Bà Mai Kiều Liên: Sau thương vụ GTNFoods – Vilico, trong vòng 5-10 năm tới Vinamilk sẽ không thực hiện M&A thêm

Bà Mai Kiều Liên: Sau thương vụ GTNFoods – Vilico, trong vòng 5-10 năm tới Vinamilk sẽ không thực hiện M&A thêm

Theo kế hoạch, chỉ số kinh doanh của GTNFoods bắt đầu được hạch toán tại sổ kế toán của Vilico vào khoảng tháng 7-8/2021.

Sáng ngày 19/3/2021, GTNFoods (GTN) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên, nội dung được quan tâm xoay quanh việc sáp nhập ngược lại vào Vilico (VLC) và huỷ niêm yết. Nói với cổ đông về kế hoạch này, bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết mục tiêu sáp nhập nhằm hướng đến việc đơn giản cấu trúc, tiết kiệm chi phí và khai thác nguồn nhân lực hiệu quả hơn. Từ đó, công ty sẽ có điều kiện phát huy tốt hơn, tập trung mảng sữa và bò thịt.

Liên quan đến phương thức sáp nhập con vào Vilico mà tại sao không sáp nhập ngược lại, bà Liên nhấn mạnh Vilico mới là doanh nghiệp lớn, có thương hiệu lâu đời trong ngành chăn nuôi, cùng nhiều quyền sử dụng bất động sản nông, lâm nghiệp. Trong khi đó, GTNFoods chỉ là đơn vị holdings, thương hiệu mới được xây dựng vài năm gần đây.

Hiện, GTNFoods là công ty mẹ sở hữu 74,49% vốn tại Vilico. Theo đó, sau khi GTNFoods huỷ niêm yết vốn điều lệ của VLC sẽ được giảm xuống từ 631 tỷ đồng xuồng còn 161 tỷ đồng. Song song, với tỷ lệ hoán đổi là 1,6:1, VLC sẽ phải phát hành thêm hơn 93 triệu cổ phiếu VLC để đổi lấy toàn bộ 250 triệu cổ phiếu GTN đang niêm yết trên HoSE.

Đại hội đồng cổ đông thường niên GTNFoods năm 2021

Năm 2021 GTNFoods đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2021 là 3.073 tỷ đồng, tăng 9% và lợi nhuận sau thuế 244 tỷ đồng, giảm 3% so với năm trước. Theo kế hoạch, chỉ số kinh doanh của GTNFoods bắt đầu được hạch toán tại sổ kế toán của Vilico vào khoảng tháng 7-8/2021.

Đặc biệt, sau thương vụ sáp nhập GTNFoods vào Vilico, đại diện Vinamilk cho biết trong vòng 5 hay 10 năm tới Công ty dự không có thương vụ sáp nhập nữa. Đồng thời, chủ trương của ban lãnh đạo là cổ phiếu của doanh nghiệp nào đang giao dịch ở UPCoM sẽ lên HoSE để minh bạch thông tin hơn. Theo đó, cổ phiếu cả Villico và Mộc Châu Milk sẽ được đưa lên HoSE khi đủ điều kiện.

Trước đó nhằm ngày 18/12/2020, gần 67 triệu cổ phiếu MCM đã lên sàn UpCOM với giá tham chiếu 30.000 đồng/cp. Mộc Châu Milk cũng đang có kế hoạch phát hành để tăng vốn điều lệ lên 1.100 tỷ đồng.

Về Vilico (VLC), dự kiến sau khi sáp nhập ngược GTN và về với Vinamilk, Công ty cũng sẽ đầu tư 1.700 tỷ làm trang trại bò thịt, xâm nhập thị trường quy mô 10 tỷ USD. VLC đặt kế hoạch đầu tư trang trại bò thịt quy mô khai thác 20.000 con/năm với tổng vốn đầu tư không quá 1.700 tỷ đồng. Hình thức đầu tư là tự làm hoặc tìm đối tác có tiềm lực và kinh nghiệm tốt trong lĩnh vực này để thực hiện dự án.

Công ty còn vừa thông qua nghị quyết hợp tác với Sojitz Corporation để thành lập công ty liên doanh tại Việt Nam đầu tư và kinh doanh lĩnh vực bò thịt. Được biết, vốn đầu tư ban đầu của liên doanh là 2 triệu USD (khoảng 46 tỷ đồng), trong đó vốn góp của VLC là 51% – tương đương 23,5 tỷ đồng, Sojitz Corporation góp 49% vốn còn lại.

Được biết, Sojitz Corporation là tập đoàn đa ngành của Nhật, bên cạnh lĩnh vực nông nghiệp và bò thịt, tập đoàn cũng hoạt động trong mảng công nghiệp ô tô, hàng không vũ trụ, cơ sở hạ tầng y tế, hàng tiêu dùng, khu công nghiệp...

Tri Túc
Nguồn CafeF