Đại dịch COVID-19 thúc đẩy quá trình số hoá tại các công ty Châu Á

Đại dịch COVID-19 thúc đẩy quá trình số hoá tại các công ty Châu Á

Số hoá không còn là một lựa chọn, mà là “bắt buộc” đối với sự sống còn của doanh nghiệp trong bối cảnh mới.

Đại dịch COVID-19 đã buộc các công ty Châu Á phô bày khả năng phục hồi của doanh nghiệp theo cách chưa từng có. Cụ thể hơn, nó đã nhấn mạnh tầm quan trọng của quá trình số hoá. Đây là kết quả khảo sát HSBC Navigator, Hồi phục trở lại, được thực hiện với hơn 1.400 công ty, vừa được công bố hôm qua.

Đại dịch toàn cầu cũng buộc các doanh nghiệp phải xem lại làm sao để có thể tăng tính minh bạch và khả năng truy xuất của chuỗi cung ứng. COVID-19 đã phô bày những mắt xích yếu ớt trong chuỗi cung ứng. Đồng thời, trong quản lý hàng hoá, các doanh nghiệp đang chuyển từ mô hình sản xuất tức thời (just-in-time) sang mô hình sản xuất đề phòng rủi ro (just-in-case).

Hơn một nửa các doanh nghiệp tại Châu Á cho hay họ đã được chuẩn bị nhiều nhất có thể, con số này cao hơn nhiều so với các công ty ở những khu vực khác trên thế giới. Mức độ chuẩn bị cao hơn sẽ đem lại lợi thế cho các công ty Châu Á khi thế giới thoát khỏi cơn khủng hoảng sức khoẻ cộng đồng này.

Với câu hỏi “Các công ty cảm thấy đã được chuẩn bị như thế nào?”, doanh nghiệp Châu Á cảm thấy được chuẩn bị nhiều nhất có thể là 55%, còn doanh nghiệp khu vực khác trên thế giới là 38%.

Về hình thức làm việc trong tương lai, so với các khu vực khác, Châu Á có xu hướng tin rằng số hoá quy trình thương mại và thanh toán sẽ trở nên thông dụng trong 1 đến 2 năm nữa.

Theo đó, ưu tiên phát triển trong 1 đến 2 năm tới về số hoá quy trình thương mại và số hoá quy trình thanh toán, doanh nghiệp châu Á có tỉ lệ tương ứng là 40% và 38% so với doanh nghiệp khu vực khác là 22% và 25%.

Dịch COVID-19 đã đẩy các doanh nghiệp vào cuộc khủng hoảng chưa từng có, tuy nhiên, trong thời kỳ khó khăn này, ngày càng thấy rõ công nghệ chính là giải pháp tối ưu để giúp các doanh nghiệp, và cả nền kinh tế, sống sót trong suốt thời gian kéo dài giãn cách xã hội. Những công ty nào đã đầu tư và xây dựng chiến lược số hoá từ trước chính là những nơi được thiết lập để có thể nhận diện thách thức thực tế, thích ứng và phát triển trong thế giới biến đổi một cách đáng kể như hiện nay. Chúng ta đang chứng kiến các công ty ở Việt Nam khai thác sức mạnh của công nghệ để đáp ứng kịp thời.

Bên cạnh việc cho thấy rõ những lợi ích của số hoá, dịch COVID-19 đã soi chiếu đến những điểm yếu trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp. Theo kết quả khảo sát Navigator, 54% các doanh nghiệp Châu Á nói rằng họ sẽ tăng tính minh bạch và khả năng truy xuất trong chuỗi cung ứng của mình. Trong khi đó, hơn 1/3 các công ty Châu Á sẽ đánh giá lại các đối tác cung ứng nhằm đảm bảo họ có đủ khả năng đương đầu những thách thức trong tương lai.

Ở Việt Nam, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU vừa được phê chuẩn tháng 6/2020 đã nâng tầm quan trọng của việc Việt Nam phải thiết kế lại chuỗi cung ứng để thoả mãn những quy định từ EU và tận dụng hết cơ hội mà Hiệp định thương mại này đem lại. Đồng thời, dịch COVID-19 là lời cảnh báo cho các doanh nghiệp, buộc họ phải đa dạng hoá chuỗi cung ứng của mình để tránh rủi ro tập trung khi phụ thuộc vào một thị trường cụ thể. Chúng ta đang nhìn thấy xu hướng các công ty đang giám sát chặt chẽ chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo hoạt động của mình bền bỉ hơn và ít chịu ảnh hưởng từ những tác động bên ngoài.

Khi được yêu cầu mô tả một doanh nghiệp với tố chất bền bỉ, các công ty Châu Á nghĩ đến 3 yếu tố hàng đầu, đó là (1) khả năng quyết định và tiến hành nhanh nhẹn, (2) lấy khách hàng làm trọng tâm, và (3) hoạt động một cách bền vững. Trong khi đó, khi được yêu cầu nêu những rào cản hàng đầu đối với sự hồi phục, các doanh nghiệp Châu Á đưa ra các yếu tố tài chính như có đủ dòng tiền và quản lý chi phí vốn lưu động.

Có thể thấy, nhờ thực hiện những biện pháp kiểm soát dịch hiệu quả cho tới nay và việc dần mở cửa trở lại một cách thận trọng, Việt Nam ngày càng trở thành một điểm đến kinh doanh hấp dẫn. Đây là thời điểm chín muồi để các doanh nghiệp Việt nắm bắt tình hình, xử lý nhược điểm của mình và bắt đầu xem xét đến việc tổ chức doanh nghiệp làm sao để tận dụng mọi cơ hội có được. Với năng lực kỹ thuật số phù hợp, các doanh nghiệp Việt có thể giúp đất nước tăng tốc trở lại, đạt mức tăng trưởng lịch sử.

Tim Evans
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư