại. Tuy nhiên cũng phải khẳng định rằng từ đầu dịch cho đến nay, sự quan tâm của doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất nhiều.

Với đặc thù của giới M&A tức là sau khi họ tìm ra được các dự án hoặc doanh nghiệp đối tác tiềm năng, với thói quen của họ, họ sẽ cần phải sang tận nơi để kiểm tra thư thả. Nhưng do tình hình COVID-19 họ không sang được, việc nghiên cứu vì vậy bị kéo dài.

Trong giai đoạn COVID-19, đặc biệt các doanh nghiệp lớn chịu tác động mạnh bởi đại dịch, chính vì vậy họ cũng phải cân nhắc hơn. Có thể cấp dưới nghiên cứu chính sách như vậy nhưng khi đưa lên cấp cao hơn, doanh nghiệp lại có chính sách cẩn trọng hơn rất nhiều so với trước đây, vì vậy hoạt động M&A chủ yếu bị chững lại. Hầu như trong thời gian qua, rất ít các deal mua bán & sáp nhập doanh nghiệp đã được tiến hành thành công.

Tuy nhiên nửa sau năm 2021 và đầu năm 2022 dự kiến mọi chuyện sẽ phục hồi khi mà các nước đều đã triển khai diện rộng chương trình vắc xin COVID-19, số lượng các vụ M&A sẽ phục hồi.

Bất động sản & dịch vụ thu hút nhiều vốn đầu tư

Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến M&A doanh nghiệp trong lĩnh vực nào nhất và lý do tại sao?

Nhìn vào tổng kết từ báo cáo đầu tư nước ngoài, trong FDI cũng có rất nhiều hoạt động M&A, nhiều nhà đầu tư nước ngoài thực sự quan tâm đến Việt Nam bởi Việt Nam có thị trường nội địa, nhu cầu tiêu dùng rất tốt; ngoài ra môi trường đầu tư của Việt Nam được đánh giá khá ổn định và được đánh giá tốt trong khu vực Đông Nam Á, ở nước mình có chính trị ổn định.

Không chỉ vậy, Việt Nam vẫn có giá nhân công tạm thời tương đối rẻ hơn so với các quốc gia khác trong khu vực, thậm chí như Thái Lan hay Indonesia hiện cũng đã cao hơn mình, chính vì vậy, Việt Nam được coi như một trong những điểm đến được nhà đầu tư rất quan tâm. Nhà đầu tư Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan quan tâm nhiều nhất đến Việt Nam, đương nhiên phải kể đến Trung Quốc.

Thời gian gần đây, nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất đến bất động sản, ngoài ra đến lĩnh vực dịch vụ, ở đây là dịch vụ khách sạn, du lịch. Lĩnh vực thứ 3 liên quan đến sản phẩm F&B và FMCG bởi Việt Nam có dân số lớn nên nhu cầu cao. Thứ ba nữa là lĩnh vực xây dựng, bất động sản gắn liền với xây dựng, ví dụ như vật liệu xây dựng. Lĩnh vực thứ 4 là năng lượng bởi Việt Nam hiện nay đang có nhu cầu về năng lượng rất cao.

Dựa trên trải nghiệm của tôi, số lượng các deal thành công khá ít. Nhà đầu tư tìm hiểu, cân nhắc rất nhiều và đi đến gặp được nhau rất ít. Tuỳ từng trường hợp, nhưng có thể nhìn lại một số khó khăn trong vài lĩnh vực.

Cụ thể, ví như trong lĩnh vực bất động sản, nhà đầu tư lo ngại về khả năng cơ sở pháp lý của các dự án đó chưa được hoàn thiện. Để cho nhà đầu tư yên tâm, dự án cần phải có đủ các giấy phép cần thiết, thế nhưng hầu hết các dự án bất động sản của Việt Nam vướng vào trường hợp, nếu đầu tư được thì chưa có các giấy tờ đấy, còn dự án đã có đủ các giấy tờ đó rồi lại rất đắt.

Còn với các dự án khác với các lĩnh vực khác, chủ yếu do hai bên không thể gặp được nhau về mặt giá cả, ví dụ như Việt Nam mong giá cao còn phía nước ngoài mong mức giá hợp lý hơn.

M&A khó thành khi doanh nghiệp quá phụ thuộc vào một người lãnh đạo

Những yếu tố nào đang cản trở hoạt động M&A giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam?

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư nhưng lại không thể đầu tư được vì đa phần doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động phụ thuộc hoàn toàn vào một ông giám đốc; người chủ của doanh nghiệp là linh hồn của doanh nghiệp đó.

Nhà đầu tư nước ngoài rất lo lắng khi đầu tư M&A với doanh nghiệp như vậy bởi nếu mất người chủ doanh nghiệp ấy, hầu như công ty chỉ còn cái vỏ. Một trong những yếu tố mà doanh nghiệp Việt Nam có thể dễ dàng được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm hơn và thuận tiện hơn trong M&A chính là họ phải xây dựng được bộ máy doanh nghiệp hoạt động làm sao thực sự chủ động và kể cả không có người chủ doanh nghiệp hiện diện ở đó thì doanh nghiệp vẫn có thể hoạt động được, đây chính là yếu tố mấu chốt để thúc đẩy được doanh nghiệp M&A trong thời gian tới.

Doanh nghiệp Việt Nam cần quản trị doanh nghiệp tốt hơn, xây dựng một hệ thống đội ngũ vận hành doanh nghiệp tự động, bài bản để khi mà sau khi M&A thì bộ máy ấy vẫn hoạt động hoàn toàn bình thường không ảnh hưởng gì. Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần trang bị thêm kiến thức tài chính để xác định giá trị doanh nghiệp tốt hơn.

Luật sư Nguyễn Thị Phương Thảo và cộng sự

Ví dụ như hiện nay để xác định giá trị doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ phải thuê công ty kiểm toán hoặc định giá để tính toán, tuy nhiên giờ đây cũng đã có công cụ mới để tính toán chiết khấu dòng tiền nhằm xác định giá trị doanh nghiệp mang tính chất tham khảo, công thức này đã áp dụng cho doanh nghiệp đang hoạt động rồi và có dòng tiền rõ ràng rồi và khi nhập con số này vào người ta sẽ biết được giá trị doanh nghiệp khoảng từ bao nhiêu đến bao nhiêu và như vậy sẽ có thể đưa ra mức giá hợp lý hơn và hai bên có thể dễ đến với nhau hơn.

Đối với những doanh nghiệp có thể hướng tới M&A, phía bên nhà đầu tư nước ngoài sẽ có 2 phần thẩm định, thứ nhất là D&D (tức là pháp lý), thứ hai là thẩm định về mặt tài chính. Với doanh nghiệp lớn họ sẽ thuê hai đơn vị, một đơn vị chịu trách nhiệm pháp lý, đơn vị khác chịu trách nhiệm về tài chính. Còn với những doanh nghiệp tầm trung, họ sẽ thuê trọn gói nhưng chủ yếu về mặt tài chính, còn với những lĩnh vực không phức tạp họ cũng sẽ không thẩm định về pháp lý. Doanh nghiệp nhỏ thậm chí còn bỏ qua công đoạn thẩm định vì giá trị hợp đồng quá nhỏ trong khi tiền thẩm định quá lớn.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội - khoa Kinh tế Đối ngoại. Sau 10 năm làm tư vấn đầu tư, bà học luật và trở thành luật sư chuyên tư vấn cho các thương vụ M&A doanh nghiệp. Với lợi thế ngoại ngữ, đặc biệt thành thạo tiếng Nhật, bà đã giúp các bên trong nhiều thương vụ M&A tìm được tiếng nói chung sau một thời gian dài không thể đi đến thoả thuận. Bà khởi nghiệp từ năm 2005, là nhà sáng lập của công ty luật TTP Bengoshi chuyên tư vấn pháp lý và công ty TTP Holding chuyên tư vấn điều tra thị trường cho Nhật. Khách hàng của TTP Holding những công ty hàng đầu Nhật Bản như NRI, MURC, SMBC, Daiwa House...

Ngọc Diệp
Nguồn BizLive