Hành trình doanh nghiệp: Cột mốc mới ở Vinamilk

Nhà máy sữa bột của Vinamilk vừa được khai trương ngày 22-4-2013 là một sự kiện mang tính cột mốc trên hành trình thực hiện mục tiêu doanh số 3 tỉ đô la Mỹ vào năm 2017, và trở thành một trong 50 doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới.

Một chặng đường dài

Nhà máy mới của Vinamilk là kết quả của một chặng đường chuẩn bị khá kỹ lưỡng. Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk, nhớ lại quãng thời gian gần 40 năm trước, khi tiếp quản nhà máy cũ do Nestle để lại. Lúc ấy, trong vô vàn khó khăn: máy móc bị hư hỏng rất nhiều, phụ tùng không có để thay thế, nguồn nguyên liệu không biết xoay xở ở đâu... Phương án phục hồi nhà máy bằng việc thuê các chuyên gia nước ngoài thì quá tốn kém khi chi phí lên đến 3 triệu đô la Mỹ - một con số khổng lồ vào thời đó. Sau những mày mò nghiên cứu, các chuyên gia và kỹ sư Việt Nam quyết định tự sửa chữa, và với chi phí chỉ khoảng 200.000 đô la Mỹ, năm 1988, nhà máy sữa bột Dielac hoạt động trơn tru.

Nhưng khi những sản phẩm sữa đầu tay được sản xuất ra, bà Liên chứng kiến cảnh những chiếc xe tải nhỏ của công ty chở hàng đi chào khắp nơi nhưng... không bán được! Không ai mua vì chẳng ai tin sữa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Chẳng trách được vì đã từ rất lâu, người tiêu dùng trong nước chỉ biết đến sữa ngoại. Mà khi đó, cũng chẳng có ai nghĩ đến các "chiêu" tiếp thị hay quảng cáo gì cả. Chuyện làm sao thuyết phục người tiêu dùng thật không dễ dàng.

Vinamilk được thành lập từ năm 1976 trên cơ sở tiếp nhận hai nhà máy có trước năm 1975 là Nhà máy Sữa Thống Nhất và Nhà máy Sữa Trường Thọ, và sau đó là nhà máy sữa bột Dielac (Nestle cũ).

Tốc độ tăng trưởng bình quân của Vinamilk trong năm năm gần đây là 30%/năm, riêng năm 2012 là 23%. Năm 2013, Vinamilk dự kiến doanh thu đạt 32.500 tỉ đồng, tăng 20% so với 2012, lợi nhuận sau thuế 6.230 tỉ đồng, tăng 7%.

Vinamilk hiện có 17 đơn vị trực thuộc và một văn phòng chính với khoảng 5.000 lao động. Giá trị vốn hóa trên thị trường: 5 tỉ đô la Mỹ.

Vinamilk đã vượt qua những rào cản thị trường bằng chiến lược bền bỉ lấy chất lượng và giá cả làm đầu. Bên cạnh đó, những thay đổi về tư duy quản trị cùng chiến lược con người và nỗ lực đầu tư lớn đã từng bước đưa Vinamilk lên ngôi vị số 1 trên thị trường và có những bứt phá mạnh mẽ.

Bà Liên nhớ lại một dấu son khác. Đó là vào năm 1997, ông Nguyễn Tấn Dũng, khi đó còn là Phó thủ tướng, đã chỉ đạo và đặt nền móng cho việc Vinamilk sẽ có sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài. Cũng chính năm đó, sản phẩm của Vinamilk bắt đầu xuất ngoại. Đến nay, sản phẩm Vinamilk đã có mặt tại 26 quốc gia với tổng kim ngạch xuất khẩu cộng dồn được hơn 1,3 tỉ đô la Mỹ, 70% trong đó là từ sữa bột.

Ngày khai trương nhà máy mới của Vinamilk vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tự tay cắt băng khánh thành với một kỳ vọng mới về sự phát triển ngành công nghiệp chế biến sữa mà Vinamilk là một đầu tàu quan trọng trong chiến lược đó.

Những mục tiêu mới

Năm 2012, bất chấp khó khăn của nền kinh tế, Vinamilk vẫn bứt phá mạnh mẽ với kỷ lục tiêu thụ 4 tỉ sản phẩm, doanh thu lên tới hơn 27.000 tỉ đồng (khoảng 1,3 tỉ đô la Mỹ), tăng 23% so với năm trước. Dù các nhà máy của Vinamilk đã chạy hết công suất, nhưng theo bà Liên, hàng vẫn thiếu trước hụt sau, thất thu doanh số mỗi ngày từ 3-5 tỉ đồng do thiếu hàng bán!

