Mất gần 2 năm lợi nhuận của Petrolimex mới phục hồi hoàn toàn về mức trước dịch COVID-19

Mất gần 2 năm lợi nhuận của Petrolimex mới phục hồi hoàn toàn về mức trước dịch COVID-19

SSI Research dự phóng lợi nhuận trước thuế của Petrolimex có thể tăng 263% so với cùng kỳ trong năm 2021, đạt 5.070 tỷ đồng và tăng 23% so với cùng kỳ trong năm 2022, đạt 6,25 nghìn tỷ đồng.

Năm 2020 là một năm đầy khó khăn đối với các nhà bán lẻ xăng dầu khi dịch COVID-19 làm gián đoạn các hoạt động kinh tế, di chuyển bị hạn chế dẫn đến sụt giảm nhu cầu về xăng dầu và nhiên liệu bay. Thêm vào đó, giá dầu biến động mạnh ở mức thấp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – mã PLX).

Petrolimex kết thúc quý cuối cùng của năm 2020 với 31.300 tỷ đồng doanh thu và 1.007 tỷ đồng lãi ròng, tương ứng giảm gần 37% và 11% so với cùng kỳ. Kết quả này đẩy lãi ròng cả năm 2020 lên con số 1.235 tỷ đồng, dù giảm gần 74% so với cùng kỳ nhưng vẫn khả quan trong bối cảnh “đại gia” bán lẻ xăng dầu từng lỗ gần 1.900 tỷ đồng trong quý đầu năm do giãn cách xã hội.

Nhìn chung, mức sụt giảm đáng kể của lợi nhuận trong năm 2020 phần lớn là do mảng xăng dầu và nhiên liệu bay, hai mảng này khiến lợi nhuận giảm 4,3 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận quý IV/2020 đã có sự phục hồi tích cực khi lợi nhuận trước thuế từ mảng xăng dầu và nhiên liệu bay lần lượt đạt 758 tỷ đồng và 31 tỷ đồng, tương ứng tăng 22% và 121% so với quý trước.

Tỷ suất lợi nhuận gộp của mảng phân phối xăng dầu trong quý IV/2020 cũng được cải thiện lên 11,9% từ khoảng 10,2-11,4% trong 2 quý trước đó, do giá xăng dầu trong nước tăng khoảng 10% trong quý IV giúp công ty hưởng lợi từ lượng hàng tồn kho giá thấp.

Sản lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước năm 2020 đạt 9 triệu m3/tấn, giảm 5% so với cùng kỳ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng vẫn vượt kế hoạch 2%. Sản lượng bán lẻ từ kênh COCO khá ổn định ở mức 5,5 triệu m3/tấn và chỉ giảm 1,3% so với cùng kỳ, trong khi sản lượng bán buôn giảm 12% so với cùng kỳ.

Riêng trong quý IV/2020, sản lượng tiêu thụ trong nước đạt mức 2,4 triệu m3/tấn, giảm 1,3% so với cùng kỳ trong đó, sản lượng tiêu thụ bán lẻ phục hồi và tăng nhẹ 3,5% so với cùng kỳ lên mức 1,5 triệu m3/tấn.

Lợi nhuận phục hồi mạnh năm 2021

Kế hoạch cụ thể cho năm 2021 của Petrolimex vẫn chưa được chính thức phê duyệt, tuy nhiên, kế hoạch sơ bộ cho sản lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước năm 2021 được đặt tăng tối thiểu 3% trong đó, sản lượng bán lẻ dự kiến tăng ít nhất 3,5-4% so với cùng kỳ.

Nhìn chung, lợi nhuận trước thuế hợp nhất được đặt kế hoạch trong khoảng 3.500-4.000 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 150-180% so với cùng kỳ, chưa tính đến thu nhập bất thường từ việc thoái vốn.

Nhìn chung, lợi nhuận trước thuế hợp nhất được đặt kế hoạch trong khoảng 3.500-4.000 tỷ đồng

Petrolimex hiện đang tiến hành định giá 40,6% cổ phần tại PGB, và dự kiến thoái vốn trong nửa đầu năm 2021 thông qua hình thức đấu giá công khai. Tập đoàn cũng có kế hoạch giảm tỷ lệ sở hữu tại PGI từ 40,95% xuống ít nhất là 35,1%, bên cạnh việc thoái vốn khỏi các hoạt động kinh doanh không cốt lõi khác với tổng trị giá là 510 tỷ đồng.

