Chủ tịch KIDO: 'Tập đoàn đã bước qua giai đoạn khó khăn'

Ngoài cao cấp hóa các dòng sản phẩm trong ngành dầu ăn và kem, KIDO sẽ mở rộng kênh phân phối và tìm thêm thị trường xuất khẩu.

Đại hội cổ đông Tập đoàn KIDO nóng lên khi nhiều cổ đông liên tục đặt câu hỏi về chiến lược kinh doanh của công ty sau một năm khó khăn.

Đáp lại lo lắng của cổ đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Kim Thành cho rằng, sau một thời gian tái cơ cấu và thực hiện các hoạt động M&A thì công ty đang chiếm lĩnh và dẫn đầu ngành dầu và kem. Kết quả kinh doanh của nhóm ngành chủ lực này đang tăng nhanh qua từng quý. "Hiện, giai đoạn công ty gặp khó khăn đã qua. 5 tháng đầu năm doanh thu đạt 2.665 tỷ đồng, lãi sau thuế 137 tỷ, lần lượt hoàn thành 32% và 46% kế hoạch năm", ông Thành nói.

Với việc thâu tóm nhiều công ty dầu ăn trong thời gian ngắn, cổ đông lo xuất hiện sự cạnh tranh, "giẫm đạp" lên nhau giữa các đơn vị, ông Thành khẳng định không có sự cạnh tranh mà chỉ tương hỗ lẫn nhau. Tập đoàn đang xây dựng chiến lược cho từng phân khúc khách hàng với mỗi công ty.

Cụ thể, chiến lược của Tường An là tận dụng thương hiệu lâu năm và tập trung dòng dầu ăn cao cấp, tốt cho sức khỏe. Với Vocarimex sẽ tập trung phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp, xuất khẩu. Song song đó, Tường An và Vocarimex sẽ hỗ trợ nhau trong phát triển sản phẩm B2B...

KIDO đang dẫn đầu thị phần ngành dầu và kem ở Việt Nam.

Riêng với kế hoạch M&A và chuyển sàn về HoSE cho Vocarimex và KIDO Foods, công ty đang chờ thời cơ. Với Vocarimex muốn chuyển sàn phải chờ Nhà nước thoái vốn. Còn KIDO Foods, sẽ chuyển sang khi kết quả kinh doanh 2019 đạt như kỳ vọng.

Phó tổng giám đốc Nguyễn Thị Xuân Liễu cho biết, năm nay công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần 8.300 tỷ đồng, tăng 9,1% so với 2018. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 300 tỷ đồng, tăng 70% so với 2018. Tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2019 dự kiến 12%, tức 1.200 đồng một cổ phiếu. Dù tăng mạnh so với 2018 nhưng theo bà Liễu, đây vẫn là kế hoạch khiêm tốn. Bởi lẽ, KIDO còn dành tài chính để làm cơ sở hạ tầng cho ngành thực phẩm và tiến hành thực hiện các hoạt động M&A.

Với ngành thực phẩm đóng gói, công ty sẽ cao cấp hóa sản phẩm, phát triển hệ thống phân phối, tăng cường phát triển thương hiệu. Ngoài đẩy mạnh kênh bán lẻ, năm nay công ty sẽ đẩy mạnh kênh công nghiệp.

Hiện phân khúc khách hàng công nghiệp đang chiếm một phần ba tỷ trọng quy mô ngành dầu tại Việt Nam. Do đó, công ty sẽ đẩy mạnh khối doanh nghiệp ngành FMCG, đối tượng có nhu cầu cao về công thức dầu chuyên biệt để sản xuất thành phẩm. Song song đó, công ty sẽ định hướng đẩy mạnh việc tìm kiếm và cơ hội xuất khẩu dầu ăn sang các thị trường mới. Công ty cũng sẽ hỗ trợ các công ty thành viên nghiên cứu và phát triển nhóm sản phẩm đặc thù cho mỗi thị trường.

Đối với ngành thực phẩm đông lạnh, tập đoàn sẽ tập trung phát triển sản phẩm cốt lõi, cơ cấu lại danh mục sản phẩm sữa chua để thâm nhập lại thị trường.

Năm 2018, KIDO đạt doanh thu thuần 7.609 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 148 tỷ, lợi nhuận chưa phân phối còn lại hơn 1.400 tỷ đồng.

Thi Hà
Nguồn VnExpress