Du lịch hậu COVID-19 sẽ tốt hơn trước đại dịch

Du lịch hậu COVID-19 sẽ tốt hơn trước đại dịch

Các doanh nghiệp trong ngành đặt kỳ vọng lạc quan vào thị trường du lịch 2021.

Theo ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH Emic Hospitality: “Giai đoạn khó khăn này đem đến thách thức và cũng là cơ hội cho phát triển du lịch, tái cơ cấu ngành du lịch, bởi sự phát triển dịch vụ còn nhiều hạn chế, tốc độ tăng chưa bền vững”.

Ông Thanh nhận định đại dịch làm chúng ta phải thay đổi và thích nghi, đó là điều mà cả thế giới phải làm chứ không riêng gì Việt Nam. Nhưng mọi tiến trình khởi động còn phụ thuộc vào chính sách của quốc gia. Bên cạnh đó quản trị rủi ro tài chính, quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh phải có một phương án chiến lược ngắn hạn và dài hạn, tránh thiệt hại nhất.

“Tôi tin rằng một môi trường du lịch bền vững, nhân văn tử tế sẽ được hình thành. Chất lượng dịch vụ sẽ được đầu tư hàng đầu để thu hút khách, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh về giá mà phải cạnh tranh về chất lượng dịch vụ”, ông Thanh nhấn mạnh.

Ảnh minh hoạ

Nhận định của ông Lê Ngọc Hà, CEO Hoàng Ngọc Resort & Spa (Phan Thiết, Bình Thuận), với thông tin Nga có vắc xin vào tháng 10 thì có khả năng tháng 1 đến tháng 2/2021 sẽ có khách Nga trở lại, dù không được nhiều nhưng hy vọng có nguồn thu để trang trải chi phí. “Qua đợt tăng đột biến lượng khách nội địa như tháng 6, tháng 7 vừa qua, chúng tôi có niềm tin rằng mùa hè năm 2021 du khách Việt sẽ bùng nổ. Còn khách Châu Âu thì chắc phải cuối năm 2021 mới trở lại được”.

Đánh giá lạc quan về ngành du lịch trong dài hạn, ông Chris Hallett, Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị Khách sạn InterContinental Saigon cho rằng dù sẽ mất một khoảng thời gian, nhưng ngành du lịch sẽ vẫn phát triển mạnh mẽ. Điều này được kiểm chứng qua các cuộc khủng hoảng xảy ra trong quá khứ. Hơn thế nữa, chúng ta đã thấy sau khi những hạn chế cách ly được dỡ bỏ, các điểm đến nghỉ dưỡng trong nước đã chứng kiến một lượng lớn khách quay trở lại rất nhanh.

“Điều quan trọng phải kể đến là niềm tin vào ‘Thương hiệu Việt Nam’ đã được cải thiện rất lớn nhờ việc xử lý và ứng phó với COVID-19. Vì vậy có thể nói triển vọng trong dài hạn đối với Việt Nam là cực kỳ tốt, thậm chí còn tốt hơn so với thời kỳ trước đại dịch”, ông Chris Hallett nhấn mạnh.

Trước mắt, tồn tại là cần thiết

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch rất cần sự chia sẻ của các đơn vị cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, cũng cần sự chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp bằng cách hoãn hoặc bảo lưu các gói du lịch, sẽ sử dụng lại khi hết dịch. Các doanh nghiệp cũng cần sự hỗ trợ của Nhà nước như được tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất cho vay.

Ông Cao Trí Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết trước diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, Hiệp hội đã có đề xuất với Chính phủ và Tổng cục Du lịch một số nội dung để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp du lịch như giảm 50% thuế VAT, 100% thuế thu nhập doanh nghiệp ít nhất đến hết 2020.

Tiếp tục áp dụng chính sách giảm chi phí điện nước (đã dừng vào ngày 30/6) ít nhất đến hết năm 2020 cho các doanh nghiệp du lịch. Tiếp tục giảm sâu hơn lãi vay, giãn nợ, khoanh nợ, tạo điều kiện các khoản vay mới.

Nên điều chỉnh điều kiện tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ. Ví dụ như gói 62.000 tỷ, theo điều kiện như trước đây thì gần như không doanh nghiệp nào tiếp cận được. “Tổng cục Du lịch nghiên cần cứu giảm khoản tiền ký quỹ cho các doanh nghiệp lữ hành, ít nhất đến hết năm 2021”, ông Dũng kiến nghị.

Hiệp hội du lịch Quảng Nam cũng đã có văn bản tập hợp ý kiến của hội viên gửi các cơ quan, ban, ngành các kiến nghị tháo gỡ những rào cản về thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỷ một cách khả thi nhất. Kiến nghị giảm 50% thuế doanh thu, thuế giá trị và tiền thuê đất đến hết tháng 6/2021. Đề xuất Chính phủ có những chính sách hỗ trợ mới ưu tiên vốn vay đầu tư cho các doanh nghiệp du lịch…

Hải Tiến - N. Nga
Nguồn BizLive