FPT bứt phá sau đại dịch COVID-19?

FPT bứt phá sau đại dịch COVID-19?

Kết quả kinh doanh quý I mới công bố của FPT cho thấy, dường như COVID-19 chưa có nhiều tác động đến hoạt động của công ty này khi doanh thu đạt mức tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

FPT đã chuẩn bị các kịch bản kinh doanh khác nhau tùy diễn biến thực tế.

Giữa đại dịch, FPT có là ngoại lệ?

Đại dịch COVID-19 tác động lớn tới tất cả các ngành kinh tế. Riêng đối với các doanh nghiệp công nghệ thông tin, theo đánh giá của giới chuyên gia, dù tác động của đại dịch không quá lớn như đối với các ngành như giao thông vận tải, du lịch hay xuất nhập khẩu nhưng cũng sẽ gặp thách thức không nhỏ trong bối cảnh khó khăn chung.

Dù vậy, kết quả kinh doanh quý I mới công bố của FPT cho thấy, dường như COVID-19 chưa có nhiều tác động đến hoạt động kinh doanh của công ty khi doanh thu ghi nhận 6.631 tỷ đồng, tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm trước trong khi lợi nhuận trước thuế cũng tăng trưởng 18,9%, đạt 1.142 tỷ đồng. Biên lợi nhuận của công ty tiếp tục được cải thiện từ 16,9% trong năm 2019 lên 17,2% trong quý I.

Ảnh minh hoạ

Hiện, mảng Dịch vụ Công nghệ Thông tin nước ngoài và Dịch vụ Viễn thông, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu và lợi nhuận FPT, đạt mức lợi nhuận trước thuế trong quý đầu tiên của năm lần lượt là 425 tỷ đồng và 401 tỷ đồng, tăng trưởng 27% và 29% so với cùng kỳ. Trong khi đó, doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT cũng tăng trưởng tới 26% so với quý I năm 2019, đạt 2.891 tỷ đồng.

Một số mảng của FPT đã ít nhiều chịu ảnh hưởng trong quý I. Mảng Dịch vụ Công nghệ Thông tin cho thị trường trong nước và mảng Quảng cáo trực tuyến bị ảnh hưởng do các khách hàng doanh nghiệp trong nước bị tác động mạnh và cắt giảm chi tiêu do dịch bệnh.

“FPT đã chuẩn bị các kịch bản kinh doanh khác nhau tùy diễn biến thực tế, tìm cơ hội bứt phá sau đại dịch”, ông Nguyễn Văn Khoa – Tổng Giám đốc FPT cho biết tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức mới đây.

Và động lực tăng trưởng sau đại dịch

Ban lãnh đạo công ty dự báo, các hoạt động kinh doanh của công ty sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn trong quý II, dự kiến giảm 15% so với kế hoạch. Dù vậy, giới phân tích tỏ ra khá lạc quan với cơ hội bứt phá sau đại dịch của FPT.

Trong đó động lực để FPT bứt phá sẽ tiếp tục đến từ hai lĩnh vực hoạt động kinh doanh chính là Công nghệ và Viễn thông.

Với lĩnh vực Công nghệ, theo nhận định của các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset, động lực tăng trưởng trong những năm tới của FPT dự kiến sẽ duy trì ở cả thị trường nước ngoài và thị trường nội địa nhờ vào nhu cầu số hóa và tìm kiếm các giải pháp phần mềm của các doanh nghiệp nội địa tăng và sẽ ngày càng cao sau dịch bệnh.

IDC dự đoán năm 2021 sẽ là năm của dịch vụ đám mây khi đại dịch COVID-19 cho thấy nhu cầu quan trọng đối với sự linh hoạt trong kinh doanh. Đến năm 2022, hơn 90% doanh nghiệp trên toàn thế giới sẽ dựa vào nền tảng đám mây để có một cơ sở hạ tầng CNTT mạnh, có thể mở rộng và tối ưu hiệu quả về chi phí.

Chuyển đổi số sẽ giúp biên lợi nhuận của FPT tăng mạnh mẽ.

Mirae Asset cho rằng, việc tập trung vào chuyển đổi số phù hợp với chiến lược toàn cầu hóa trong 5 năm tới sẽ giúp biên lợi nhuận của FPT tăng mạnh mẽ. FPT đã có tập khách hàng toàn cầu đáng mơ ước, đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hệ sinh thái nền tảng, giải pháp chuyển đổi số toàn diện cũng như năng lực tư vấn; kinh nghiệm quản trị tốt rủi ro và những thế mạnh này sẽ giúp FPT sẽ vươn lên sau đại dịch.

Đối với mảng viễn thông, theo Mirae Asset, doanh thu từ các dịch vụ băng rộng internet và kênh thuê riêng được dự kiến sẽ giữ tốc độ tăng trưởng nhờ vào nhu cầu sử dụng Internet tăng ở cả hộ gia đình, cá nhân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc FPT đầu tư vào hạ tầng viễn thông tại khu vực miền Trung và dự kiến sẽ nâng cấp cơ sở hạ tầng cáp quang ở các khu vực vùng xa trung tâm, mở rộng vùng phủ sóng để phát triển thuê bao mới cũng là yếu tố quan trọng hỗ trợ doanh thu mảng này trong thời gian tới.

Rõ ràng, đại dịch đến mang theo nhiều rủi ro, khó khăn nhưng cũng mang đến cho doanh nghiệp cơ hội để đổi mới, thích nghi và phát triển trong tương lai.

Như ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT nhìn nhận, dịch bệnh COVID-19 chính là cú hích thúc đẩy tiến trình của cách mạng 4.0. Trong nguy có cơ, và điều quan trọng là doanh nghiệp có đủ sự chuẩn bị cả thế và lực để vươn lên mạnh mẽ hơn sau đại dịch.

Linh Linh
Nguồn BizLive