Bốn lần lỡ hẹn thị trường Việt Nam của Air Asia

Thương vụ cùng Hải Âu đổ bể đánh dấu thất bại lần thứ 4 trong nỗ lực tạo lập liên doanh hàng không giá rẻ của AirAsia ở Việt Nam.

Hôm 18/4, Air Asia thông báo, công ty con AirAsia Investment, Gumin và Hải Âu đã đồng ý chấm dứt và giải phóng mọi nghĩa vụ có liên quan đến thoả thuận thành lập liên doanh tại Việt Nam. Động thái thái này đánh dấu thất bại lần thứ 4 trong tham vọng thành lập một liên doanh hàng không giá rẻ tại thị trường Việt Nam.

Hiện Air Asia khai thác nhiều đường bay thẳng từ Việt Nam đến các thành phố tại Malaysia, Philippines và Thái Lan. Dẫu vậy, mở một hãng bay giá rẻ tại Việt Nam vẫn là tham vọng của Air Asia từ hơn chục năm nay.

Năm 2005, một trong những phương án được đưa ra khi cải tổ hãng hàng không Pacific Airlines (tiền thân của Jetstar Pacific hiện nay) là bán cổ phần, cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Ngay sau đó, Air Asia đã gửi Bộ Tài chính đề án xin góp cổ phần với hãng hàng không Việt Nam.

Theo đề án của Air Asia, Pacific Airlines hoạt động ngay theo phương thức hàng không giá rẻ với giá cước vận chuyển khoảng 15 USD cho một giờ bay. Còn hãng bay có trụ sở tại Malaysia sẽ hỗ trợ về công nghệ, quản lý và đào tạo nhân viên của Pacific Airlines.

Máy bay Air Asia đỗ tại sân bay Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: Nikkei.

Khi đó, dù chưa biết đề nghị có được chấp thuận hay không, CEO Tony Fernandes của Air Asia không giấu tham vọng hiện diện tại thị trường Việt Nam khi chia sẻ: "Nếu kế hoạch thất bại, một ngày không xa sẽ thành lập liên doanh khai thác hàng không giá rẻ tại Việt Nam".

Sau đó, Air Asia lỡ hẹn vì không đảm bảo được điều kiện liên doanh góp vốn. Tony Fernandes muốn góp vốn bằng máy bay trong khi hãng bay Việt cần tiền mặt để khôi phục hoạt động kinh doanh. Năm 2007, Pacific Airlines bán 30% cho cổ phần Hãng Hàng không quốc gia Australia (Qantas Airways).

Không thể bén duyên cùng Pacific Airlines, Tony Fernandes lập tức tìm kiếm một đối tác khác tại Việt Nam. Tháng 8/2007, Air Asia ký thỏa thuận cùng Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin) để thành lập liên doanh hàng không dự kiến có vốn khoảng 30 triệu USD. Theo thỏa thuận, Vinashin có trách nhiệm giúp liên doanh được Chính phủ phê duyệt và các nhà quản lý cấp phép hãng bay mới. Còn Air Asia giúp liên doanh giành được các hợp đồng mua máy bay với giá cạnh tranh, vận hành theo mô hình một hãng bay giá rẻ.

Tuy nhiên, thương vụ này cũng không thể thành công do Chính phủ không cho phép Vinashin tham gia phát triển và kinh doanh lĩnh vực vận tải hàng không.

Thế nhưng, đến cuối năm 2010, kế hoạch của Air Asia tiếp tục đổ bể khi hãng này thông báo dừng tham gia vào dự án cùng Vietjet. Hãng hàng không của Tony Fernendes đưa ra lý do, không đạt được thỏa thuận về việc sử dụng thương hiệu AirAsia trong các hoạt động thương mại với nhà chức trách Việt Nam.Đến tháng 2/2010, Air Asia tiếp tục hiện thực hóa tham vọng có hãng bay giá rẻ tại Việt Nam bằng việc mua 30% tại Vietjet. Hai bên dự kiến vận hành các chuyến bay thương mại trong và ngoài nước mang thương hiệu chung Vietjet Air Asia. Hai đơn vị rất tự tin khi thông báo có thể thực hiện chuyến bay đầu tiên của thương hiệu này ba tháng sau đó.

Air Asia và Vietjet không thể vận hành chung dưới một thương hiệu sau vụ hợp tác "đổ bể" năm 2010. Ảnh: Jetphotos/Tran Duy Khang.

Hiện thị trường hàng không Việt Nam có 5 hãng bay, gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, VASCO và Bamboo Airways. Công ty TNHH MTV Hàng không Vietstar (Vietstar Airlines) cũng đang chờ cấp giấy phép bay sau khi Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ Giao thông giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp này cuối năm ngoái. Mới đây nhất, Tổng giám đốc Vietravel cũng thông báo đã nộp đề án thành lập Công ty Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) lên Sở Giao thông Vận tải Thừa Thiên - Huế.

Một lãnh đạo Cục Hàng không mới đây cho biết, các tổ chức quốc tế đánh giá hàng không Việt Nam thuộc diện tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng luôn đạt mức hai con số. Năm ngoái, các hãng hàng không trong nước vận chuyển gần 50 triệu hành khách, tăng 10,1% so với 2017 và trên 400.000 tấn hàng hóa, tăng 27,2%.

Tính cả các hãng nước ngoài, thị trường vận chuyển hàng không Việt năm 2018 đạt gần 70 triệu khách. Nhiều chuyên gia, lãnh đạo hãng bay cũng từng nhận định, dư địa tăng trưởng của hàng không Việt còn rất lớn. Bởi vậy, Air Asia nhiều khả năng không từ bỏ tham vọng sau 4 lần lỡ hẹn với thị trường Việt Nam. Ngay cả khi thất bại với liên doanh cùng Hải Âu, Air Asia vẫn khẳng định rất quan tâm đến việc vận hành riêng một hãng bay giá rẻ tại Việt Nam vì các yếu tố như vị trí địa lý thuận lợi, sự phát triển, tiềm năng tăng trưởng của thị trường.

Anh Tú
Nguồn VnExpress