4 quyết định kinh doanh liều lĩnh nhất của ông chủ Amazon

Là người giàu nhất thế giới, Jeff Bezos chưa bao giờ thích an toàn.

Ông chủ Amazon - Jeff Bezos là người đã tạo ra bước ngoặt trong ngành bán lẻ, chưa bao giờ sợ các giới hạn khi tung ra hàng loạt sản phẩm mới, và chấp nhận rủi ro khi thâm nhập các thị trường phi truyền thống. Bezos còn công kích Tổng thống Mỹ - Donald Trump về các chính sách gây tranh cãi, đồng thời khẩu chiến với David Pecker - Chủ tịch American Media – công ty mẹ National Enquirer – báo lá cải đã tung các đoạn tin nhắn riêng tư giữa ông và bạn gái - Lauren Sanchez ngay sau khi ông thông báo ly dị vợ.

Theo CNBC, dưới đây là 4 quyết định kinh doanh liều lĩnh nhất mà người giàu nhất thế giới từng thực hiện.

1. Bỏ công việc lý tưởng để bán sách online

Đầu thập niên 90, Bezos làm việc cho một công ty tài chính ở thành phố New York, với "những người rất thông minh và một ông chủ kiệt xuất" mà ông rất ngưỡng mộ. Sau đó, ông nảy ra suy nghĩ muốn bán sách online. Thời đó, Internet còn khá mới mẻ.

Ông chủ Amazon - Jeff Bezos trong một sự kiện hồi tháng 9 năm ngoái. Ảnh: AFP.

"Tôi đã nói chuyện với ông chủ về ý định của mình. Ông ấy cùng đi dạo với tôi trong Central Park và chăm chú lắng nghe. Cuối cùng, ông ấy nói: "Đó là một ý tưởng rất hay. Nhưng sẽ hay hơn nếu dành cho người chưa có một công việc tốt". Tôi cảm thấy điều đó cũng có lý. Ông ấy khuyên tôi nên nghĩ kỹ trong 48 giờ trước khi ra quyết định cuối cùng. Đó thực sự là một lựa chọn khó khăn. Nhưng rút cục, tôi cho rằng mình phải thử. Tôi không nghĩ là sẽ hối hận. Sau khi cân nhắc, tôi quyết định chọn con đường ít an toàn hơn để theo đuổi đam mê. Và tôi tự hào với sự lựa chọn đó", Bezos nói.

2. Ra mắt Amazon Prime năm 2005

Khi Amazon ra mắt Prime năm 2005, rất nhiều người ngờ vực khách hàng sẽ không sẵn sàng trả 79 USD một năm để sử dụng gói dịch vụ tiện ích này. Mà nếu có, chi phí vận hành của Amazon cũng sẽ tăng vọt.

"Ban đầu, Prime gây ra rất nhiều nghi ngờ. Chúng tôi cũng phải theo dõi sát sao để xem các khách hàng thành viên phản ứng như thế nào", Greg Greeley – Phó giám đốc phụ trách Amazon Prime Global khi đó cho biết. Dù vậy, Bezos và đội ngũ của ông rất cương quyết. "Chúng tôi chưa bao giờ cho rằng nó sẽ thất bại. Đây là trải nghiệm mà chúng tôi biết mình sẽ thành công", ông nói.

3. Tạo ra Kindle

Cuối năm 2007, Amazon ra mắt máy đọc sách Kindle. Dù đây không phải máy đọc sách đầu tiên trên thị trường, nó lại là sản phẩm tạo ra xu hướng.

Mắt máy đọc sách Kindle của Amazon. Ảnh: Digital Trends.

"Ngày đầu tiên tôi vào làm tại Amazon cũng là ngày Kindle ra mắt. Khi tôi bước vào văn phòng, mọi người đều đang quay cuồng. Thế rồi sáng hôm sau, họ đã bán hết toàn bộ chỗ Kindle", Chris Green – Phó giám đốc phụ trách thiết kế tại Amazon Lab126 nhớ lại.

4. Mua Whole Foods

Giữa năm 2017, Amazon thông báo mua chuỗi bán lẻ thực phẩm hữu cơ Whole Foods với giá 13,7 tỷ USD. "Đây là cơn địa chấn với ngành thực phẩm cũng như bán lẻ", Mark Hamrick – nhà phân tích kinh tế cấp cao tại Bankrate.com cho biết.

Bezos được CNN đánh giá là kẻ thông minh nhất giới kinh doanh hiện nay và luôn biết gây bất ngờ cho cả thế giới. "Hàng triệu người thích Whole Foods Market vì họ có những thực phẩm sạch và tự nhiên nhất. Họ thích ăn uống lành mạnh", Bezos giải thích về quyết định của mình.

Sau thương vụ trên, Amazon tiếp tục đánh tiếng gia nhập ngành dược phẩm khi mua lại hãng bán thuốc trực tuyến PillPack. Họ cũng phả nhiệt vào các hãng vận chuyển như FedEx với chương trình hỗ trợ mở dịch vụ vận chuyển - Delivery Service Partners.

Hà Thu / CNBC
Nguồn VnExpress