TP.HCM quảng cáo trên xe buýt: kiếm tiền tỉ còn... ì ạch

Quảng cáo trên xe buýt dự kiến thu về hàng trăm tỉ đồng mỗi năm, giúp giảm bớt gánh nặng ngân sách cho công tác trợ giá xe buýt hơn 1.000 tỉ đồng mỗi năm hiện nay. Cơ quan quản lý quyết tâm đổi mới cách thực thi.

Qua 2 năm, từ khi có chủ trương cho phép quảng cáo trên xe buýt, công tác này tiến hành ì ạch. Trong 5 lần tổ chức đấu thầu, chỉ một lần thành công, còn lại là thất bại vì không có đơn vị nào tham gia.

Trả lời phỏng vấn, ông Lê Hà Ân - phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM - cho biết sẽ tiếp tục triển khai đấu giá với những giải pháp mới.

* Thất bại đến 4 lần, vì sao trung tâm vẫn tiếp tục duy trì hình thức đấu giá này?

Đề án quảng cáo trên thân xe buýt được UBND TP.HCM phê duyệt năm 2017 có nói rõ: các đơn vị vận tải có hợp đồng ủy quyền cho Trung tâm Quản lý giao thông công cộng sử dụng xe buýt có trợ giá để tổ chức đấu giá quảng cáo trên thân các xe buýt này.

Nguồn thu từ đây sẽ được nộp vào ngân sách, rồi quay lại phục vụ công tác phát triển vận tải hành khách công cộng.

Riêng đối với tuyến xe buýt không trợ giá thì các đơn vị tự quyết định hình thức cho tổ chức quảng cáo và tự xử lý nguồn thu này.

Nhiều xe buýt đã tham gia quảng cáo lưu thông tại TP.HCM. Ảnh: Quang Định.

Qua những lần thất bại, chúng tôi nhận thấy hiện nay xu hướng quảng cáo đã có sự thay đổi. Với sự phát triển của mạng xã hội, nhiều hình thức quảng cáo khác cạnh tranh nên góc độ nào đó, quảng cáo trên xe buýt dần dần kém thu hút, không còn là kênh ưu tiên cho các đơn vị quảng cáo như trước đây.

Tuy nhiên trước khi triển khai công tác đấu thầu, chúng tôi đều có khảo sát, mời các công ty, đơn vị quảng cáo để nghe góp ý thì thấy nhu cầu vẫn còn.

Trong những lần đấu thầu vừa qua, chúng tôi cũng từng bước điều chỉnh các điều lệ để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các đơn vị quảng cáo tham gia.

Ví dụ như số tiền tạm ứng giảm từ 20% xuống còn 5-10%; thời gian trên từng gói thầu được phép quảng cáo thay vì cố định 3 năm giảm xuống còn 1 hoặc 2 năm; chia nhỏ các gói thầu để "vừa túi tiền"...

Rất tiếc các đợt đấu giá mới đây không đơn vị nào tham gia, kể cả các đơn vị quảng cáo đã được mời họp và đăng ký nhu cầu trước đó.

* Những thay đổi dường như vẫn chưa đủ mạnh để thu hút các đơn vị quảng cáo. Có phải là giá quảng cáo hiện nay cao, hơn nữa những tuyến xe buýt được trúng thầu lần đầu là "miếng thịt ngon", các gói thầu còn lại là "xương xẩu"?

Đối với quảng cáo trên xe buýt không thể định nghĩa được tuyến này là ngon, còn tuyến kia là dở được mà mỗi tuyến sẽ phù hợp quảng cáo những sản phẩm nhất định.

Ví dụ sản phẩm phân bón không thể chọn tuyến xe buýt chạy ở trung tâm mà chỉ phù hợp với tuyến chạy ở ngoại thành. Các sản phẩm điện tử phù hợp cho quảng cáo trên xe hoạt động ở khu vực trung tâm.

Nếu đấu giá này thất bại, chúng tôi sẽ tạm ngưng việc tổ chức đấu giá để tiến hành khảo sát lại một cách toàn diện liên quan đến vấn đề quảng cáo như nhu cầu, kể cả việc đề xuất thẩm định lại giá cho thuê quảng cáo.

Về vấn đề giá, có ý kiến cho rằng giá quảng cáo này cao nhưng thực tế đơn vị trúng đấu giá đầu tiên đang khai thác quảng cáo 492 xe vẫn thực hiện rất tốt, vì vậy không thể nói giá quảng cáo cao không ai mua.

Giá cả cũng được các sở ngành ngồi lại tính toán, thẩm định gần một năm mới xong và được UBND TP duyệt.

Theo đó, đơn giá cho thuê quảng cáo trung bình trên 1 xe loại 40 chỗ là 92,9 triệu đồng/xe/năm; loại 55 chỗ là 102,69 triệu đồng/xe/năm; buýt 2 tầng là 251 triệu đồng/xe/năm.

* Vậy điểm mới trong lần đấu giá sắp tới là gì? Theo ông, tỉ lệ thành công thế nào?

Thứ nhất, chúng tôi tiếp tục chia nhỏ các gói thầu.

Nếu như lần thứ 4 chia 11 gói thầu thì sắp tới chúng tôi sẽ chia theo mỗi tuyến là một gói thầu, như vậy hiện còn hơn 70 tuyến xe buýt, sắp tới chia làm 70 gói thầu. Giá trị gói thầu sẽ giảm xuống thấp nhất là khoảng 550 triệu đồng/tuyến/năm, cao nhất là 5 tỉ đồng/tuyến/năm.

Với số lượng hiện nay hơn 1.200 xe buýt có thể được cho thuê quảng cáo, nguồn thu dự kiến là 135 tỉ đồng/năm.

Nôm na là việc cho thuê quảng cáo trên xe buýt sẽ chuyển từ cho thuê sỉ sang cho thuê lẻ, để các doanh nghiệp quảng cáo chủ động tìm kiếm khách hàng có nhu cầu phù hợp.

Thứ hai, chúng tôi sẽ công khai các điều lệ về việc đấu giá sớm hơn, chi tiết hơn về đơn giá, chủng loại xe, tuyến xe trên các phương tiện thông tin cũng như trên website (buyttphcm.com.vn)...

Với những giải pháp trên, chúng tôi tin tưởng sẽ có nhiều đơn vị tham gia đợt đấu giá sắp tới nhưng cũng không dám kỳ vọng 100% các gói thầu đưa ra đều được chọn.

Thực tế vẫn có khả năng gói thầu chỉ có một đơn vị tham gia đấu thầu, khi đó theo quy định lần đấu giá đó xem như thất bại phải thực hiện lần đấu giá tiếp theo.

Nếu lần tiếp theo cũng chỉ có đơn vị đó tham gia đấu giá gói thầu đó thì lần này mới coi là đấu thầu thành công. Vì lẽ đó không loại trừ khả năng sẽ có đấu giá lần tiếp theo.

Đồ họa: T. Đạt.

Ngoài ra, chúng tôi cũng có suy nghĩ tới phương án sẽ giao lại cho các doanh nghiệp, hợp tác xã chủ động trong công việc cho thuê quảng cáo. Nhưng khi đó, mức trợ giá phải được tính toán lại vì nguồn thu từ quảng cáo này là cơ sở xem xét mức trợ giá tăng hay giảm.

Nói thì dễ chứ đây là bài toán phức tạp, các sở ngành, đơn vị liên quan phải cùng với doanh nghiệp tính bài toán cụ thể thấu tình, đạt lý.

Đồng Nai: giao cho nhà xe

Hơn 10 năm qua, tỉnh Đồng Nai khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh xe buýt tự quảng cáo để tìm thêm nguồn thu.

Nói đến cách làm dịch vụ in quảng cáo trên thân xe buýt, ông Dương Văn Đông - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai - cho biết: "Khoảng 10 năm qua, tỉnh đã có chủ trương cho doanh nghiệp tự quảng cáo trên xe buýt theo đúng các quy định pháp luật. Xe trợ giá hay không trợ giá nếu tạo được nguồn thu từ quảng cáo thì họ tự chủ, trang trải các chi phí".

Theo ông, với chủ trương này nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp vận tải đã tự tìm kiếm đối tác ký kết hợp đồng quảng cáo bên hông xe nên đã kiếm thêm nguồn thu để trang trải tiền đăng kiểm, bảo hiểm...

Còn ông Nguyễn Xuân Thiện - chủ nhiệm HTX Thống Nhất (Đồng Nai) - khẳng định: "Do HTX có nhiều xe buýt đi về tuyến TP.HCM nên thời gian qua cũng có nhiều đối tác tìm đến quảng cáo. Vì vậy HTX đứng ra làm dịch vụ cung ứng, hưởng phần trăm hoa hồng. Phần còn lại các xã viên có xe buýt được trích hưởng từ tiền quảng cáo".

Cụ thể, theo ông Thiện, HTX có hơn 50 xe, mỗi năm HTX tìm kiếm đối tác, ký hợp đồng quảng cáo dán decal trên hông thùng xe buýt để hưởng hoa hồng 1 - 1,2 triệu đồng/xe/năm. Từ các hợp đồng, HTX trích lại phần trăm cho xã viên có xe với số tiền từ 7 triệu đến hơn 10 triệu đồng/xe/năm. Ông Thiện cho hay việc làm quảng cáo này đã duy trì từ nhiều năm qua.

Nhiều năm qua Đồng Nai cho tự chủ nguồn thu quảng cáo nên các doanh nghiệp đã tìm kiếm đối tác quảng cáo trên xe buýt. Ảnh: H.Mi.

"HTX ký hợp đồng được hưởng hoa hồng nên có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát decal quảng cáo có bị dơ, bị rách... như cam kết với đối tác. Tuy số tiền không nhiều nhưng tiền thu được từ quảng cáo trên xe buýt cũng giúp xã viên bù đắp phần nào các chi phí" - ông Thiện giải thích.

Còn các doanh nghiệp vận tải tham gia vận chuyển hành khách công cộng ở Đồng Nai, khi được trao quyền tự quyết đã trực tiếp tìm kiếm đối tác để tạo ra nguồn thu từ quảng cáo trên thùng xe.

Ông Phạm Hoàng Minh - giám đốc Công ty TNHH dịch vụ du lịch Hoàng Hà (đơn vị điều hành tuyến xe buýt từ TP Biên Hòa đi huyện Nhơn Trạch) - chia sẻ: "Khi tỉnh Đồng Nai cho doanh nghiệp tự chủ về nguồn thu từ quảng cáo trên xe, chúng tôi cũng tìm kiếm đối tác, cho thuê quảng cáo trên xe nhằm tăng doanh thu. Chúng tôi làm quảng cáo từ năm 2008 đến nay. Hiện bình quân mỗi năm công ty kiếm thêm 140 triệu đồng tiền quảng cáo trên 17 chiếc xe".

Theo ông Minh, hiện các sản phẩm thường quảng cáo bằng decal trên xe buýt chủ yếu là mì gói, sữa, nệm, nước giải khát nhưng việc làm quảng cáo cũng không dễ dàng vì đối tác còn xem lộ trình di chuyển của xe buýt, mẫu mã xe.

"Tỉnh Đồng Nai cho doanh nghiệp tự chủ nguồn thu từ quảng cáo nên chúng tôi phải nghĩ cách làm quảng cáo để có thêm doanh thu cho đơn vị" - ông Minh tâm sự.

Ông Tô Văn Động (Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao Hà Nội):

Hà Nội chỉ kiểm tra, hậu kiểm

Hà Nội đã cho phép quảng cáo trên các phương tiện giao thông công cộng từ lâu.

Thời điểm trước khi ban hành Luật quảng cáo vào năm 2013, các doanh nghiệp thực hiện hồ sơ đề nghị cấp phép thực hiện quảng cáo trên phương tiện giao thông theo quy định của pháp luật và được Sở VH-TT Hà Nội xem xét cấp phép thực hiện quảng cáo, quản lý, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện quảng cáo.

