Thách đấu Facebook: Không thể & có thể

Muốn xây dựng được một mạng xã hội Việt Nam thì việc đầu tiên là phải... vượt qua Facebook!

Thông tin Việt Nam sẽ ra đời 5 mạng xã hội mới khiến cho cộng đồng mạng tại Việt Nam rất quan tâm. Đặc biệt, thông tin này đưa ra từ người đứng đầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, cho thấy quyết tâm lớn trong việc tạo dựng một mạng xã hội riêng “made in Vietnam”. Tham vọng này có thể thấy qua con số: Mục tiêu phát triển mạng xã hội Việt Nam đến năm 2022 có số người sử dụng bằng hoặc hơn số tài khoản Facebook tại Việt Nam (60 triệu) và chiếm 60-70% thị phần.

“Mô hình mạng xã hội mới là giá trị tạo ra của người dùng phải được chia sẻ, mô hình mới là luật chơi phải có sự tham gia của khách hàng”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh. Có thể thấy, xây dựng và phát triển mạng xã hội của riêng Việt Nam không dừng lại ở mục tiêu đáp ứng nhu cầu thông tin, nhu cầu kết nối xã hội đơn thuần của người Việt, mà quan trọng hơn, đó còn là một chiến lược trên không gian mạng trong nền kinh tế số của Việt Nam. Đặc biệt, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng Đề án Chuyển đổi số quốc gia, trình Thủ tướng ngay trong năm 2019. Theo dự thảo mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam sẽ thuộc top 4 ASEAN về xếp hạng số hóa quốc gia.

Dù có cả tham vọng và quyết tâm nhưng không thể không nhìn nhận thực tế là cuộc đấu với Facebook được ví như đấu với người khổng lồ. Gần đây nhất, phiên bản Mạng Việt Nam (Go.vn) từng ra đời trên cả 3 nền tảng internet, viễn thông và truyền hình, nỗ lực “sau 6 tháng sẽ soán ngôi Facebook” nhưng cuối cùng cũng nhanh chóng biến mất. Hàng loạt mạng xã hội cũng đặt tham vọng trở thành mạng xã hội dẫn đầu tại Việt Nam nhưng cuối cùng cũng im hơi lặng tiếng trước Facebook như Zing Me, Banbe.net, Tamtay.vn, Yume.vn...

Tuy nhiên, hiện Việt Nam đang có những mạng xã hội như Zalo hay Moca hoạt động khá sôi nổi, tạo ra những hy vọng về cuộc cạnh tranh ở khía cạnh nào đó với Facebook. Chẳng hạn, theo thống kê của Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) công bố vào đầu năm 2019: Zalo chiếm gần 47 triệu người dùng với thời gian sử dụng là 2,12 giờ/ngày. Tại Việt Nam, Zalo chỉ đứng sau Facebook là 3,55 giờ/ngày với 60 triệu người dùng và YouTube là 2,65 giờ/ngày với 50 triệu người dùng. Không chỉ dành cho cá nhân và doanh nghiệp, từ năm 2017 đến tháng 7.2019, Zalo còn được chính quyền của 26 tỉnh thành sử dụng trong các dịch vụ hành chính công. Zalo có quyền tự hào là ứng dụng OTT số 1 của Việt Nam với hàng chục ứng dụng: Zalo Shop chuyên về bán hàng online, Zalo Food với dịch vụ giao đồ ăn, ZaloPay chuyên về thanh toán trực tuyến theo mô hình ví điện tử, rồi có game, dịch vụ vận chuyển, trang tin...

Mới đây, mạng xã hội Gapo của Việt Nam dành cho giới trẻ đã được ra mắt và đặt mục tiêu sẽ có khoảng 3 triệu người dùng vào đầu năm 2020 trước khi đạt mốc 50 triệu người dùng vào cuối năm 2021. Ở góc độ thị trường, cuộc cạnh tranh với Facebook cũng tạo không gian kinh doanh cho các doanh nghiệp trực tuyến tại Việt Nam.

Chẳng hạn, theo số liệu từ Công ty Nghiên cứu thị trường ANTS, năm 2019, doanh thu quảng cáo trực tuyến Việt Nam ước khoảng 648 triệu USD, trong đó Facebook chiếm 275 triệu USD, Google 174,9 triệu USD, các đơn vị trong nước chiếm chỉ 180,9 triệu USD. Doanh thu quảng cáo trực tuyến Việt Nam tiếp tục tăng mạnh lên 760 triệu USD vào năm 2020 nhưng riêng Facebook và Google dự báo vẫn sẽ chiếm thị phần lớn với hơn 512 triệu USD. Đây là một thách thức thực sự với các công cụ tìm kiếm tiếp theo của người Việt nếu có ý định cạnh tranh giành thị phần tìm kiếm với những người khổng lồ như Facebook.