Nhà máy sữa bột trẻ em mới khai trương là một nhân tố quan trọng trong mục tiêu doanh thu 32.500 tỉ đồng năm 2013 của Vinamilk. Đây cũng là sự kiện mang tính cột mốc trên hành trình vươn tới doanh số 3 tỉ đô la Mỹ năm 2017. Chưa hết, một nhà máy sữa nước trị giá hơn 100 triệu đô la Mỹ, sử dụng công nghệ tiên tiến hàng đầu trên thế giới, cũng sắp sửa đi vào vận hành, sẽ là một "quân bài" quan trọng của Vinamilk trên con đường chinh phục thị trường sữa thế giới.

Theo bà Liên, mục tiêu của Vinamilk là đưa công ty trở thành tập đoàn sản xuất sữa lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Để làm được điều đó, Vinamilk đang đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, đưa các thiết bị mới nhất vào quá trình sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm đạt chất lượng quốc tế, cạnh tranh sòng phẳng với các nhãn hiệu sữa nổi tiếng trên thế giới. Hiện tại, Vinamilk đã được xếp ở vị trí thứ 53 trong số các công ty sữa lớn nhất thế giới.


Ở thị trường trong nước, Vinamilk đang chiếm 70% thị phần sữa đặc, 90% thị phần sữa chua, gần 50% thị phần sữa tươi và khoảng 30% thị phần sữa bột. Những con số này cho thấy hãng đang ở vị thế dẫn dắt thị trường. Nhưng theo bà Liên, công ty đã không sử dụng lợi thế đó để nâng giá mà ngược lại, góp phần bình ổn cho mặt hàng thường xuyên biến động giá này ở thị trường Việt Nam.

Vinamilk hiện có 11 nhà máy trong nước đang chạy hết công suất. Công ty cũng sắp đưa vào vận hành một "siêu nhà máy" sữa nước (đã nhắc tới ở trên) có công suất "bằng chín nhà máy hiện tại của công ty cộng lại". Vinamilk cũng đã góp vốn xây dựng nhà máy ở New Zealand, điều mà theo bà Liên, là một con đường ngắn để biến ước vọng thành hiện thực. Công ty cũng vừa nhận được giấy phép đầu tư một nhà máy sữa tại Campuchia, nơi mỗi năm công ty xuất sang một lượng hàng trị giá 40-50 triệu đô la Mỹ. Với mức tiêu thụ này, đây là thị trường "đủ để xây một nhà máy ở đó". Cũng theo bà Liên, ngay từ đầu năm, Vinamilk đã hoàn tất ký hợp đồng xuất khẩu trị giá 230 triệu đô la Mỹ cho cả năm 2013, tăng 50 triệu đô la Mỹ so với năm ngoái.

Nền tảng thành công của một doanh nghiệp là một chuỗi, từ sản phẩm chất lượng có giá cả phải chăng đến yếu tố con người và tư duy quản trị hiện đại. Ở Vinamilk đang có những yếu tố này. "Công nghệ có thể cao, máy móc có thể hiện đại, con người có thể giỏi, song chỉ những ai biết áp dụng một cách khôn ngoan, sáng tạo thì mới thành công", bà Liên nói.

Nhà máy sữa bột trẻ em của Vinamilk có tổng vốn đầu tư gần 100 triệu đô la Mỹ, công suất thiết kế 54.000 tấn sữa bột/năm, được xây dựng trên diện tích 60.000 mét vuông tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, tỉnh Bình Dương. Nhà máy đạt tiêu chuẩn quốc tế cao nhất trong ngành sữa. Các trang thiết bị máy móc được nhập đồng bộ từ các nhà sản xuất hàng đầu trên thế giới. Toàn bộ hệ thống vận hành của nhà máy được thiết kế thành một dây chuyền khép kín, tự động hóa hoàn toàn từ khâu chế biến đến đóng lon, đóng thùng và chất lên các tấm palette.

Công suất 54.000 tấn/năm của nhà máy đủ đáp ứng trên 80% nhu cầu thị trường sữa bột trong nước, ngành hàng mà Vinamilk đang chiếm 30% thị phần. Theo kế hoạch 2013 của Vinamilk, khoảng 30.000 tấn sữa bột sản xuất ở nhà máy này dành để xuất khẩu, đóng góp 180 triệu đô la Mỹ trong tổng số 230 triệu đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu cả năm của công ty. Đặc biệt, 10.000 lon sữa đầu tiên, tổng trị giá 1 tỉ đồng, sẽ được tặng cho trẻ em nghèo, khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam. Nhà máy cũng giải quyết khoảng 340 việc làm.

Nguồn Chiến lược Marketing