Mục tiêu 2030 Việt Nam có hơn 1.000 thương hiệu quốc gia có xa xỉ?

Mục tiêu 2030 Việt Nam có hơn 1.000 thương hiệu quốc gia có xa xỉ?

Năm 2019 giá trị thương hiệu quốc gia VN tăng 12 tỷ USD, tuy nhiên chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam thời gian qua vẫn còn hạn chế nhất định về cơ chế, chính sách, nguồn lực, nhận thức…

Theo thông tin mới nhất từ Brand Finance (tổ chức tư vấn hàng đầu về định giá thương hiệu quốc gia có trụ sở tại Vương quốc Anh), trong bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2019, Thương hiệu quốc gia Việt Nam (Vietnam Value) được định giá 247 tỷ USD (tăng 12 tỷ USD, tương đương 5,4% so với 235 tỷ USD năm 2018) và xếp hạng thứ 42.

Những con số biết nói

Thực tế, trong giai đoạn 3 năm qua, thứ hạng của chương trình thương hiệu quốc gia (Vietnam Value) liên tục được cải thiện, tăng 8 bậc và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh, nhờ những nỗ lực của Chính phủ về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao thành tích xuất nhập khẩu, hỗ trợ thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp cùng những dự báo tích cực về tăng trưởng GDP. Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của chương trình Vietnam Value.

Mặc dù Vietnam Value liên tục được cải thiện đáng kể, nhưng ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, trước những yêu cầu của bối cảnh mới, phát triển thương hiệu quốc gia cần chuyển sang một bước tiến mới, khẳng định vị thế của thương hiệu Việt Nam trên toàn cầu.

Trong bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2019, Thương hiệu quốc gia Việt Nam (Vietnam Value) được định giá 247 tỷ USD.

Ông Chiến cho biết, theo Quyết định số 1320/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030, trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030, Vietnam Value sẽ tập trung xây dựng và phát triển Thương hiệu Việt Nam gắn với các giá trị tích cực, nổi trội như thống nhất, đồng bộ với chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; kim ngạch xuất khẩu của nhóm sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt mức tăng cao hơn mức tăng bình quân cả nước.

Trên 1.000 sản phẩm đạt thương hiệu quốc Việt Nam. Mỗi năm tăng 10% số lượng doanh nghiệp được vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới. 90% số lượng doanh nghiệp trên cả nước có nhận thức về vai trò của thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư. 100% sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam được quảng bá trong nước và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Chiến lược nhìn từ góc độ quốc tế

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, ông Chiến cho rằng, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh các hoạt động: nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu; hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực xây dựng, quản trị và phát triển thương hiệu; quảng bá, tuyên truyền về Chương trình Thương hiệu quốc gia và các thương hiệu sản phẩm tiêu biểu của doanh nghiệp đại diện cho Thương hiệu quốc gia Việt Nam và tăng cường hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong lĩnh vực xây dựng và phát triển thương hiệu.

Đặc biệt “nội dung của Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới sẽ có sự gắn kết thương hiệu hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp với các hoạt động ngoại giao, đầu tư, quảng bá văn hóa, du lịch... từ đó xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam trở thành hình ảnh tích cực, hấp dẫn và thu hút đối với các nhà nhập khẩu, các du khách, nhà đầu tư, người lao động và người tiêu dùng trên thị trường trong nước và quốc tế”, ông Chiến chia sẻ.

Ông Samir Dixit, Giám đốc Vùng châu Á Thái Bình Dương, Công ty Brand Finance cho rằng, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 thương hiệu quốc gia Việt Nam mỗi năm tăng trưởng 20% về giá trị - đây là một mục tiêu rõ ràng. “Tôi cho rằng, mục tiêu này Việt Nam có thể làm được, nhưng Việt Nam cần 3 năm nữa để đo lường thực tế xem kết quả chúng ta đạt được là bao nhiêu”, đại diện Brand Finance nhận định.

Cũng theo ông Samir Dixit, các thương hiệu Việt Nam triển khai và hiện thực hóa được mức độ bao nhiêu mới là điều cần bàn. Nếu không chú trọng chất lượng chắc chắn không có sự cạnh tranh. Đây là những tiêu chí khó thay đổi, không thể bỏ qua hay làm ngơ được.

Để xây dựng được thương hiệu quốc gia chúng ta cần nhìn từ góc nhìn của cộng đồng quốc tế, chứ không phải nhìn từ trong nhìn ra – nếu nhìn từ trong ra như vậy rất chủ quan. Tức là sự cạnh tranh ở quy mô quốc tế chứ không phải khu vực.

Trong thương hiệu quốc gia, phần sản phẩm, dịch vụ đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Việc quảng bá thương hiệu quốc gia cần phải song hành với nhau nhưng ở Việt Nam chẳng hạn quảng bá du lịch với chương trình thương hiệu quốc gia không có gì liên quan với nhau, đây là điều đáng tiếc.

Nghiên cứu về quảng bá thương hiệu quốc gia Việt Nam của vị diễn giả này cho thấy, những hình ảnh quảng bá Việt Nam dường như không có sự liên kết, ăn nhập với nhau… gây khó khăn cho xây dựng thương hiệu Việt Nam trên thế giới. Vì thế, chương trình thương hiệu quốc gia nên bao trùm cao nhất. “Tối đa chỉ nên có 3 chương trình cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và đầu. Và 3 chương trình này chỉ nên nói tới một nội dung, một thông điệp chính để tạo sự cộng hưởng cho thương hiệu, nhưng hiện ở Việt Nam lại quá nhiều”, ông Samir Dixit nhận xét.

Với doanh nghiệp, ông Samir cho rằng, một trong những đặc trưng là Việt Nam có nền tảng văn hóa độc đáo, giàu truyền thống… là những điều đặc biệt doanh nghiệp Việt Nam nên hướng tới. Doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung nhiều hơn nữa vào thương hiệu chứ không phải chỉ sản phẩm. Thương hiệu cần nằm dưới nền tảng chung là thương hiệu quốc gia Việt Nam. Vì ở đó các khách hàng nước ngoài nhìn thấy các thương hiệu Việt Nam có chung một nền tảng và có sự hậu thuẫn, ủng hộ của chính phủ trong đó. Việt Nam cần tìm ra những sản phẩm rất đặc thù, đặc biệt, có chất lượng cao… như vậy sẽ giúp cho việc xây dựng thương hiệu Việt Nam nhanh hơn.

Nguyễn Minh
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp