Nhượng quyền - những chuyển động bất ngờ

Nhượng quyền có lẽ là ngành trước giờ ít được giật tít vì những chuyển động có phần lặng lẽ. Tuy nhiên, mỗi khi tôi trình bày về đóng góp và chuyển động của ngành tại bất kỳ hội nghị quốc tế nào, đều nhận được phản ứng rất giống nhau, sự ngạc nhiên đầy đăm chiêu.

Ngạc nhiên, vì khả năng đóng góp cực lớn của ngành vào sự phát triển kinh tế quốc gia. Đăm chiêu, có lẽ vì tự hỏi làm sao để có thể sử dụng ngành nhượng quyền nhằm giải quyết bài toán mà bất kỳ quốc gia nào cũng một lòng canh cánh, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bất ngờ thứ nhất: Đóng góp GDP ngoạn mục

Ở các quốc gia có ngành nhượng quyền phát triển, mức đóng góp của nó là từ 5-10% GDP. Tại Mỹ, cái nôi của ngành, con số này khoảng 5,1%. Đối với nền kinh tế hiện đang dẫn đầu thế giới về độ lớn, với tổng giá trị kinh tế 20.400 tỉ đô la Mỹ (nguồn: IMF, 2018), mức 5,1% là tỷ lệ đóng góp không thể làm ngơ cho được. Mức đóng góp của ngành nhượng quyền vào GDP quốc gia còn ngoạn mục hơn tại Canada với 10%, Úc là 9%, Nam Phi 9,7%.

Ở châu Á, nhượng quyền phát triển mạnh nhất tại Hàn Quốc với mức đóng góp vào GDP là 7,8%, Malaysia 6,3%, Philippines 5%, Singapore 3%. Đối với Malaysia, ngành nhượng quyền được chính phủ nước này lựa chọn như một chiến lược dài hạn để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, bằng cách xuất khẩu mô hình và thương hiệu thay vì xuất khẩu hàng hóa và sản phẩm. Do đó, kế hoạch của Malaysia đến năm 2020 là đẩy mạnh tỷ lệ đóng góp của nhượng quyền vào GDP cả nước lên đến 9,4%.

Nếu nhìn vào những đóng góp trên đây, không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của ngành nhượng quyền đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, chúng ta hầu như ít nghe nhắc đến ngành này trong các báo cáo về chiến lược phát triển kinh tế quốc gia, đặc biệt là hầu như hoàn toàn không được nhắc đến tại Việt Nam. Lý do rất đơn giản: vì nhượng quyền không phải là một ngành công nghiệp cụ thể, mà là một hình thức được sử dụng để phát triển kinh doanh.

Vì là hình thức phát triển kinh doanh, nhượng quyền không được cân đo đong đếm cụ thể về giá trị nếu quốc gia không chủ ý thu thập số liệu. Ngược lại, vì là hình thức phát triển kinh doanh, nhượng quyền có thể được áp dụng trong bất kỳ ngành nghề nào như một trong những chiến lược phát triển thị trường, tại thị trường nội địa và đặc biệt là thị trường quốc tế. Sự trải dài đó chính là lý do vì sao ngành nhượng quyền đóng vai trò quan trọng và mang lại những đóng góp to lớn như thế đối với kinh tế quốc gia.

Bất ngờ thứ hai: Công cụ chiến lược phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Khu vực kinh tế tư nhân có ảnh hưởng lớn nhất đến kinh tế quốc gia. Hầu như quốc gia nào cũng có tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 90% tổng số doanh nghiệp. Tại Mỹ, tỷ lệ này là 99%, tại Canada 97,9%, Úc 97%, Hàn Quốc 99%, Malaysia 98,5%, Singapore 99%. Con số này tại Việt Nam là 98%.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa bị giới hạn rất lớn về nguồn lực tài chính, nhân lực, và khả năng phát triển quốc tế. Việc vay mượn nguồn lực xã hội để phát triển đương nhiên trở thành chiến lược phát triển phù hợp, hiệu quả và bền vững nhất. Nhắc đến chữ bền vững là nhắc đến sự phát triển tự thân, để doanh nghiệp còn mang đúng vị thế là doanh nghiệp quốc gia, và khi phát triển quốc tế sẽ mang lại những nguồn thu đóng góp cho kinh tế nước nhà. Nếu không tự thân phát triển, mà phát triển thông qua con đường mua bán sáp nhập công ty, gần 100% khả năng là doanh nghiệp phải thay đổi “quốc tịch”, ruột Việt Nam nhưng “passport” quốc tế. Và vì vậy, sự đóng góp kinh tế của thương hiệu gốc Việt là đóng góp cho kinh tế nước ngoài.

Nhượng quyền, do tính chất hỗ trợ phát triển giá trị cộng thêm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có ý nghĩa như thế, nên việc xuất khẩu mô hình và thương hiệu thay vì xuất khẩu hàng hóa và sản phẩm vô hình trung đóng góp rất lớn vào sự chuyển đổi kinh tế sản xuất sang kinh tế dịch vụ, kinh tế tri thức với giá trị xuất khẩu cao gấp nhiều lần. Vì vậy, đây cũng là ngành được chính phủ các quốc gia sử dụng nhiều nhất để xây dựng thương hiệu quốc gia và xây dựng doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tại các thị trường phát triển về nhượng quyền, trung bình số lượng thương hiệu nội địa đóng góp cho ngành dao động từ 80-90%, nghĩa là số lượng thương hiệu nhập khẩu đâu đó chỉ chiếm 10-20%. Đó cũng là lý do vì sao nhiều quốc gia như Mỹ, Úc, Mexico, Nam Phi, Philippines, Singapore, Malaysia, và gần đây là Indonesia và Trung Quốc đều có chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa qua hình thức nhượng quyền.

Tại Malaysia chẳng hạn, nơi tác giả là cố vấn cho chương trình phát triển doanh nghiệp quốc tế qua hình thức nhượng quyền, chính phủ đầu tư 2,5 triệu đô la Mỹ vào chương trình hỗ trợ xây dựng nội lực, mô hình nhượng quyền cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp sử dụng các nhà tư vấn, cố vấn để xây dựng mô hình và thương hiệu nhượng quyền quốc tế được chính phủ hỗ trợ hoàn trả 80% phí tư vấn. Còn quỹ cho vay phát triển nhượng quyền quốc tế của quốc gia này cho phép doanh nghiệp vay tín chấp đến 80% ngân sách phát triển với lãi suất bằng không hoặc gần không.

Tại Việt Nam, ngành nhượng quyền ít được chú ý, có lẽ do hiểu biết và kinh nghiệm chưa dày về tác động của ngành. Tuy nhiên, nếu đây đã là ngành chiến lược được sử dụng hiệu quả để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tại nhiều quốc gia trên thế giới, thiết nghĩ Chính phủ cũng nên có sự quan tâm.

Bất ngờ thứ ba: Nhượng quyền với kinh tế chia sẻ và sáng tạo

Từ trước đến nay, do sự xuất hiện ồ ạt của các thương hiệu nhượng quyền ẩm thực như McDonald’s, Pizza Hut, Domino’s, hay Burger King, nhượng quyền thường được gán ghép như cách kinh doanh của ngành ẩm thực. Điều này hoàn toàn sai, vì nhượng quyền là hình thức phát triển kinh doanh được sử dụng trong tất cả các ngành. Những ngành hàng đầu sử dụng nhượng quyền để phát triển năm 2017, ngoài ẩm thực còn có bán lẻ, địa ốc, dịch vụ cá nhân, dịch vụ doanh nghiệp, dịch vụ lưu trú, dịch vụ khu thương mại, nhà ở, và dịch vụ ngành ô tô. Đến năm 2017, tỷ lệ đóng góp của ẩm thực vào ngành nhượng quyền khoảng 49%, trong đó 5% là sự đóng góp của mô hình thức ăn nhanh tại các chi nhánh của ngành bán lẻ như cửa hàng tiện lợi. Điều này cho thấy sự tham gia sâu của nhượng quyền vào nhiều ngành nghề kinh doanh đa dạng.

Từ năm năm trở lại đây, do sự phát triển của kinh tế dịch vụ, kinh tế chia sẻ, kinh tế sáng tạo, tỷ lệ mô hình mới ra đời trong ngành nhượng quyền nghiêng về phía các mô hình dịch vụ như giáo dục, phát triển kỹ năng cá nhân, dịch vụ chăm sóc y tế và sắc đẹp, dịch vụ giải trí, dịch vụ sửa chữa bảo trì, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Sự lên ngôi của kinh tế trải nghiệm, đáp ứng nhu cầu mua trải nghiệm của thế hệ người tiêu dùng thiên niên kỷ (millennial - những người sinh sau năm 1980-2000) và thế hệ Z (những người sinh từ năm 1996 trở về sau), đã tác động đến các mô hình dịch vụ cho thuê, kết nối nguồn lực có sẵn chứ không sản xuất mới thành sản phẩm và hàng hóa nữa. Các dịch vụ cho thuê đồ thời trang, thuê trang thiết bị gia dụng và doanh nghiệp, thuê đồ gỗ gia dụng, thuê phương tiện di chuyển... ngày càng chiếm số đông các thương hiệu tham gia triển lãm tại các sự kiện triển lãm nhượng quyền lớn trên thế giới.

Một chuyển động bất ngờ hơn nữa, là sự tham gia của ngành nhượng quyền vào kinh tế sáng tạo. Các nền tảng công nghệ, game điện thoại, app dịch vụ, nền tảng thương mại điện tử... đều có thể phát triển qua hình thức cấp phép, nhượng quyền. Chuyển động của ngành bán lẻ về tiếp cận đa kênh cũng đẩy nhanh tiến trình tham gia của nhượng quyền vào ngành e-commerce (thương mại điện tử).

Ba chuyển động bất ngờ trên có thể nói là ba ngôi sao xếp thẳng hàng để tạo ra tác động và đóng góp rất lớn của ngành nhượng quyền đối với kinh tế Việt Nam.

Đứng từ góc độ phát triển kinh tế qua việc phát triển doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia vươn tầm quốc tế, từ yêu cầu cấp thiết phải xây dựng nội lực khối kinh tế tư nhân trước sự đổ bộ ào ạt của doanh nghiệp nước ngoài, từ việc đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao giá trị các startup (khởi nghiệp) tiềm năng của Việt Nam ra thị trường khu vực và quốc tế, nhượng quyền đều có vai trò nền tảng và quan trọng của nó.

Công cụ luôn luôn có. Tuy nhiên, việc sử dụng công cụ ấy thế nào còn tùy thuộc vào tư duy và cách tiếp cận của những người mang trách nhiệm.

Nguyễn Phi Vân - Đồng sáng lập World Franchise Associates
Nguồn Thời báo kinh tế Sài Gòn