Số tiền thu được từ việc thoái vốn sẽ được sử dụng để đầu tư phát triển mảng kinh doanh xăng dầu và các dịch vụ liên quan, các dự án năng lượng sạch như dự án kho chứa LNG Nam Vân Phong.

Trong báo cáo phân tích mới đây, SSI Research duy trì quan điểm lợi nhuận của Petrolimex sẽ tiếp tục phục hồi mạnh trong năm 2021, do sự phục hồi ở cả nhu cầu nhiên liệu và giá dầu.

Bộ phận phân tích này ước tính tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu sẽ tăng 5,2% so với cùng kỳ lên 9,5 triệu m3/tấn (gần bằng mức năm 2019), trong đó sản lượng bán lẻ có thể tăng 4% lên 5,7 triệu m3/tấn. Giá xăng dầu bình quân được dự báo sẽ phục hồi 21% so với cùng kỳ trong năm 2021. Ngược lại, sản lượng tiêu thụ nhiên liệu bay sẽ phục hồi 15% trong năm 2021 sau khi ước tính giảm 30% trong năm 2020.

Việc sửa đổi Nghị định 83 có thể giúp các đầu mối kinh doanh xăng dầu hưởng lợi trên phương diện số ngày tồn kho và chính sách giá.

SSI Research dự phóng doanh thu và lợi nhuận trước thuế của Petrolimex trong năm 2021 lần lượt đạt 162.300 tỷ đồng và 5.070 tỷ đồng, tương ứng tăng 30,9% và 263% so với cùng kỳ. Đến năm 2022, lợi nhuận trước thuế có thể tăng 23% so với cùng kỳ, đạt 6.250 tỷ đồng, vượt mức năm 2019, nhờ sự phục hồi hoàn toàn của mảng nhiên liệu bay và sự tăng trưởng hữu cơ từ các mảng khác.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi Nghị định 83 có thể giúp các đầu mối kinh doanh xăng dầu hưởng lợi trên phương diện số ngày tồn kho và chính sách giá. Theo Petrolimex, việc sửa đổi Nghị định 83 có thể được hoàn tất trong nửa đầu năm 2021 và có hiệu lực trong nửa cuối năm 2021.

Cổ đông chiến lược tiếp tục tăng sở hữu?

Theo dự thảo sửa đổi Nghị định 83, nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai sẽ có thể được quyền mua thêm cổ phiếu trong trường hợp nới room sở hữu nước ngoài từ 20% lên 35%.

Petrolimex đang có kế hoạch bán 75 triệu cổ phiếu quỹ còn lại vào năm 2021 và được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Trong số đó, cổ đông chiến lược JX Nippon Oil & Energy nhiều khả năng sẽ mua toàn bộ số cổ phiếu quỹ này. “Đại gia” này từng chia sẻ kế hoạch nắm giữ 20% cổ phần tại Petrolimex.

Trong một động thái tương tự, Tập đoàn ENEOS Corporation, công ty mẹ của JX Nippon Oil & Energy, mới đây đã đăng ký mua toàn bộ số 25 triệu cổ phiếu quỹ do Petrolimex đăng ký bán ra trong đợt này. Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 1-30/3/2021 theo phương thức khớp lệnh trên sàn. Trước đó, ENEOS cũng đã mua toàn bộ 13 triệu cổ phiếu quỹ của Petrolimex bán ra vào tháng 9/2020.

Nếu giao dịch thành công, ENEOS Corporation sẽ tăng tỷ lệ nắm giữ trực tiếp tại Petrolimex từ 1% lên 2,94%. Trong khi đó, JX Nippon Oil & Energy hiện đang là cổ đông lớn thứ hai của Petrolimex, nắm giữ hơn 103,5 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 8%.

Trên thị trường, cổ phiếu PLX có nhịp tăng khá mạnh từ cuối tháng 1/2021 đến nay. Hiện cổ phiếu này đang giao dịch gần vùng đỉnh 1 năm với 57.300 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên 24/2), tăng hơn 20% sau chưa đầy 1 tháng.

Diễn biến cổ phiếu PLX trong 6 tháng trở lại đây

Thanh Hà
Nguồn BizLive