Cuộc đấu trên toàn thế giới

Trong thế giới trực tuyến, nếu vị trí bá chủ đã được thiết lập thì khó có đối thủ nào có thể lật đổ. Nó bị lật đổ chỉ khi có một nền tảng mới và tạo ra một xu thế mới thay thế mà thôi. Vì vậy, tháng 4 vừa qua đánh dấu việc mạng xã hội Google+ “trút hơi thở” cuối cùng sau hơn 8 năm sống lận đận trước sự lấn lướt của Facebook hay Instagram.

Sự ra đi của Google+ vừa cho thấy địa hạt của Facebook đang thống trị rất khốc liệt nhưng cũng rất hấp dẫn, vẫn thu hút nhiều khoản đầu tư mới. Chẳng hạn, sau khi Facebook vướng hàng loạt bê bối liên quan đến thông tin người dùng, Minds.com được nhắc đến nhiều hơn. Một số kênh truyền thông quốc tế sau đó gọi Minds là thách thức mới hay đối thủ cạnh tranh của Facebook. Hay Tập đoàn Tencent (Trung Quốc) cũng cho biết sẽ đầu tư 150 triệu USD cho Reddit, diễn đàn lớn nhất thế giới tại thời điểm này. Sau vòng đầu tư nói trên, giá trị định giá của Reddit đã lên tới 3 tỉ USD. Diễn đàn này, với câu khẩu hiệu “trang chủ trên Internet”, có tới 330 triệu người dùng thường xuyên và có tới 150.000 chủ đề hay còn gọi là subreddit để bàn luận. Doanh thu của Reddit năm 2018 vượt mốc 100 triệu USD.

Nhưng đáng kể hơn cả là chiến lược phát triển của mạng xã hội Douyin với ứng dụng toàn cầu là Tik Tok đạt 1 tỉ lượt tải xuống trên toàn cầu vào tháng 2.2019. Mạng xã hội Douyin cung cấp một bộ công cụ cho phép bất cứ ai có điện thoại thông minh và ý tưởng tốt đều có thể tạo video dài 15 giây có khả năng lan truyền. Một năm sau khi Douyin ra mắt tại Trung Quốc, phiên bản tiếng Anh của nó, Tik Tok, đã được tung ra ở nhiều thị trường quốc tế và nhanh chóng vươn lên dẫn đầu App Store ở Thái Lan, Indonesia, Nhật và Hàn Quốc.

Mặc dù vậy, chưa có cái tên nào đủ sức ảnh hưởng tới sự thống trị của Facebook với 2,4 tỉ người sử dụng ngoại trừ... Trung Quốc. Trung Quốc nằm trong số ít các thị trường lớn không bị thống lĩnh bởi các mạng xã hội ngoại. Theo National Interest, Trung Quốc có có phiên bản riêng đối trọng với các công ty công nghệ của Mỹ. Đối trọng với Google là Baidu, Weibo là Twitter, Youku thay thế cho YouTube và Wechat là phiên bản tổng hòa của cả Facebook, WhatsApp, Instagram. Hiện WeChat hiện là nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất ở Trung Quốc. Mạng xã hội này có 650 triệu người dùng hoạt động hằng tháng, hầu hết trong số họ được cho là sống ở Trung Quốc. Từ dịch vụ cốt lõi là ứng dụng nhắn tin tương tự WhatsApp, WeChat đã phát triển thành một hệ sinh thái kỹ thuật số trong một ứng dụng duy nhất. Thậm chí, nó còn tích hợp các công cụ thanh toán di động được sử dụng bởi 20% người dùng.

Rất khó khăn cho các hãng công nghệ Mỹ giành được chỗ đứng tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Đó là thái độ không ủng hộ từ cơ quan quản lý, việc chính phủ tuyên bố mục tiêu xây dựng các nhà vô địch quốc gia đã tạo ra động lực cho các cục quản lý xây dựng thêm rào cản cho những mạng xã hội ngoại. Cuối cùng, thách thức bản địa hóa và chinh phục trái tim người dùng không hề đơn giản cho ngay cả những gã khổng lồ Facebook, Google.

Ai đủ lực soán ngôi Facebook?

Về con số mục tiêu cuối năm 2021 sẽ có 50 triệu người dùng, ông Kiên của Gapo cho rằng: “Đây là một con số rất thách thức nhưng chúng tôi tin vào đội ngũ của mình, những người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (A.I), dữ liệu lớn (Big Data), an toàn thông tin và đã từng phát triển mạng xã hội có hàng chục triệu người dùng. Trong giai đoạn tiếp theo, Gapo sẽ tấn công sang thị trường nước ngoài”. Tham vọng của Gapo có cơ sở hơn khi doanh nghệp này được cam kết đầu tư 500 tỉ đồng từ G-Capital, đơn vị đang sở hữu chuỗi siêu thị cầm đồ F88 (nhận được khoản rót vốn từ Mekong Capital).

Tuy nhiên, ngay trong ngày đầu ra mắt, mạng xã hội Gapo đã gặp rất nhiều lỗi và ra thông báo “bảo trì hệ thống” và nghi án sao chép các điều khoản bảo mật của Google. Trước đó, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng “phong tỏa” hai tên miền Zalo.vn và Zalo.me vì chưa có giấy phép hoạt động mạng xã hội. Như vậy, dù được nhiều kỳ vọng và tham vọng nhưng con đường của Zalo và Gapo còn rất chông chênh và phần nào cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp trong vận hành.

