CEO Masan Group tiết lộ về tham vọng của chiến lược M&A

CEO Masan Group tiết lộ về tham vọng của chiến lược M&A

“Tham vọng của Masan là muốn đại diện cho Việt Nam về các lĩnh vực này để phát triển ra thế giới. Không chỉ đi theo hướng M&A với doanh nghiệp đầu nguồn, mà còn M&A các doanh nghiệp cuối nguồn”, CEO MSN chia sẻ.

Đề cập về mục tiêu của doanh nghiệp khi xác định một thương vụ M&A thành công, ông Danny Le, Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan (mã MSN) cho biết tập đoàn này chú trọng vào người tiêu dùng và tiêu dùng nội địa, hiện chiếm 50% thị phần.

Chia sẻ tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2020 do báo Đầu tư tổ chức, CEO Masan cho hay, trong 10 năm qua, MSN đánh giá thị trường và nhận thấy có sự chuyển đổi mạnh, nhất là Internet, các đổi mới sáng tạo giải pháp cho người tiêu dùng nhiều hơn. Internet tạo điều kiện các thương vụ M&A thực hiện tốt và là nền tảng tốt để đáp ứng nhu cầu thị trường.

“Trong 18 tháng qua, chúng tôi đã phát triển mạnh về thị trường. Cuối năm 2019, chúng tôi hợp tác cùng Vingroup để phát triển chuỗi Vinmart, là một trong những chuỗi bán lẻ lớn của Việt Nam. Hiện 90% giá trị bán lẻ đều thông qua mua bán kỹ thuật số, thương mại, khoảng 10% còn lại cũng ngày càng phát triển mạnh hơn về thương mại điện tử. Điều này đòi hỏi nhiều hoạt động đổi mới để gia tăng tỷ lệ bán lẻ, chuyển từ mua bán truyền thống sang online”, CEO Masan Group cho biết.

Về việc Masan thay đổi tầm nhìn cho phù hợp với tình hình mới, ông Danny Le chia sẻ, 25 năm trước tại Việt Nam, tập đoàn chỉ tập trung vào thức ăn gia vị, sau đó nhìn thấy nhiều tiềm năng khác như hàng tiêu dùng nhanh, nên lấn thêm sang ngành thức ăn gia vị, thức uống.

Ông Danny Le, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan

“Masan đã nắm bắt được các bí quyết để sản xuất mặt hàng này. Masan cũng bắt đầu bước vào lĩnh vực thức uống và phát triển rất nhanh”, ông Danny Le nói.

Ngoài ra, lãnh đạo Masan nêu tập đoàn cũng phát triển hàng ngang với những mặt hàng khác dựa vào khả năng đánh giá và tín hiệu của thị trường.

CEO MSN chia sẻ, vừa rồi tập đoàn mua thương hiệu Net. Tập đoàn nhìn vào tín hiệu thị trường để mua những thương hiệu lớn. Bên cạnh đó, về chiều dọc, chiến lược của tập đoàn là phục vụ khách hàng và người tiêu dùng cuối cùng.

“Tham vọng của Masan là muốn đại diện cho Việt Nam về các lĩnh vực này để phát triển ra thế giới. Không chỉ đi theo hướng M&A với doanh nghiệp đầu nguồn, mà còn M&A các doanh nghiệp cuối nguồn. Chiến lược này không chỉ thực hiện ở Việt Nam, mà còn ở các thị trường khác như Châu Âu”, CEO MSN chia sẻ.

Đề cập tới rủi ro thách thức của M&A và cách Masan quản trị doanh nghiệp sau M&A, ông Danny Le, cho rằng, có rất nhiều giao dịch thách thức mà Masan đã trải qua.

“Chúng tôi cũng đã từng phải đi tranh tụng vì những vấn đề giấy tờ giả mạo. Vì vậy, việc đầu tiên phải cẩn trọng các vấn đề giấy tờ pháp lý. Sau đó là đồng bộ văn hoá ở thực thể khác nhau. Kỳ vọng của bên kia có thể khác chúng tôi... Chúng tôi có một đội nhóm theo dõi hậu M&A để rà soát lại rủi ro sau M&A”, CEO MSN cho biết.

Huyền Trâm
Nguồn Nhịp sống doanh nghiệp