50 ngôi sao và 1,2 triệu tỉ đồng - Top 50 Nhịp Cầu Đầu Tư

Kinh tế thịnh vượng đã giúp hiệu quả kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp Việt cải thiện mạnh mẽ. Giải thưởng Top 50 Công ty Kinh doanh Hiệu quả nhất Việt Nam năm 2018 (do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư phối hợp cùng Công ty Chứng khoán Thiên Việt tổ chức) đã ghi nhận sự tăng trưởng vượt trội của các công ty hàng đầu.

Nhóm công ty này tạo ra hơn 1,2 triệu tỉ đồng doanh thu (tăng 52%) và 127.000 tỉ đồng lợi nhuận ròng (tăng 47% so với năm trước). Chính sự năng động của nền kinh tế trẻ Việt Nam là điều kiện cho sự tăng trưởng của các doanh nghiệp hàng đầu này.

Đầu tàu giữ vững vị thế

Bảng xếp hạng Top 50 phản ánh phần nào xu thế phát triển của nền kinh tế năm 2018, trong đó có một số gương mặt mới bất ngờ xuất hiện, cũng như có những tên tuổi lớn tạm thời rời khỏi cuộc chơi. Đáng chú ý, bảng xếp hạng năm nay đánh dấu sự trở lại của nhóm họ dầu khí nhờ giá dầu cải thiện.

Đứng đầu bảng là nhóm đầu tàu kinh tế: tài chính - ngân hàng - bất động sản khi chiếm đến 54% tổng giá trị vốn hóa. Doanh thu và lợi nhuận lần lượt của nhóm này tiếp tục tăng trưởng ấn tượng ở mức 25,2% và 43,8%. Ngành ngân hàng vẫn tiếp tục đà tăng trưởng năm 2017 nhờ vào một phần xử lý nợ xấu và thị trường bất động sản “ấm lên”. Nghị quyết số 42/2017/QH14 tiếp tục là hành lang pháp lý quan trọng để hỗ trợ cho các ngân hàng xử lý tốt nợ xấu và làm lành mạnh hóa bảng cân đối kế toán.

Tiêu biểu như Vietcombank (VCB) ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép về doanh thu giai đoạn 2015-2018 lên đến 21,8%, tỉ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt ở mức rất cao so với trung bình ngành (16,2%). Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu VCB đã tăng trưởng 73,5% chỉ trong 3 năm qua, đưa doanh nghiệp này thuộc diện “phải có” trong danh mục đầu tư của các quỹ lớn.

Ngoài VCB, Top 50 còn chứng kiến hàng loạt gương mặt nổi trội đến từ nhóm ngân hàng tư nhân như ACB, MBB, TPB, VPB, TCB và HDB. Điều đó phản ánh một xu thế rõ nét là ngân hàng tư nhân đang vận hành rất hiệu quả so với nhiều gương mặt quốc doanh kỳ cựu, nhất là tiên phong trong mảng tín dụng tiêu dùng cũng như tư duy nhanh nhạy ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2018 chỉ ở mức 14% (so với 18,1% năm 2017), tức là mức trung bình thấp. Ngoài ra, tỉ lệ báo cáo nợ xấu của nhóm ngân hàng hàng đầu đã giảm xuống mức dưới 2% năm 2018. Như vậy, nhiều khả năng các ngân hàng cơ bản đã trở nên ổn định hơn, sẵn sàng cho chặng đường phát triển mới.

Bất động sản tiếp tục là ngành nóng nhất hiện nay khi có tới 8 doanh nghiệp có mặt trong bảng vinh danh lần này là VIC, NLG, KDH, NVL, HDG, PDR, DXG và CRE. Tổng doanh thu của nhóm này trong năm 2018 đạt 155.300 tỉ đồng, tăng mạnh 35% so với năm 2017. Đó là kết quả của nhiều dự án được bàn giao đúng tiến độ hay đẩy mạnh chuyển nhượng quỹ đất hiện hữu.

Ở vị trí á quân bảng tổng sắp năm nay, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Bình chia sẻ, Công ty cố gắng duy trì tốc độ phát triển giai đoạn 10 năm tăng 25 lần như trong suốt thời gian qua để đạt doanh thu 20 tỉ USD vào năm 2028.