Kinh nghiệm của Trung Quốc cũng cho thấy, cơ hội cho các doanh nghiệp nội địa vẫn có. Triển vọng càng lạc quan hơn khi tỉ lệ trung thành với sản phẩm dịch vụ của người dùng Việt được đánh giá là không cao, đi kèm với xu thế ưa thích các trải nghiệm mới của các thế hệ trẻ năng động như Millennials hay Centennials. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, những bất hợp lý trong cách hoạt động của Facebook và Google hiện nay sẽ mở ra không gian cho các mạng xã hội mới, công cụ tìm kiếm mới.

Đặc điểm của văn hóa là không thể bắt chước, chỉ có ai thực sự sinh ra, lớn lên ở một vùng đất mới có thể hiểu được văn hóa của địa phương đó. Do mang màu sắc văn hóa, nhóm nhỏ, những “ông lớn” mạng xã hội toàn cầu rất khó giải bài toán này. Đây chính là cơ hội của các mạng xã hội Việt Nam.

Cùng Gapo, sẽ có thêm các mạng xã hội theo đuổi các chiến lược khác biệt, đi vào thị trường ngách. Đơn cử như đầu năm nay, mạng xã hội du lịch Hahalolo ra đời với mong muốn mang lại những trải nghiệm tốt nhất cho người dùng trong và ngoài nước. Không dừng lại ở việc tạo ra một mạng xã hội thiên về du lịch và kết nối cộng đồng, Hahalolo dự kiến sẽ đẩy mạnh việc tích hợp dịch vụ du lịch trực tuyến và thương mại điện tử trên nền tảng của mình, tạo ra một hệ sinh thái khép kín, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dùng. Chỉ thời gian ngắn ra đời, hiện lượng người dùng của Hahalolo lên tới nửa triệu.

“Tốc độ phát triển Internet và nhu cầu giao lưu kết bạn ở Việt Nam ngày càng tăng lên, nhưng người dùng đang có rất ít lựa chọn các mạng xã hội. Gapo không xác định cạnh tranh với Facebook hay bất kỳ mạng xã hội nào khác, mà chỉ cung cấp thêm một sự lựa chọn cho người dùng”, ông Hà Trung Kiên, CEO Gapo, cho biết.

Không nổi trội trên truyền thông như các tên tuổi nói trên, thị trường công nghệ trực tuyến đã ghi nhận khá nhiều các mạng xã hội đang vận hành. Chúng tuy không lớn (mỗi mạng xã hội chưa tới 1 triệu thành viên) nhưng hoạt động khá sôi động và thường chỉ tập trung vào một lĩnh vực nhất định. Điển hình như bất động sản có mạng xã hội reic.vn khá xôm tụ, dân chơi ô tô thì có các mạng xã hội otofun hay otosaigon...

Nhưng sân chơi đầu tư mạng xã hội sẽ không thể thiếu vắng các doanh nghiệp lớn tham gia. Điển hình như Viettel với tham vọng thống lĩnh xã hội kỹ thuật số (digital society), Tập đoàn FPT theo đuổi giấc mơ nội dung số. Gia nhập thị trường công nghệ trực tuyến gần đây còn ghi nhận bước đi thử nghiệm đầu tiên của hàng không giá rẻ VietJet (thành lập sàn thương mại điện tử) để từ đó tiến lên các nấc thang cao hơn. Nhiều thông tin cho thấy một doanh nghiệp truyền thông lớn cũng tham gia xây dựng mạng xã hội với mô hình thông tin có phí trung gian như Minds.

Miếng bánh tỉ USD doanh thu từ quảng cáo trên mạng xã hội rất hấp dẫn, tiếp tục trở thành hấp lực thu hút sóng đầu tư vào mạng xã hội. Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, doanh thu từ kênh quảng cáo kỹ thuật số dự kiến ở Việt Nam sẽ đạt tới 875 triệu USD năm nay, dự kiến sẽ tăng lên đến gần 1,7 tỉ USD vào năm 2023. Trong đó, quảng cáo trên mạng xã hội chiếm thị phần lớn nhất với tỉ trọng khoảng 85%.

Tất nhiên, đầu tư mạng xã hội thành công không phải là chuyện dễ cho các tay chơi. Đó thực sự là cuộc chơi đốt tiền với tổng vốn đầu tư có thể lên đến hàng ngàn tỉ đồng trước khi gặt hái được kết quả. Thay vì các khẩu hiệu sáo rỗng, để có thể thành công trong việc soán ngôi vương của Facebook hay YouTube, các mạng xã hội trong nước cần thông minh hơn, mang lại giá trị hơn cho người sử dụng, cũng như triển khai chiến lược chinh phục trái tim người chơi dựa trên một luật chơi công bằng và minh bạch.

Nam Minh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư