Liên tục bị chỉ trích, Facebook chia sẻ giải pháp chống tin giả

Mạng xã hội lớn nhất thế giới bị coi là công cụ phát tán tin giả và tác động đến kết quả của các cuộc bầu cử dân chủ.

Trước làn sóng chỉ trích dâng cao, Sheryl Sandberg, Giám đốc điều hành của Facebook, tiết lộ 5 cách thức mới mà Facebook sẽ áp dụng để giải quyết vấn nạn tin giả tại hội thảo DLD (Digital, Life, Design) ở Munich (Đức), diễn ra trước thềm sự kiện Diễn đàn Kinh tế thế giới.

Theo Tech Crunch, kế hoạch lấy lại niềm tin của Facebook gồm: đầu tư vào bảo mật, chống lại sự can thiệp vào các cuộc bầu cử, bẻ khóa các tài khoản giả mạo và tin giả, đảm bảo người dùng có thể kiểm soát dữ liệu mà họ chia sẻ về chính họ và tăng tính minh bạch.

Phản ứng từ cộng đồng bắt đầu rộ lên từ tháng 3/2018 sau cáo buộc Facebook để lộ dữ liệu cá nhân người dùng và cho phép Cambridge Analytica (công ty này hiện đã đóng cửa) nhắm quảng cáo tới hàng chục triệu người dùng Facebook mà không có sự cho phép rõ ràng của họ trong cuộc bầu cử Mỹ.

Về vấn đề an toàn và bảo mật, Sandberg cũng chia sẻ Facebook đã tuyển thêm 30.000 người, nhiều gấp năm lần so với năm 2017, để theo dõi và phát hiện tin giả và các bài viết mang tính thù hằn, gây chia rẽ.

COO Facebook Sheryl Sandberg phát biểu tại hội thảo DLD ngày 20/1. Ảnh: Facebook.

Bà thừa nhận năm 2016, chính sách bảo mật không gian mạng của Facebook không hoàn chỉnh để đối phó với các vấn nạn do những kẻ cố tình gieo rắc rối và bất đồng chính trị vào xã hội.

Một năm qua, Sandberg cho biết Facebook đã xóa hàng nghìn tài khoản cá nhân và các fanpage cố tình được lập lập để tuyên truyền tin giả mạo. Bà hứa hẹn áp dụng tất cả những kinh nghiệm và bài học thời gian qua cho cuộc bầu cử cấp cao ở EU năm nay cũng như hợp tác chặt chẽ hơn với chính phủ. Facebook đang triệt tiêu các trang giả mạo, mỗi ngày khóa hàng triệu tài khoản, tương đương số lượng tài khoản mới được lập hàng ngày.

"Chúng tôi đã không quản lý tốt nền tảng này", Sandberg thừa nhận việc cho phép chia sẻ dữ liệu đã dẫn tới tình trạng bị kẻ xấu lạm dụng.

Tuy nhiên, bà lờ đi chi tiết Facebook đang sở hữu WhatsApp - công cụ cũng bị đổ lỗi về việc phát tán tin đồn giả mạo có liên quan đến một loạt vụ giết người ở Ấn Độ.

Bên cạnh đó, vấn đề người dùng quan tâm là phía sau những lời hứa, hành động thực tế của Facebook sẽ như thế nào.

Rất nhiều lần, sau khi bị chỉ trích, mạng xã hội này chỉ biết lên tiếng xin lỗi và hứa hẹn. Nhà đầu tư công nghệ kỳ cựu Roger McNamee chỉ ra trên Time rằng Mark Zuckerberg, CEO Facebook, luôn tin sứ mệnh của Facebook quan trọng tới mức họ có thể làm mọi việc miễn là đạt được sứ mệnh đó. Với tâm thế đó, họ bỏ ngoài tai những lời chỉ trích và nghĩ chúng chẳng thể ảnh hưởng đến mình.

 Mark Zuckerberg

Mark Zuckerberg - CEO của Facebook. Ảnh: Vanity Fair.

Những điều chỉnh từ phía Facebook đơn giản chỉ là thêm trí tuệ nhân tạo, thêm các đoạn mã, vá lỗi ngắn hạn... Họ chưa bao giờ xem lại cách thức kinh doanh và mô hình vận hành của mình. Hậu quả là khi bị lên án với những bằng chứng cho thấy Facebook lan truyền tin giả, họ chỉ diễn đi diễn lại một bài duy nhất: chối bỏ, trì hoãn, đánh lạc hướng và che giấu. Facebook chỉ miễn cưỡng dọn dẹp hậu quả khi không còn lựa chọn nào khác và luôn tiết lộ thông tin ít ỏi nhất có thể. Sau đó, họ chuyển sang kế hoạch B: Xin lỗi, và hứa làm tốt hơn. Với nhiều người, những chia sẻ của bà Sandberg cuối tuần qua cũng đang đi theo đúng quy trình này mà thôi.

"Các nhà lập pháp cần thiết lập giới hạn cho những ông lớn như Facebook, Google hay Amazon. Việc ngăn chặn họ bành trướng sẽ có lợi hơn cho nền kinh tế. Các thiết chế pháp lý và áp lực đủ mạnh sẽ buộc họ thay đổi mô hình kinh doanh theo hướng tôn trọng người dùng, tôn trọng sự minh bạch hơn", ông McNamee nhận định.

Trước đó, đầu tháng 1/2019, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng đã rà soát và phát hiện Facebook đang vi phạm pháp luật Việt Nam ở ba lĩnh vực lớn: Quản lý nội dung thông tin; Quảng cáo trên mạng bất hợp pháp và Trách nhiệm thuế với Việt Nam.

Châu An
Nguồn VnExpress