Thị trường M&A logistics vẫn sôi động

Thị trường M&A logistics vẫn sôi động

Liên tục mua cổ phần của phần của Transimex, công ty Logistics Quốc tế Ryobi Việt Nam chính thức trở thành cổ đông lớn của công ty này.

Năm 2017 – 2018, thị trường chứng kiến nhiều thương vụ M&A lớn trong ngành Logistics như Gemadept chuyển nhượng vốn cho CJ Logistics, Samsung SDS hợp tác với Minh Phương Logistics...

Năm 2019, nhiều thương vụ triệu đô trong lĩnh vực vận tải và logistic tiếp tục nổ ra, có thể kể đến như việc Tập đoàn Sumitomo cùng với công ty hậu cần Suzuyo và một quỹ công tư Nhật Bản đã chi khoảng 4 tỷ Yên (37 triệu USD) để mua 10% vốn công ty cổ phần Gemadept; công ty Symphony International Holdings đầu tư 42,6 triệu USD mua cổ phần của công ty cổ phần Giao nhận và vận chuyển Indo Trần. Hay Tập đoàn Mirae Financial Group và Naver có trụ sở tại Seoul, Hàn Quốc đã mua 2 trung tâm cung ứng hàng hoá tại Việt Nam với giá 53 tỷ won (47,01 triệu USD)...

Đúng như đánh giá của công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam 2019, năm 2020 thị trường M&A vẫn sôi động. Theo thông tin mới đây, Công ty Logistics Quốc tế Ryobi Việt Nam vừa thông báo mua mới 16,8 triệu cổ phiếu Transimex (HoSE: TMS) vào ngày 14/12. Sau giao dịch, tổ chức này nắm giữ 23,7% vốn và là cổ đông riêng lẻ lớn nhất tại Transimex.

Ryobi Việt Nam là đơn vị thành viên của Ryobi Holding (Nhật Bản) được thành lập từ năm 1910 tại thành phố Okayama
Ảnh: Báo Chính phủ

Cũng trong ngày 14/12, Casco Investments Limited đã bán hết 17,23 triệu cổ phiếu, tương ứng 24,34% vốn Transimex. Đây là phiên chứng kiến khối ngoại bán 16,8 triệu cổ phiếu tại mức giá tham chiếu 33.400 đồng/cp, tương đương giá trị 560 tỷ đồng. Nhiều ý kiến cho rằng đây có thể là thoả thuận của 2 tổ chức trên.

Sau biến động trên, danh sách cổ đông lớn của Transimex gồm Ryobi Việt Nam (23,7%), nhóm cổ đông JWD Asia Holdings và Prosper Logistics sở hữu tổng cộng 23,8%, nhóm cổ đông liên quan đến Chủ tịch HĐQT Bùi Tuấn Ngọc sở hữu khoảng 32,5% vốn.

Transimex là một trong những nhà cung cấp dịch vụ logistics lớn tại Việt Nam và nhiều chi nhánh khắp cả nước với 37 năm thành lập.

Ryobi Việt Nam là đơn vị thành viên của Ryobi Holding (Nhật Bản) được thành lập từ năm 1910 tại thành phố Okayama. Các mảng kinh doanh bao gồm là vận tải, cảng biển, du lịch, công nghệ di động, thực phẩm, bất động sản..., trong đó hạt nhân chính trong hoạt động là công ty Ryobi Group.

Công ty Ryobi Group được thành lập năm 1943 và có vốn 18,47 tỷ yên (hơn 4.100 tỷ đồng) tại ngày 30/9, tổng số lao động hơn 9.000 người. Công ty có doanh thu 9 tháng giảm 27% còn 122,3 tỷ yên và lỗ ròng 1,55 tỷ yên (cùng kỳ có lãi gần 5 tỷ yên).

Tại Việt Nam, Ryobi Việt Nam mở văn phòng đại diện đầu tiên vào năm 2012
Ảnh: NDH

Tại Việt Nam, tập đoàn này mở văn phòng đại diện đầu tiên vào năm 2012. Đến năm 2015, Ryobi (Vietnam) Distribution Service được thành lập, là hệ thống kho bãi đa chức năng 2 tầng với tổng diện tích 24.000m2 bao gồm kho mát và kho lạnh tại Khu Công nghệ cao quận 9, TP.HCM.

Với Transimex, tập đoàn Nhật Bản cũng đang có quan hệ mật thiết. Cụ thể, Transimex có khoản vay Ryobi Holding số tiền 4 triệu USD để đầu tư xây dựng Kho ngoại quan và dịch vụ hậu cần tại Khu Công Nghệ Cao, quận 9 (nằm ngay cạnh kho ngoại quan của chính Ryobi). Ông Masafumi Inoue, Giám đốc khối chiến lược toàn cầu của Ryobi Holding cũng đang là thành viên HĐQT Transimex. Văn phòng làm việc của Ryobi Việt Nam nằm tại toà nhà TMS, nơi đặt trụ sở chính của Transimex.

Theo thông tin mới đây, Công ty Logistics Quốc tế Ryobi Việt Nam vừa thông báo mua mới 16,8 triệu cổ phiếu Transimex
Ảnh: Transimex

Cũng trong năm nay, tại Đại hội Cổ đông, Gelex là cái tên được nhiều nhà đầu tư quan tâm bởi các thương vụ đầu tư đình đám của mình. Theo đó, Hội đồng quản trị Gelex đã có nghị quyết về việc thoái vốn toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH MTV Gelex Logistics.

Tại thị trường Việt Nam, dù số lượng doanh nghiệp liên doanh và nước ngoài chỉ chiếm 12% trong tổng cộng khoảng trên 4.000 công ty Vận tải và Logistics, thị phần của doanh nghiệp FDI vẫn chiếm tới 70-80%.

Minh Anh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư