Đại dịch COVID-19 tác động ra sao đến ngành ô tô Việt?

Đại dịch COVID-19 tác động ra sao đến ngành ô tô Việt?

Toyota, Honda, Ford... chịu tác động ra sao trước đại dịch COVID-19?

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC), sự bùng phát của dịch COVID-19 đã gây ra 2 tác động đối với ngành ô tô. Thứ nhất, dịch bệnh làm gián đoạn chuỗi cung ứng nhưng vấn đề này đã được giải quyết nhanh chóng. Thứ hai, đại dịch COVID-19 làm nhu cầu mua ô tô suy giảm. Trong cả 2 trường hợp, HSC tin rằng tác động đối với ngành sẽ chỉ trong ngắn hạn.

Đối với các vấn đề về chuỗi cung ứng, HSC cho biết vấn đề này đang được giải quyết nhanh chóng. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các nhà máy Trung Quốc đã mở cửa trở lại với công suất hoạt động đang cải thiện từng ngày. Do vậy, những trở ngại trong quy trình sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất ô tô sẽ được giải quyết trong thời gian ngắn.

Vấn đề nghiêm trọng là nhu cầu mua xe giảm và chưa rõ sẽ kéo dài trong bao lâu. Tại thị trường Việt Nam, HSC cho biết đã chứng kiến doanh số bán xe ô tô suy giảm trong 2 tháng do đại dịch.

Theo đánh giá của HSC, người tiêu dùng có xu hướng trì hoãn việc mua xe ô tô trong giai đoạn đại dịch. Mối lo ngại về chuỗi cung ứng sản xuất xe ô tô dường như đã được giải quyết bởi các nhà máy sản xuất linh kiện tại Trung Quốc phần lớn đã hoạt động trở lại kể từ giữa tháng 2/2020.

HSC trích dẫn thông tin từ Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán xe ô tô giảm 26,3% so với cùng kỳ trong 2 tháng đầu năm 2020 xuống chỉ còn 31.908 xe.

Trong đó, xe du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với doanh số giảm mạnh 29,4% so với cùng kỳ xuống 24.458 xe. Điều này phản ánh nhu cầu đối với các sản phẩm tiêu dùng cao cấp giảm do dịch COVID-19. Xe thương mại giảm nhẹ 12,2% so với cùng kỳ còn 7.075 xe. Xe thương mại giảm nhẹ 12,2% so với cùng kỳ còn 7.075 xe. Xe chuyên dụng tăng trưởng 24,4% so với cùng kỳ đạt 377 xe từ mức thấp 303 xe trong cùng kỳ năm ngoái.

Theo cơ cấu phân khúc xe, doanh số xe lắp ráp giảm 19,6% so với cùng kỳ xuống 21.296 xe trong khi xe nhập khẩu nguyên chiếc giảm 40% xuống 12.107 chiếc.

Theo VAMA, trong 2 tháng đầu năm, Toyota mở rộng thị phần từ 22,9% so với cùng kỳ lên 27%. Mặt khác, thị phần Honda giảm từ 13,8% trong 2 tháng đầu năm 2019 xuống 10,4%. Ford cũng mất thị phần, giảm từ 11,6% trong 2 tháng năm 2019 xuống chỉ còn 7,9% trong 2 tháng đầu năm 2020.

Trong dài hạn, HSC kỳ vọng nhu cầu đối với xe ô tô tăng mạnh. Tầng lớp trung lưu gia tăng, thu nhập bình quân đầu người cao hơn, tỷ lệ sở hữu ô tô hiện còn thấp và cơ sở hạ tầng được cải thiện sẽ là những động lực chủ chốt giúp ngành ô tô tăng trưởng trong tương lai.

Tuy nhiên, sự cạnh tranh gay gắt giữa các hãng sản xuất ô tô (cả trong nước và nước ngoài) sẽ tiếp tục ảnh hưởng, từ đó dẫn đến sự suy giảm tỷ suất lợi nhuận.

Đối với ngành công nghiệp hỗ trợ, nhu cầu mua xe mới suy giảm sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu đối với lốp xe. Việc Mỹ và Malaysia đóng cửa biên giới sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng lốp xe tiêu thụ. Tuy nhiên, HSC tin rằng những vấn đề lo ngại trong ngắn hạn sẽ được giảm bớt một khi đại dịch được ngăn chặn.

Vũ Hoài
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư