Toan tính của ông Johnathan Hạnh Nguyễn khi bắt tay Apple

Sau khi cửa hàng Apple đầu tiên vận hành, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đang tìm mặt bằng ở Hà Nội để mở cửa hàng thứ hai.

Sáng 10/9, "Vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn đã chính thức cho vận hành cửa hàng kinh doanh Apple đầu tiên của IPPG. Đây động thái mở màn cho quyết định lấn sân kinh doanh hàng công nghệ của đơn vị chuyên kinh doanh hàng xa xỉ này.

Cửa hàng rộng 250 m2, tọa lạc tại Công xã Paris (quận 1, TP HCM), cạnh bên Bưu điện Thành phố. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn quyết định chọn mặt bằng đắc địa này để kinh doanh bán lẻ và dịch vụ sửa chữa chuẩn Apple (Apple Premium Reseller và Apple Service Provider) tại cùng một địa điểm.

Không ngại nhắc đến FPT và Thế Giới Di Dộng, ông chủ IPPG cho rằng mỗi nhà phân phối có một thị trường riêng ở Việt Nam, được Apple tính toán kỹ lưỡng và phân vai.

"FPT và Thế Giới Di Động là đối tác lâu đời của Apple. Cả hai đã có kinh nghiệm phát triển thị trường Apple tại Việt Nam. Trong đó, FPT là 'đàn anh". Họ có hệ thống phân phối đạt chuẩn cao cấp (Apple Premium Reseller) đã nhiều năm", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhận xét.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn trao đổi với khách tham quan cửa hàng sáng ngày 10/9. Ảnh: Viễn Thông.

Hiện Apple có 15 cửa hàng ủy quyền chính hãng tại Việt Nam. Riêng FPT Retail đã có 12 cửa hàng F.Studio chuyên doanh hàng Apple. Công ty cũng bán một số sản phẩm Apple trong hệ thống FPT Shop. Tương tự, Thế Giới Di Động bán trong hệ thống cửa hàng điện thoại và điện máy toàn quốc.

Ước tính, hai nhà bán lẻ này chiếm khoảng 80% doanh số Apple chính hãng ở Việt Nam. Trong đại hội cổ đông thường niên 2018, FPT Retail đặt mục tiêu mở thêm 100 cửa hàng F.Studio đến năm 2020.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói Apple chọn IPPG là đại lý cấp 1 tiếp theo vì muốn tìm một nhà phân phối 'thượng hạng', có uy tín kinh doanh hàng hiệu.

"Apple chọn đối tác nào, cho phân khúc nào là sự cân nhắc của họ. Họ chọn chúng tôi thì chúng tôi chỉ tập trung vào phân khúc của mình, làm tròn nhiệm vụ đã cam kết với họ. Đó là mục tiêu của chúng tôi. Mỗi nhà phân phối đều có phân khúc khác nhau", ông nói.

Có thể thấy, trong khi điện thoại, máy tính bảng, laptop của Apple được bán rộng rãi trong hệ thống FPT Shop, Thế Giới Di Động hay Điện Máy Xanh để tiếp cận phân khúc đại chúng khắp cả nước thì hệ thống F.Studio chỉ xuất hiện ở các trung tâm thương mại lớn, dải sản phẩm đầy đủ hơn.

Bên trong cửa hàng eDiGi đầu tiên. Ảnh: HoangHaMobile.

Riêng cửa hàng của IPPG đi theo hướng có phần cao hơn, với việc chọn các vị trí đắc địa nhất ở TP HCM và Hà Nội, cung cấp dải sản phầm đầy đủ và dịch vụ bảo hành sữa chữa tại chỗ. Cửa hàng mang phong cách như kinh doanh hàng xa xỉ, tương tự như cách 'Vua hàng hiệu' chọn mặt bằng trên phố Nguyễn Huệ cho các thương hiệu thời trang cao cấp mà ông mang về.

Ông chủ IPPG dự định mở cửa hàng Apple thứ hai ở Hà Nội. Tuy nhiên, tìm mặt bằng ưng ý không dễ. Ông cũng thừa nhận, với chi phí cao cho mặt bằng, vận hành đúng chuẩn, thì tỷ lệ lãi không cao.

"Những vị trí thế này rất đắc địa. Tỷ lệ lãi không nhiều vì giá cả đã theo ấn định của Apple. Nếu anh mang cửa hàng vào con hẻm nào đó để lấy doanh số mà danh tiếng thương hiệu không lên thì người ta không chọn mình. Mình phải chấp nhận chi phí cao, lợi nhuận thấp nhưng uy tín lớn", ông nói.

Tuy nhiên, ông Johnathan Hạnh Nguyễn tỏ ra lạc quan vì đang nhắm đến 40% thị phần hàng Apple xách tay, giá trị khoảng một tỷ USD ở Việt Nam. Ông cho rằng, lãi ban đầu thấp nhưng khi mở rộng quy mô, bán được sản lượng lớn thì số tiền thu về vẫn đáp ứng được mong muốn của công ty.

"Khách hàng tiềm năng của tôi là tất cả mọi người. Đó là những người muốn mua hàng chính hãng, đòi hỏi sự uy tín, liêm chính và bảo mật", ông nói.

Phiên An
Nguồn VnExpress