BIDV mà chơi với MU

Giới hâm mộ đã được thỏa nguyện khi diện kiến cựu thủ môn huyền thoại của Manchester United là Peter Schmeichel tại Việt nam. còn Schmeichel, ông tới đây vì chuyện làm ăn với một ngân hàng lớn của Việt Nam chứ không phải đi gặp fan. Là đại sứ của MU, ông đến Việt Nam ngày 24.4 để tham gia ký kết thỏa thuận hợp tác giữa MU và Ngân hàng Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Theo thỏa thuận này, BIDV sẽ có quyền sử dụng các tài sản thuộc sở hữu trí tuệ của MU như logo, hình ảnh, phim về cầu thủ và đội bóng để quảng bá cho sản phẩm thẻ tín dụng đồng thương hiệu BIDV-MU.

BIDV sẽ được sử dụng hình ảnh cầu thủ MU để quảng bá

Chi phí mà BIDV đã bỏ ra để có được cú bắt tay này không được tiết lộ nhưng “đó sẽ là chi phí không hề rẻ”, theo chia sẻ của ông Đỗ Hòa, Tổng Giám đốc Công ty IME Việt Nam, với NCĐT. Còn BIDV hy vọng rằng sau 3 năm có thể hoàn vốn và thu lời 2 năm sau thương vụ hợp tác với MU.

Sau khi ký kết với MU, thương hiệu BIDV đã xuất hiện rầm rộ không những trên các phương tiện truyền thông trong nước mà còn các trang báo thể thao nổi tiếng nước ngoài như Goal, Sportsnet, BankokPost, BBC, Intellasia.

Theo số liệu được công bố, số lượng người theo dõi MU tại Việt Nam hơn 25 triệu người. Ngoài ra BIDV còn có thể tiếp cận với 659 triệu khách hàng tiềm năng, là những người theo dõi MU trên toàn cầu.

Vì vậy, có thể thấy BIDV đã phần nào thành công về mặt hình ảnh, đặc biệt khi ngân hàng này đang có kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán vào một thời điểm nào đó từ đây đến 2014.

Việt Nam đứng trong top 10 nước có lượng người theo dõi Facebook của MU

Thế liệu người Việt Nam sẽ cảm thấy vui khi thấy biểu tượng một doanh nghiệp trong nước đi bên cạnh một câu lạc bộ nổi tiếng toàn cầu? Có thể. Nhiều người Việt Nam đã trầm trồ khi chứng kiến dòng chữ “HOANG ANH GIA LAI” xuất hiện trên bảng quảng cáo ở sân vận động Emirates nổi tiếng của Arsenal. Câu hỏi “Doanh nghiệp Việt Nam nào vậy?” cũng xuất hiện trong đầu các khán giả nước ngoài khi theo dõi trận đấu trên sân hay trên tivi. Đó là thắng lợi của bầu Đức.

Tuy vậy, trong việc hợp tác với các ông lớn như thế, các doanh nghiệp Việt Nam cũng nên học hỏi bài học về thương vụ hợp tác thất bại trong quá khứ. Thương vụ đình đám giữa Beeline và MU trước đây cũng kết thúc không có hậu khi Beeline được đổi tên thành Gmobile, sau khi đối tác Nga chuyển nhượng toàn bộ 49% cổ phần cho đối tác Việt Nam vào năm 2012, kết thúc cuộc phiêu lưu chưa đầy 3,5 năm tại đây. Còn câu chuyện hợp tác với MU sau này cũng không được đề cập đến.

Thêm vào đó, để có thể đạt được mong muốn, ngoài việc hợp tác với các thương hiệu lớn, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải có một chiến lược phát triển hài hòa, tổng thể. “Cần phải cân đong đo đếm cẩn thận về hiệu quả tài chính giữa chi phí bỏ ra và kết quả thu về. Một chiến lược quảng bá hình ảnh phải được đồng bộ với một chiến lược phát triển toàn cầu cụ thể, nếu không sẽ gây lãng phí”, ông Hòa nói.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư