Facebook muốn trở thành WeChat

Mark Zuckerberg muốn biến mạng xã hội của mình thành ứng dụng tất cả trong một, bao gồm nhắn tin, trò chơi, thanh toán... như sản phẩm của Tencent.

Theo The Verge, Mark Zuckerberg đã đưa ra một hướng đi mới cho Facebook. Đó là chuyển trọng tâm từ một loạt các ứng dụng mạng xã hội sang dịch vụ nhắn tin một cửa kết hợp mọi thứ mà công ty đang cung cấp. Nếu có một ứng dụng tương tự với những gì Facebook đang cố gắng xây dựng thì đó là WeChat của Tencent, mạng xã hội lớn nhất tại Trung Quốc.

Có một số khác biệt chính giữa hai sản phẩm, nhưng mục tiêu cuối cùng mà cả hai đang theo đuổi giống nhau khá rõ rệt. Đó là một hệ thống mạng duy nhất nhưng có thể được sử dụng để phục vụ người dùng tất cả các loại dịch vụ khác nhau từ thanh toán di động đến chơi game hay công việc.

Trên thực tế, Facebook từ lâu đã cố gắng để trở thành một dịch vụ giống WeChat. Tuy nhiên, công ty đã liên tục bị vướng vào các scandal vi phạm quyền riêng tư do cách tiếp cận dựa trên nguồn cấp dữ liệu và quảng cáo, cũng như hướng tới người tiêu dùng trẻ hơn. Bù lại việc này hứa hẹn sẽ giải quyết những thiếu sót ngay lập tức của Facebook.

WeChat thường được coi là ứng dụng "all in one", được ủng hộ bởi gần 800 triệu người sở hữu điện thoại thông minh ở Trung Quốc. Nó vừa là ứng dụng trò chơi, ngân hàng hay công cụ để đặt xe, gọi đồ ăn nhanh, mua sắm trực tuyến. Số lượng người dùng hoạt động hàng tháng trên WeChat khoảng hơn một tỷ.

Vì sự phổ biến và thống trị này, WeChat đã trở thành một sản phẩm mong muốn nhưng dường như không thể sao chép đối với các công ty truyền thông xã hội. Là ứng dụng có thể làm mọi thứ, nó thay thế dịch vụ của các nhà sản xuất thiết bị như Apple, Samsung và Xiaomi. Đồng thời sản phẩm này gần như đóng vai trò thay thế cho các hệ điều hành như iOS và Android. Không có ứng dụng nào, kể cả Apple iMessage hay Facebook Messenger, thậm chí cả WhatsApp có thể cạnh tranh với WeChat tại Trung Quốc.

"Những gì WeChat đã làm là nhúng một loạt dịch vụ và tính năng mới vào nền tảng của nó. Các tính năng mới có thể tận dụng hiệu ứng mạng mạnh mẽ mà WeChat đã có", theo Willy Shih, giáo sư tại Harvard Business School. Bằng cách liên tục thêm dịch vụ, WeChat đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày và kết quả là khiến người dùng rất khó từ bỏ. Ông nhấn mạnh việc ngay cả những người vô gia cư ở Trung Quốc cũng sử dụng mã QR được WeChat hỗ trợ để thanh toán di động khi nhận tiền ủng hộ.

Facebook bày tỏ tham vọng xây dựng một nền tảng ứng dụng tích hợp mọi thứ cho người dùng trên toàn cầu từ nhiều năm trước, bắt đầu từ việc mua lại Instagram và WhatsApp năm 2012 và 2014. Kể từ đó, khi không còn các đối thủ cạnh tranh trực tiếp, Messenger đã gánh vác phần lớn trách nhiệm trong việc trở thành nền tảng ứng dụng có thể tích hợp mọi thứ của Facebook.

Trong nửa thập kỷ phát triển liên tục, Facebook Messenger đã bắt đầu cho người dùng chơi game, trò chuyện với AI, tích hợp tính năng camera AR, thanh toán di động và nhiều tính năng khác ngoài nhắn tin. Năm 2014, công ty đã thuê David Marcus - người sáng lập PayPal - về điều hành Messenger, báo hiệu tham vọng trong việc biến nền tảng này thành một đơn vị cung cấp dịch vụ.

Giờ đây, với kế hoạch hướng tới sự riêng tư trong việc nhắn tin cũng như liên kết Instagram và WhatsApp, Zuckerberg đang muốn mở rộng phạm vi sử dụng của người dùng. Thay vì chỉ nhắn tin hay trò chuyện nhóm, công cụ này có thể phục vụ cho các mục đích khác như giải trí, tin tức và thương mại.

Tuy nhiên, có rất nhiều thách thức mà mạng xã hội này phải đối mặt trước khi muốn trở thành WeChat. Bởi chính WeChat cũng cần rất nhiều sự hỗ trợ và cả may mắn mới thành công được như ngày hôm nay. Tại Trung Quốc, nó đã nhận được trợ cấp đặc biệt của chính phủ, đặc biệt trong việc chặn đứng nhiều đối thủ kinh doanh. Năm 2009 là Facebook Messenger, năm 2015 là Line và 2017 là WhatsApp. Đổi lại, WeChat hỗ trợ việc lấy lại các tin nhắn đã bị xóa trong quá trình hỗ trợ các cuộc điều tra của cơ quan điều tra.

Bên cạnh đó, WeChat vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc có thể tìm kiếm thị trường mới ngoài Trung Quốc. Ứng dụng này đã thử tiến ra nước ngoài vào năm 2012, nhưng phát triển rất chậm chạp. Một phần bởi Facebook đã thành công ở các thị trường mà ứng dụng này đang cố gắng thâm nhập. Do đó, nếu trong tương lai WeChat thất bại, Facebook có thể sẽ thành công mở rộng trên phạm vi toàn cầu.

Hiện trên bình diện quốc tế, Facebook và WhatsApp là hai ứng dụng truyền thông mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất, lấn át các đối thủ khác như Snapchat, Twitter, Viber... theo báo cáo của Pew Research Center.

Ngoài chiến lược kinh doanh, Facebook cũng không ngừng nỗ lực trong việc kết nối Internet ở các nước đang phát triển. Bao gồm dự án Internet không dây có tên Terragraph và Express Wi-Fi, ứng dụng được thiết kế để nhiều người có thể vào mạng trực tuyến hơn và chuyển đổi họ thành một dạng người dùng Facebook.

Tuy nhiên, công ty đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, đặc biệt về mặt chính trị. Facebook đang bị chỉ trích và theo dõi gắt gao bởi Ủy ban châu Âu, Quốc hội Mỹ và nhiều tổ chức quốc tế khác. Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, người tuyên bố sẽ đứng ra tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020, đã đề xuất việc "chia tay" với những tập đoàn công nghệ khổng lồ, bao gồm cả Facebook, như một phần của chiến dịch tranh cử.

Ngoài ra, cách tiếp cận từ một ứng dụng nhắn tin cũng không đảm bảo sự thành công chắc chắn. Ở Trung Quốc, một thế hệ người lớn tuổi thích sử dụng WeChat, điều mà Facebook khó có thể nhận được khi tập trung hướng nhiều vào đối tượng thanh thiếu niên như hiện nay. Nếu không được nâng cấp liên tục, các ứng dụng có thể bị lỗi "mốt" khi người dùng già đi trong tương lai.

Bảo Nam
Nguồn VnExpress