Tại sao Google chi “đậm” để thâu tóm Fitbit?

Tại sao Google chi “đậm” để thâu tóm Fitbit?

Công nghệ, dữ liệu và mối quan hệ sẵn có với đối tác y tế là những gì Google mong đợi từ vụ sáp nhập 2,1 tỷ USD với Fitbit.

Khi công bố kế hoạch thâu tóm Fitbit, ông Rick Osterloh, Phó Chủ tịch về thiết bị và dịch vụ của Google, kỳ vọng thỏa thuận sẽ giúp thúc đẩy khả năng đổi mới sáng tạo trên thiết bị đeo (smart wearable). Thương vụ này đã chấm dứt 12 năm hoạt động độc lập của "kỳ lân" Fitbit trong ngành công nghiệp phần cứng Mỹ. Đầu năm nay, Google cũng mua lại hãng phụ kiện thời trang Fossil bằng khoản tiền 40 triệu USD, để chuyển giao công nghệ và chiêu mộ một số thành viên trong đội ngũ nghiên cứu và phát triển đồng hồ thông minh (smartwatch).

Đến 2023, doanh thu của ngành công nghiệp đồng hồ thông minh toàn cầu dự kiến tăng gấp đôi lên 34 tỷ USD. Tuy nhiên, thị trường này từ lâu là "sân chơi" riêng của Apple (Apple Watch) và Samsung (Galaxy Watch). Công nghệ của Fitbit có thể giúp Google phát triển thiết bị đeo, cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm của đối thủ. Tương tự kịch bản quen thuộc năm 2017, Google mua lại một phần của hãng sản xuất smartphone Đài Loan HTC với giá 1,1 tỷ USD, trước khi bắt đầu tự sản xuất điện thoại Pixel.

Thị phần đồng hồ thông minh toàn cầu quý II/2019. Nguồn: Strategy Analytics.

Ngoài số lượng bằng sáng chế quan trọng, Fibit cung cấp cho Google quyền tiếp cận dữ liệu sức khỏe của hàng triệu người dùng. Trong suốt một thập kỷ, thiết bị đeo Fitbit đã theo dõi chỉ số sức khỏe như số bước chạy, lượng calo tiêu hao hay các bài tập đã thực hiện của khách hàng. Time cho rằng, Google cơ bản là công ty quảng cáo và cần xây dựng hồ sơ hoàn chỉnh nhất về các nhóm người dùng mục tiêu, trong đó có cả tình trạng sức khỏe.

Các đối thủ của Google, đặc biệt là Apple, đã coi dịch vụ chăm sóc sức khỏe là "chiến trường" lớn tiếp theo giữa các công ty công nghệ. Statista ước tính doanh thu của ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe sẽ đạt 24 tỷ USD vào năm 2020. Thông qua dự án Verily Life Sciences nghiên cứu các vấn đề tim mạch, bệnh tiểu đường..., Google đã thể hiện tham vọng kinh doanh trên thị trường chăm sóc sức khỏe đầy tiềm năng.

Hơn nữa, Fitbit đang sở hữu mạng lưới liên kết với các công ty bảo hiểm, tổ chức y tế và thậm chí chính phủ Singapore để đưa sản phẩm tới gần hơn với người dùng. Alan Antin, nhà phân tích của Gartner, tin Google có thể hưởng lợi từ mối quan hệ của Fitbit với đối tác trong lĩnh vực chăm sóc sửa khỏe.

"Fitbit có mối quan hệ đối tác (B2B) với các công ty bảo hiểm y tế hay chương trình chăm sóc sức khỏe", ông Antin nói. "Google phải mất nhiều công sức hơn để tự xây dựng những mối quan hệ đối tác đó".

Thương vụ với Fitbit sẽ giúp Google đẩy nhanh tốc độ chiếm lĩnh thị trường thiết bị đeo thông minh. Ảnh: Wired

Hồi tháng 10, James Park, Giám đốc điều hành Fitbit, nhấn mạnh, Fitbit là chìa khóa cho các công ty công nghệ đang tìm kiếm thành công trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. "Hệ thống chăm sóc sức khỏe rất phức tạp. Bạn phải làm việc với nhiều đối tác lớn khác nhau để tạo ra tác động đáng kể", ông Park nói. "Mục tiêu của chúng tôi là làm ra sản phẩm có sẵn và được nhiều người trên thế giới tiếp cận. Chúng tôi chỉ có thể hoàn thành mục tiêu đó bằng cách liên kết với những đối tác lớn nhất trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe".

Đối với Google, các mối quan hệ quý giá của Fibit, cùng cơ sở dữ liệu người dùng, là những gì công ty cần để lấn sân sang thị trường thiết bị đeo. "Nếu Google ra mắt thiết bị đeo, chắc chắn họ đã có kênh phân phối. Họ sở hữu tất cả công nghệ phần mềm và phần cứng và có thể chiếm lĩnh thị trường khá nhanh", ông Antin nói. "Tuy nhiên, xây dựng mối quan hệ đối tác chăm sóc sức khỏe không hề dễ dàng. Đối với tôi, đó mới là thứ giá trị nhất từ thương vụ này".

Việt Anh
Nguồn VnExpress