Khác với 2 năm 2016 và 2017, bảng xếp hạng năm nay ghi nhận sự trở lại của ngành dầu khí với 3 đại diện, gồm GAS, PGS và PLX. Đây là các công ty cung cấp khí và xăng dầu trong nội địa nên một phần nào cũng chịu ít tác động của sự biến động giá dầu quốc tế. Giá dầu có một năm khá thành công khi giá dầu thô trung bình Brent ở mức 71USD mỗi thùng, tăng 30% so với năm 2017. Sự trở lại của các công ty dầu khí cho thấy năm 2018, ngành đã bớt khó khăn hơn các năm trước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mức giảm ngành khai khoáng chỉ còn 2%, so với mức giảm 7,1% năm 2017.

Không ngoài dự tính, là một trong những lĩnh vực tăng trưởng nóng nhất thời gian qua, nhóm ngành hàng tiêu dùng và dịch vụ tiêu dùng đã đóng góp tới 6 gương mặt trong 50 doanh nghiệp tiêu biểu 2018, trong đó Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động thậm chí còn chiếm vị trí số 1 trên bảng xếp hạng nhờ sự vượt trội trong tất cả các tiêu chí đánh giá.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng bán lẻ trong 5 năm qua ở mức khoảng 8,4% hằng năm. Tuy nhiên, đang có sự phân hóa lớn giữa nhóm hàng sản xuất hàng tiêu dùng và dịch vụ tiêu dùng. Trong khi nhóm sản xuất hàng tiêu dùng (gồm các đại diện như VNM, VHC) có sự tăng trưởng chậm lại ở mức 5,3% và 2,9% về doanh thu và lợi nhuận, thì nhóm ngành dịch vụ tiêu dùng (gồm các đại diện như MWG, PNJ, FRT và VJC) lại có sự tăng trưởng ấn tượng ở mức lần lượt 27,8% và 14,6%.

Xu thế tăng trưởng chậm lại của nhóm ngành sản xuất tiêu dùng cho thấy nhu cầu sử dụng sản phẩm tại nhóm này đang bão hòa, đòi hỏi các công ty đại diện trong ngành cần nỗ lực hơn nữa trong việc khai phá thêm các thị trường mới, ví dụ như nông thôn hay các thị trường tiềm năng trong khu vực như Campuchia và Myanmar.

Nhóm dịch vụ tiêu dùng vẫn tiếp tục được hưởng lợi từ sự tăng trưởng dân số và đô thị hóa, sự tăng nhanh của tầng lớp trung lưu và làn sóng đổ bộ mạnh mẽ đến Việt Nam của khách du lịch quốc tế. Một số hãng bán lẻ còn đẩy mạnh tìm kiếm các thị trường ngách để bổ sung nguồn thu, cải thiện quy mô mã hàng hóa như chuỗi bán lẻ của Thế Giới Di Động, PNJ bày bán thêm đồng hồ, FRT khai phá mảng dược phẩm hay hãng hàng không VietJet nâng cao tỉ trọng của mảng dịch vụ phụ trợ trong cấu trúc doanh thu. Hay sau thời gian tái cơ cấu, Tập đoàn ThaiBev cơ bản đã đưa con tàu Sabeco trở lại đường đua. Tuy tốc độ tăng trưởng doanh thu giai đoạn 2015-2018 đạt trung bình 9,82% nhưng thương hiệu đứng số 1 thị trường bia đã ghi nhận tỉ suất sinh lợi tiếp tục đứng ở mức rất cao: 33,2%. Giá cổ phiếu SAB của Sabeco đã phục hồi 111,7% trong 3 năm qua và là một trong những công ty có mức vốn hóa lớn nhất hiện nay (160.000 tỉ đồng).

Top 10 công ty hàng đầu không có sự thay đổi lớn. Vẫn là các công ty quen thuộc như Thế Giới Di Động, VietJet Air, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và Vicostone. Đây là các công ty được hưởng lợi từ nền kinh tế tiêu dùng Việt Nam và có mô hình kinh doanh vượt trội. Nhưng cũng có một số lĩnh vực giảm tốc, đơn cử như ngành thép. Nếu bảng xếp hạng năm 2017 chứng kiến ngành này có tới 3 gương mặt thì năm nay, chỉ còn mỗi Tập đoàn Hòa Phát là đại diện duy nhất. Những cái tên như Hoa Sen, Thép Nam Kim bất ngờ vắng mặt do gặp quá nhiều thách thức cạnh tranh và áp lực giảm giá trong năm qua.

So với năm 2017, vốn hóa của 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất năm 2018 đạt tới 2,16 triệu tỉ đồng, tăng 5% và chiếm khoảng 75% toàn thị trường. Việc tăng nhẹ về mặt vốn hóa chủ yếu trong năm 2018 là do các đợt bán cổ phần lần đầu ra công chúng và niêm yết không nhiều như năm 2017. Đáng chú ý trong năm qua là 2 thương vụ bán cổ phần nổi bật với việc Công ty Cổ phần Vinhomes huy động thành công 1,39 tỉ USD và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, mã TCB) huy động được 0,92 tỉ USD. Năm nay, trong danh sách các công ty có vốn hóa trên 1 tỉ USD có thêm 3 thành viên mới là Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS, mã GAS), Techcombank và Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex, mã PLX), đưa tổng số các công ty đạt mức vốn hóa tỉ USD lên 17, tăng thêm 1 so với kết quả xếp hạng năm trước. Đây đều là các doanh nghiệp đầu ngành và được kỳ vọng sẽ đóng vai trò dẫn dắt xu thế phát triển trong nhiều lĩnh vực quan trọng trong các năm tới.

Triển vọng 2019: Ai sẽ là ngôi sao?

Sau giai đoạn bùng nổ, năm 2018 thị trường chứng khoán giảm nhiệt đã giúp định giá các công ty niêm yết trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều. Chỉ số giá trên thu nhập (EPS) trung bình của 50 công ty hàng đầu đã giảm mạnh từ 23,8 lần năm 2017 xuống 17 lần năm 2018. Trong bối cảnh khá nhiều doanh nghiệp hàng đầu vẫn giữ đà tăng trưởng khả quan, việc giá cổ phiếu rơi xuống vùng giá mềm hơn là cơ hội hấp dẫn cho các nhà đầu tư có tầm nhìn chiến lược.

Bên cạnh nhiều thách thức nảy sinh trong năm nay như lạm phát có dấu hiệu quay trở lại do giá điện tăng mạnh, nhưng cơ hội của các doanh nghiệp nội nhìn chung khá sáng, nhất là hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Các chuyên gia kinh tế và giới đầu tư đang có cái nhìn lạc quan. Quỹ Warburg Pincus cho rằng Việt Nam dần trở thành mắt xích quan trọng trong sản xuất toàn cầu, ngân hàng Nhật Nomura dự kiến nền kinh tế sẽ được thúc đẩy thêm gần 8% nhờ sự dịch chuyển sản xuất, hệ quả từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), có thể sẽ có sự dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng như cơ cấu lại chuỗi cung ứng trên toàn cầu.

Đặc biệt, Hội đồng châu Âu mới đây đã thông qua quyết định ký Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam, tạo ra cú hích lớn cho xuất khẩu để tiếp cận với thị trường 28 nước trong khối EU.

Tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020 và gần 44,4% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020 và 36,7% vào năm 2030. Hiệp định này cũng giúp GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% giai đoạn 2019-2023 và tăng 7,07-7,72% đến năm 2033.

Cơ hội vì thế đang mở ra cho rất nhiều lĩnh vực. Đó có thể là cơ hội cho bất động sản công nghiệp nhờ đón dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ mạnh vào Việt Nam, đó có thể là cơ hội cho nhóm ngành nông sản, dệt may, đồ gỗ khi có thể gia tăng xuất khẩu sang Mỹ và EU. Trong khi hệ thống ngân hàng và các lĩnh vực dịch vụ sẽ có cơ hội giữ đà tăng trưởng khả quan. “Những cam kết mở cửa mạnh mẽ trong Hiệp định sẽ giúp mở cửa hơn nữa thị trường xuất khẩu cho Việt Nam, đặc biệt những hàng dệt may, nông thủy sản, đồ gỗ. Theo các nhà phân tích của HSBC, các ngành như may mặc và da giày của Việt Nam được kỳ vọng hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định”, ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, nhận định.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Thiên Việt, với nền tảng là nền kinh tế đang tăng trưởng và thị trường cận biên, sự phân hóa giữa các nhóm ngành là không thể tránh khỏi. Các nhóm ngành được dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng và ổn định đều đến từ nhu cầu nội địa như ngành hàng tiêu dùng. Nhóm ngành tài chính dự kiến khả quan và phù hợp với thị trường khi vấn đề nợ xấu đang được dần dần giải quyết. Còn lại nhóm ngành mà hiệu quả phụ thuộc vào giá thế giới, ngành năng lượng, khai khoáng và nông sản, được dự kiến sẽ kém hiệu quả hơn do các sản phẩm này mang tính chất “hàng thông dụng” không có giá trị chào bán cao.

Danh sách Top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam 2018

Sơn Nguyễn
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư