Đến năm 2030 có khoảng 100.000 doanh nghiệp nông nghiệp

Chính phủ đặt mục tiêu 10 năm tới sẽ có 3.000-4.000 doanh nghiệp quy mô lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Theo Nghị quyết 53 mới ban hành, Chính phủ đặt mục tiêu nông nghiệp Việt Nam đến năm 2030 sẽ nằm trong nhóm 15 quốc gia phát triển nhất thế giới, riêng chế biến nông sản nằm trong nhóm 10. Việt Nam sẽ là trung tâm chế biến sâu và logistics của thương mại nông sản toàn cầu.

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản trong giai đoạn này đạt 3% và kim ngạch xuất khẩu đạt 6-8% mỗi năm. Đến năm 2030 sẽ có 80.000-100.000 doanh nghiệp có hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó khoảng 3.000-4.000 doanh nghiệp có quy mô lớn.

Nông dân huyện Di Linh (Lâm Đồng) thu hoạch cà phê.

Nông dân huyện Di Linh (Lâm Đồng) thu hoạch cà phê.

Chính phủ đánh giá tốc độ tăng trưởng khu vực nông nghiệp thời gian qua không ngừng cải thiện. Tuy nhiên, sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này còn khiêm tốn so với tiềm năng sẵn có. Cụ thể, số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm 8% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu vẫn ở dạng hộ gia đình với hơn 9,2 triệu hộ quy mô rất nhỏ. Năng suất lao động ngành nông nghiệp thấp hơn hầu hết các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ của nông nghiệp Việt Nam không bền vững, số doanh nghiệp tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị còn ít trong khi rào cản kỹ thuật để thâm nhập thị trường quốc tế ngày càng khắt khe. Chính phủ cho rằng việc cạnh tranh không lành mạnh, truyền thông chưa hiệu quả khi phản ánh một số trường hợp vi phạm đã vô tình tạo hiệu ứng ngược khiến người tiêu dùng tẩy chay nông sản trong nước.

Để thực hiện mục tiêu dài hạn, Chính phủ đề ra 10 giải pháp và nhiệm vụ như cắt giảm mạnh các rào cản về điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp; đổi mới cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường; phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo nhu cầu thị trường...

Phương Đông
Nguồn VnExpress