FPT đặt mục tiêu lợi nhuận 6.210 tỷ đồng, tăng trưởng 18%

FPT đặt mục tiêu lợi nhuận 6.210 tỷ đồng, tăng trưởng 18%

Năm 2021, FPT lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 34.720 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến 6.210 tỷ đồng, tương ứng tăng 16,4% và 18% so với thực hiện năm 2020.

CTCP FPT (mã FPT) đã công bố tài liệu họp Đại hội cổ đông thường niên 2021 dự kiến diễn ra vào ngày 8/4/2021 với các nội dung đáng chú ý liên quan đến kế hoạch kinh doanh 2021, phương án chia cổ tức, phát hành ESOP...

Trong tài liệu, FPT dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với mục tiêu doanh thu đạt 34.720 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến 6.210 tỷ đồng, tương ứng tăng 16,4% và 18% so với thực hiện năm 2020.

Kế hoạch kinh doanh các mảng hoạt động năm 2021 của FPT

FPT đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp giải pháp và dịch vụ chuyển đổi số hàng đầu thế giới, chú trọng vào lợi nhuận, năng suất và đổi mới. Tập đoàn tập trung vào các nền tảng công nghệ như RPA, Lowcode, AI, Blockchain, Cloud..., các dịch vụ chuyển đổi, quản trị vận hành hạ tầng CNTT điện toán đám mây.

Trong năm 2021, FPT dự kiến sẽ đầu tư 3.445 tỷ đồng cho các hoạt động hiện tại bao gồm 2.013 tỷ đồng dành cho khối Viễn thông, 878 tỷ đồng cho khối Công nghệ, 554 tỷ đồng cho khối Giáo dục và khối Khác.

Lợi nhuận kỷ lục năm 2020

Bất chấp những thách thức do COVID-19 gây ra trong năm 2020, kết quả kinh doanh của FPT đạt mức tăng trưởng đáng ghi nhận với doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt 29.830 tỷ đồng và 5.261 tỷ đồng, tương ứng tăng 7,6% và 12,8% so với cùng kỳ. Đây là mức lợi nhuận cao nhất FPT đạt được kể từ khi hoạt động.

Về khối công nghệ, do nhu cầu đầu tư chuyển đổi số tăng trưởng mạnh trên phạm vi toàn cầu, doanh thu ký mới năm 2020 đạt 13.095 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2019. Số lượng khách hàng có doanh thu trên 500.000USD tăng gần 19% trong khi số dự án có quy mô hàng triệu USD tăng 38,5% so với năm trước.

Chuyển đổi số ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 31%, từ 2.453 tỷ đồng năm 2019 lên 3.219 tỷ đồng trong năm vừa qua.

Với khối Viễn thông, biên LNTT dịch vụ băng thông rộng tăng lên gần 20% trong khi các dịch vụ khác đạt mức trên 12%.

Doanh thu khối Giáo dục tăng 22% so với năm 2019. Số học sinh trung bình cả năm 2020 của Khối giáo dục đạt 52.005 người, tăng 30,4% so với cùng kỳ.

Dịch vụ CNTT nước ngoài trong năm 2020 đạt doanh thu 12 nghìn tỷ đồng và LNTT đạt 1.970 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 10,6% và 14,4% so với năm 2019. Trong đó, các thị trường như Nhật Bản và APAC có mức tăng trưởng doanh thu ở mức 9% và 28%.

Ảnh minh hoa

Cổ tức 20% bằng tiền năm 2021

Với kết quả đạt được, FPT dự kiến sẽ trình cổ đông thông qua phương án phân phối lợi nhuận với tỷ lệ cổ tức cho năm 2020 là 20%. Công ty đã tạm ứng 10% trong năm 2020 và sẽ trả 10% còn lại vào quý II/2021 sau khi ĐHCĐ phê duyệt. Đồng thời, công ty cũng sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15% từ nguồn lợi nhuận giữ lại.

Đối với năm 2021, FPT dự kiến sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 20% (1 cổ phiếu nhận 2.000 đồng) căn cứ vào số lượng cổ phiếu sau khi đã thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu. Mức chia cụ thể sẽ được ĐHCĐ 2022 quyết định.

Ngoài ra, FPT cũng sẽ bán toàn bộ 82.376 cổ phiếu quỹ đang nắm giữ cho cán bộ nhân viên theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Lượng cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm kể từ ngày hoàn tất bán. Cổ phiếu FPT trên thị trường hiện đang giao dịch quanh 77.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mức chiết khấu lên đến 87%.

Thanh Hà
Nguồn BizLive