Đại gia bán lẻ Hàn đổ đến Việt Nam

Đại gia bán lẻ Hàn đổ đến Việt Nam

Ba hãng bán lẻ Lotte, GS25, E-Mart đang có 69 siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam và sẽ tăng thêm trong năm tới.

Các bản nhạc Hàn Quốc vang lên khi những nhân viên văn phòng trẻ tìm bim bim, đồ văn phòng phẩm tại một cửa hàng tiện lợi GS25 ở phường Đa Kao, TP HCM. Mỳ cay và bánh quy ngọt cũng có mặt trên kệ ở cửa hàng này giống như tại Seoul, Hàn Quốc.

Các doanh nghiệp sản xuất của Hàn Quốc như Samsung Electronics hay LG Electronics đã đến Việt Nam từ hàng chục năm trước bởi chi phí lao động rẻ, dân số tăng nhanh. Còn hiện tại, nhờ thu nhập người dân tăng lên, Việt Nam lại đón làn sóng các nhà bán lẻ Hàn Quốc. Nikkei nhận định, Việt Nam là một thị trường chật chội, với sự cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu địa phương và các đối thủ Nhật Bản.

Lotte Shopping là nhà bán lẻ Hàn Quốc tiên phong gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2008. Hiện tập đoàn này có 14 siêu thị tại Việt Nam và một trung tâm thương mại ở Hà Nội.

Lotte Shopping là nhà bán lẻ Hàn Quốc tiên phong gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2008.

Tiếp bước Lotte là E-Mart. Đơn vị này khai trương siêu thị đầu tiên tại TP HCM tháng 12/2015. Với thành công của siêu thị tại quận Gò Vấp này, E-Mart đang lên kế hoạch mở thêm các địa điểm khác tại TP HCM vào năm 2020.

"Cửa hàng E-Mart đầu tiên tại Việt Nam vẫn tăng trưởng nhanh từ khi ra mắt. Khác biệt so với các đối thủ là E-Mart cung cấp một loạt các sản phẩm Hàn Quốc, bao gồm đồ ăn ngon và bánh", công ty này viết trong báo quý III được công bố tháng trước. Theo người phát ngôn Kim Bo-bae, E-Mart đang chuẩn bị mở cửa hàng thứ 2 tại TP HCM trong năm tới.

Trong khi đó, GS Retail thành lập liên doanh với Tập đoàn Sơn Kim để vận hành 54 cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam dưới thương hiệu GS25 từ năm 2018. Đơn vị này cũng vừa đặt mục tiêu có 2.500 cửa hàng tại Việt Nam trong 10 năm tới, thông qua chiến lược nhượng quyền.

Các hãng bán lẻ Hàn Quốc phải đẩy mạnh hoạt động tại nước ngoài khi ở quê nhà, họ bị các doanh nghiệp thương mại điện tử chiếm thị phần. Theo cơ quan xếp hạng tín dụng NICE, E-Mart and Lotte Shopping dự kiến phải đối mặt với rủi ro tín dụng tiêu cực nhất vào năm tới khi họ đang phải chật vật chống lại những thách thức từ hãng thương mại điện tử Coupang được đại gia SoftBank hỗ trợ hay từ Market Curly – hãng cung cấp dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến.

"Khi các doanh nghiệp trực tuyến mở rộng sự ảnh hưởng, tăng trưởng của các nhà bán lẻ truyền thống đã chậm lại trong năm 2019. Các nhà bán lẻ sẽ tăng trưởng doanh thu hạn chế trong năm 2020 khi phải đối mặt với cạnh tranh về giá, tăng chi phí tiếp thị và giao hàng", Giám đốc NICE Ahn Young-bok nhận định.

Nguồn: Nikkei


Nhu cầu với bán lẻ truyền thống đang giảm dần khi dân số Hàn Quốc già đi, cùng với đó là xu hướng thích mua sắm trực tuyến hơn là phải lái xe đến các cửa hàng.

Theo số liệu của Chính phủ, tổng doanh thu bán lẻ truyền thống giảm xuống 16.700 tỷ won (14,2 tỷ USD) trong quý III. So với quý trước đó, con số này giảm 100 tỷ won. Trong khi đó, doanh thu bán hàng trực tuyến tăng 300 tỷ won lên 8.100 tỷ won.

Nikkei cho rằng, Việt Nam mang đến nhiều cơ hội tăng trưởng cho các nhà bán lẻ Hàn Quốc đang bỏ lỡ tại quê nhà. Giai đoạn 2013 – 2018, lĩnh vực bán lẻ Việt Nam tăng trưởng với tốc độ khoảng 11%, theo Deloitte. Năm 2020, tổng doanh thu bán lẻ dự kiến đạt 180 tỷ USD, tăng 26,6% so với năm 2018.

Cơ hội lớn nhưng thị trường Việt Nam cũng thu hút sự cạnh tranh gay gắt. Không chỉ có doanh nghiệp địa phương, gần đây các nhà bán lẻ Nhật Bản cũng đẩy mạnh hoạt động tại Việt Nam. Hãng thời trang Uniqlo vừa mở cửa hàng đầu tiên TP HCM, thu hút một lượng lớn khách hàng trẻ.

Năm 2020, tổng doanh thu bán lẻ dự kiến đạt 180 tỷ USD, tăng 26,6% so với năm 2018.

"Ngành bán lẻ Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng lớn, nhưng mức độ cạnh tranh rất mạnh. Với các mô hình bán lẻ khác nhau, chúng tôi đang chứng kiến cuộc chiến giành thị phần của các đại gia trong nước và nước ngoài khi họ bắt tay vào các chiến lược mở rộng mạnh mẽ", người đứng đầu mảng tiêu dùng tại Deloitte Việt Nam nhận định.

Thị hiếu thay đổi có thể là một yếu tố quan trọng trong cuộc chiến này. Trang Ha làm việc cho một doanh nghiệp Hàn Quốc tại TP HCM. Khoảng 5,6 năm trước, Lotte Mart ở quận 7 là một trong những địa điểm đến để gặp gỡ, mua sắm yêu thích của Trang Ha cùng những người bạn. Khi đó, họ tầm 20 tuổi và sự phổ biến của các chương trình truyền hình Hàn Quốc cùng Kpop cũng khiến họ tìm kiếm những sản phẩm của đất nước này.

Tuy nhiên, mọi việc hiện đã khác khi nhiều nhà bán lẻ trong và ngoài nước đua mở cửa hàng khắp TP HCM. Cuộc chiến thu hút người tiêu dùng cũng đang trở nên cạnh tranh hơn.

Trang cho biết, Aeon và Takashimaya được cô cùng bạn bè nhắc đến nhiều hơn. "Các nhà bán lẻ Nhật Bản đang thu hút khách hàng hơn khi cung cấp dịch vụ tốt hơn và trang trí bắt mắt trong những dịp lễ khác nhau", cô nói. Trang cũng đánh gia cao các cửa hàng tiện lợi của Nhật Bản và Hàn Quốc về dịch vụ và các lựa chọn.

Các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cũng đang có quy mô rất lớn. Vingroup gia nhập thị trường bán lẻ năm 2004 đã có 122 siêu thị và hơn 2.500 cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc.

Đầu tháng này, Vingroup đã thông báo sáp nhập mảng bán lẻ với mảng hàng tiêu dùng của Masan để tạo ra doanh nghiệp bán lẻ lớn nhất Việt Nam. Vingroup hiện chiếm khoảng 60% thị trường trung tâm thương mại tính theo diện tích sản tại Hà Nội và TP HCM. Tiếp sau đó là Aeon và Lotte.

Tú Anh
Nguồn VnExpress