Năm 2013, khi Luật quảng cáo được ban hành, việc thực hiện quảng cáo trên phương tiện giao thông theo quy định đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo; quảng bá các sản phẩm, hàng hóa tới cộng đồng xã hội.

Sở VH-TT Hà Nội chỉ phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, hậu kiểm, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động quảng cáo trên phương tiện giao thông của các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Thảo (Giám đốc HTX vận tải số 15, Q.Thủ Đức, TP.HCM):

Nên giao cho doanh nghiệp vận tải

Lâu nay, các nguồn thu quảng cáo trên các tuyến xe buýt có trợ giá đều phải nộp về ngân sách, còn doanh nghiệp vận tải xe dù là đơn vị mua xe nhưng không được hưởng gì hết.

Gần đây, có nghe việc sẽ trích lại phần trăm cho doanh nghiệp trên doanh thu quảng cáo nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được một văn bản nói cụ thể về việc này.

Có thể thấy các tuyến xe không trợ giá chuyện quảng cáo khá sôi động. Nhiều năm qua, chúng tôi đã được giao chủ động trong việc quảng cáo đối với các tuyến xe buýt không có trợ giá. Từ đó, mức giá, các điều kiện thỏa thuận giữa chúng tôi và nhà quảng cáo cũng "nhẹ", linh động hơn so với các yêu cầu mà đơn vị quản lý nhà nước tổ chức đấu thầu.

Vì vậy theo tôi, nên giao lại cho các đơn vị vận tải chủ động trong việc quảng cáo và nguồn thu doanh nghiệp được hưởng từ 30-50%.

Đại diện một công ty quảng cáo:

Cần giảm giá

Nếu chủ trương cho quảng cáo trên thân xe buýt được thực hiện sớm hơn, không chỉ các công ty quảng cáo mà Nhà nước cũng có nguồn thu giúp giảm bớt gánh nặng ngân sách trợ giá.

Nay việc quảng cáo trên xe buýt được phép thực hiện thì đã có sự chuyển dịch nhu cầu rất lớn sang loại hình khác.

Chúng tôi nhận định và từng nhiều lần góp ý, mấu chốt lớn nhất trong việc đấu giá quảng cáo trên xe buýt thất bại vẫn là vấn đề giá cho thuê quảng cáo quá cao, cao rất nhiều so với ở Hà Nội.

Người có nhu cầu quảng cáo ở thời điểm nào cũng sẽ chọn những kênh quảng cáo nào hiệu quả, giá hợp lý. Nếu không giảm giá cho thuê quảng cáo trên xe buýt, nhiều khả năng đấu giá sẽ tiếp tục thất bại hoặc cũng có thể một vài tuyến có khả năng trúng thầu.

Ông Nguyễn Quý Cáp (Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo TP.HCM):

Xu hướng quảng cáo đã thay đổi

Thị phần của quảng cáo ngoài trời đã bắt đầu giảm mạnh do ảnh hưởng của xu hướng quảng cáo số những năm gần đây.

Chỉ trong thời gian ngắn, doanh số của quảng cáo ngoài trời giảm mất hơn 20-25%, khách hàng bắt đầu chuyển qua các kênh online mà không còn mặn mà với quảng cáo ngoài trời.

Trong khi đó, các gói thầu quảng cáo trên xe buýt hiện nay của TP cũng không còn hấp dẫn do những tuyến tiềm năng nhất đã có chủ.

Nhiều doanh nghiệp thử tiếp cận thì bị "bật ngửa" vì giá thầu quá cao. Hình thức quảng cáo trên xe buýt lại không được linh hoạt.

Các chiến dịch quảng cáo của khách hàng cũng thay đổi, chỉ kéo dài 1-2 tháng chứ không còn dài đến cả năm như trước. Nếu muốn thay những quảng cáo này không đơn giản do thủ tục cũng mất thời gian.

T. Điểu - Q. Khải - Đ. Phú - N. Bình

Quang Khải - Đức Phú - Hà Mi
Nguồn Tuổi Trẻ Online