Không quản lý kinh tế chia sẻ bằng tư duy cũ

Không quản lý kinh tế chia sẻ bằng tư duy cũ

Không có một mô hình chung nhất cho quản lý kinh tế chia sẻ trên thế giới, với Việt Nam, các chuyên gia cho rằng cần có sự thay đổi về tư duy, chấp nhận cái mới.

Tại Hội thảo về kinh tế chia sẻ do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hôm 10/10, các chuyên gia cùng chung quan điểm rằng vấn đề phát triển quá nhanh của những mô hình kinh doanh chia sẻ mới đang đặt ra bài toán cho câu chuyện quản lý, tuy nhiên đã có những sự lúng tùng của các cơ quan chức năng.

Kinh tế chia sẻ, theo TS Nguyễn Mạnh Hải - Trưởng ban nghiên cứu các vấn đề xã hội CIEM, là một hệ thống mà các tài sản, dịch vụ được dùng chung giữa các cá nhân với tính chất điển hình là thông qua công cụ Internet. Bản chất của hoạt động này là việc xây dựng các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ số. Hiện thân là những ứng dụng trong lĩnh vực vận tải như Uber, Grab, Lyft, trong lĩnh vực du lịch, khách sạn như Airbnb hay những trung gian thanh toán, Fintech.

Là mô hình kinh doanh mới, việc ứng xử của các quốc gia với kinh tế chia sẻ cũng khác nhau. Tùy theo tác động trực tiếp của của kinh tế chia sẻ mà có nước cho phép, có nước cấm, có nước hạn chế một phần. "Có nhiều quan điểm nói rằng Việt Nam nên đi theo một mô hình quản lý chung về kinh tế chia sẻ trên thế giới, nhưng thực tế mỗi nước lại có một cách ứng xử riêng, không theo khuôn mẫu nào cả", chuyên gia từ CIEM bình luận. Nhưng chính điều này cũng là lý do các chuyên gia cho rằng cách tiếp cận của Việt Nam hiện nay vẫn còn chậm và chưa theo kịp với với sự phát triển nhanh của loại hình kinh tế chia sẻ.

Xe ôm công nghệ GrabBike trên đường phố Sài Gòn. Ảnh: Quỳnh Trần.

Ông Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng cho rằng, kinh tế chia sẻ đang mở rộng với tốc độ, song vấn đề là quản lý chưa theo kịp với thực tế. Hai thách thức lớn nhất là thể chế và cơ sở dữ liệu. "Thị trường diễn biến ngày càng nhanh, luôn là người đi trước, còn phản ứng của cơ quan quản lý vẫn còn chậm. Trong khi đó, với cơ sở dữ liệu, chúng ta động đến đâu thì hổng đến đó, các bộ, ngành vẫn còn dè dặt trong việc chia sẻ thông tin", ông Hòe nói.

Nói riêng về khía cạnh kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực vận tải, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, Viện Nhà nước và Pháp luật cho rằng, sự lúng túng trong nhận thức về kinh tế chia sẻ và kinh tế nền tảng dẫn đến nhiều hệ lụy, mà rõ nhất là những tranh cãi về thân phận của các hãng cung cấp dịch vụ đặt xe cũng như những tài xế sử dụng dịch vụ đó.

Các quy định cũ về định danh dịch vụ, cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, hợp đồng, thuế đã trở nên chật hẹp với những phát triển mới của kinh tế chia sẻ.

Phân tích sâu hơn, chuyên gia này cho rằng, các quy định cũ về định danh dịch vụ, cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, hợp đồng, thuế đã trở nên chật hẹp với những phát triển mới của kinh tế chia sẻ. Ví dụ như điều kiện kinh doanh vận tải hàng khách bằng xe ô tô, cơ quan soạn thảo cho rằng người cung cấp ứng dụng gọi xe là "kinh doanh vận tải", nhưng điều này đang gây tranh cãi tại nhiều nước. Theo ông Dương, các quy định phải đi vào bản chất của các hoạt động này, bản thân các ứng dụng gọi xe có thể chỉ cần hiểu là một khâu của dịch vụ vận tải.

"Người ta có thể chọn một hay một số công đoạn của dịch vụ vận tải để đầu tư một cách chuyên nghiệp là quyền tự do kinh doanh của họ. Lịch sử ngành giao thông, logistics chứng kiến nhiều loại dịch vụ này như giao nhận, kho vận, môi giới... rất phổ biến dù người kinh doanh hoàn toàn không có phương tiện hay kho, bãi", ông Dương nói.

Việc các nhà chuyên môn trong cơ quan soạn thảo sử dụng khái niệm "quyết định giá cước vận tải' để chứng minh tính chất vận tải của ứng dụng đặt xe, theo ông Dương, là không thực sự thuyết phục. Quyền tự quyết, thực tế, vẫn thuộc về các bên giao dịch thay vì cơ chế áp giá như thông thường.

"Kinh tế chia sẻ vẫn ngày một mở rộng nhưng nảy sinh rủi ro rất lớn khi cơ chế quản lý không theo kịp. Chúng ta đang có xu hướng áp đặt tư duy kế hoạch hóa vào thời kỳ đổi mới, khoác một tấm áo cũ lên một cơ thể mới. Điều đó rất khó chấp nhận", ông Hòe bình luận.

Theo TS Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó viện trưởng phụ trách CIEM, các cơ quan quản lý nhà nước cần thay đổi tư duy, chấp nhận cái mới, đồng thời cho phép thử nghiệm các mô hình tiên phong. "Thay vì tư tưởng không quản được thì cấm, mạnh dạn dỡ bỏ các rào cản pháp lý không phù hợp", đại diện CIEM bình luận.

Minh Sơn
Nguồn VnExpress