Hơn 70% thị phần trong tay Grab, cơ hội nào cho Go-Viet và Be?

Hơn 70% thị phần trong tay Grab, cơ hội nào cho Go-Viet và Be?

Thống kê của ABI cho biết 6 tháng đầu năm, trong 200 triệu chuyến xe ở Việt Nam được đặt qua các ứng dụng, Grab chiếm tới 146 triệu chuyến, tương đương 73% thị phần.

Năm 2018, thị trường gọi xe công nghệ, bao gồm cả dịch vụ giao thức ăn tại Việt Nam có quy mô 500 triệu USD, cao gấp 2,5 lần so với mức 200 triệu USD vào năm 2015 theo ước tính của Google và Temasek. Con số này có thể tăng lên 2 tỷ USD vào năm 2025.

Sau khi mua lại hoạt động của Uber tại Đông Nam Á vào tháng 3/2018, Grab gần như "một mình một chợ" trên thị trường Việt Nam trị giá nửa tỷ USD.

Được kỳ vọng là đối thủ xứng tầm với Grab khi ra mắt, Go-Viet nhanh chóng gây chú ý với tuyên bố của lãnh đạo công ty mẹ Go-Jek rằng hãng đã giành được 35% thị phần xe ôm công nghệ tại TP.HCM chỉ sau hơn 1 tháng hoạt động.

Nhưng sau hơn một năm đặt chân tới Việt Nam, Go-Viet và các đối thủ khác dường như vẫn chưa tạo được áp lực đáng kể nào lên ngôi vương của Grab.

Grab nắm hơn 70% thị phần gọi xe

Theo kết quả nghiên cứu của ABI Research, 6 tháng đầu năm, đã có 200 triệu chuyến xe hoàn thành thông qua các ứng dụng tại Việt Nam. Trong số này, Grab áp đảo với 146 triệu cuốc xe, tương đương 73% thị phần.

Xếp thứ hai là Be, doanh nghiệp nội vừa mới tham gia thị trường từ tháng 12/2018. Thống kê của ABI cho thấy Be hoàn tất 31 triệu cuốc xe trong 6 tháng, giành được 16% thị phần.

Go-Viet, đứa con của Go-Jek tại thị trường Việt Nam, chỉ xếp thứ ba với 21 triệu chuyến xe hoàn thành, tương ứng 10% thị phần. 1% còn lại thuộc về FastGo và các ứng dụng khác.

Nguồn: ABI Research.

Đây là lần hiếm hoi kết quả hoạt động của các ứng dụng gọi xe Việt Nam được một đơn vị nghiên cứu thị trường độc lập thống kê. Trước đó, hầu hết kết quả kinh doanh đều do các doanh nghiệp tự công bố.

Phản hồi về những con số thống kê của ABI, đại diện Go-Viet cho biết kết quả trên không phản ánh con số thực tế hãng ghi nhận. Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp cho biết mức độ chính xác của kết quả do ABI thống kê khoảng 90%.

Hiện tại, Grab đang chứng minh vị trí thống lĩnh trên thị trường khi đã có mặt ở 43 tỉnh, thành với 3 dịch vụ chở khách gồm GrabBike, GrabCar và GrabTaxi sau 5 năm hiện diện tại Việt Nam. Go-Viet gia nhập thị trường hơn một năm chỉ có dịch vụ chở khách bằng xe 2 bánh Go-Bike. Be dù ra mắt sau vào tháng 12/2018 nhưng đã có mặt ở 7 tỉnh, thành và cung ứng cả BeBike lẫn BeCar.

Với thị trường giao thức ăn, Grab dẫn số liệu của hãng nghiên cứu Kantar cho biết 87% người tiêu dùng Việt Nam được khảo sát lựa chọn GrabFood là dịch vụ thường xuyên sử dụng nhất.

Go-Viet cũng tuyên bố dịch vụ giao đồ ăn Go-Food của mình tiếp nhận hàng trăm nghìn đơn hàng mỗi ngày nhưng lại không đưa ra con số cụ thể.

Về số lượng tài xế, Grab cho biết hãng có 190.000 đối tác tính đến tháng 5. Hồi cuối tháng 8, Go-Viet công bố đang hợp tác với 125.000 tài xế. Còn Be cho hay đã thu hút được hơn 40.000 tài xế.

Cơ hội nào cho các đối thủ của Grab?

Theo chuyên gia tư vấn cao cấp, Tổng giám đốc Đông A Solutions Trần Bằng Việt, thị trường gọi xe Việt Nam hiện tại phức tạp, phân mảnh hơn trước đây khi có nhiều bên tham gia. Thêm vào đó, các hãng taxi có sẵn tài nguyên, nguồn lực, thương hiệu cũng xây dựng ứng dụng riêng của mình.

Tuy nhiên, ông Việt nhận định Grab vào thị trường Việt Nam từ sớm và có thương hiệu, đã hình thành một hệ sinh thái phủ khắp, vượt trội. Những hãng gọi xe ra mắt sau này đều khá chật vật để khẳng định tên tuổi, thu hút tài xế và khách hàng.

Tài xế hai bánh của Grab và Go-Viet chờ nổ cuốc tại Hà Nội. Ảnh: Việt Hà.

Tổng giám đốc Đông A Solutions cho rằng Go-Viet là đối thủ tiềm năng của Grab trong bối cảnh công ty mẹ Go-Jek thành công ở thị trường Indonesia với một số đặc thù gần giống với Việt Nam. Theo ông, trường hợp của Go-Viet không giống với Uber trước đây xuất phát từ một thị trường hoàn toàn khác Việt Nam.

Vị này cũng nhận định những doanh nghiệp trong nước, kể cả các hãng taxi, đã có đủ thời gian để chiếm lĩnh khoảng trống thị trường khi Uber rời đi nhưng không ai làm được. Khoảng cách của họ với Grab hiện đã khá xa và sẽ ngày càng xa hơn.

"Thị trường không tìm được ứng viên nào trong nước cho vị trí số 2. Do đó, Go-Viet vẫn là ứng viên đáng kể nhất cho vị trí đó", ông Việt nói với Zing.vn.

Trong khi đó, ông James Hodgson, chuyên gia phân tích của ABI Research cho rằng Be dù mới ra mắt một thời gian ngắn nhưng đã đạt được một số kết quả khả quan nhờ các chiến dịch quảng bá rầm rộ và thu hút đông đảo tài xế đối tác.

"Tuy nhiên, thành công này chỉ nhất thời nếu Be không tiếp tục chi tiền quảng cáo và giữ chân tài xế. Khi đó, tài xế lẫn khách hàng sẽ có xu hướng quay về ứng dụng có ưu thế hơn trên thị trường", vị này nói.

Theo chuyên gia của ABI, thị trường gọi xe trực tuyến phụ thuộc vào các khoản thưởng, hoa hồng cho tài xế, nhưng những cách này lại khó thực hiện lâu dài. Ông Hodgson thành công trong dài hạn sẽ phụ thuộc phần lớn vào chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng.

"Bản thân thị trường luôn đủ lớn cho hai doanh nghiệp chứ không phải Grab đã quá lớn. Khách hàng sẽ có những lúc không hài lòng với Grab. Bất kỳ thị trường nào cũng có chỗ cho doanh nghiệp đứng thứ hai hay thậm chí tạo áp lực để vươn lên thứ nhất", ông Việt kết luận.

Việt Đức và Lan Anh
Nguồn Zing News