Thương mại điện tử Việt Nam: Các "ông lớn" cạnh tranh khốc liệt

Hệ sinh thái của các công ty thương mại điện tử dẫn dắt thị trường ngày càng phình to. Công cụ để thực hiện chiến lược này là những cuộc mua bán - sáp nhập, mở rộng mạng lưới hàng hóa và đầu tư vào marketing cũng như liên kết đa kênh trên thị trường khu vực.

Bệ đỡ từ các "ông lớn"

Ngày 18/6, Google công bố khoản đầu tư 550 triệu USD vào JD.com - công ty thương mại điện tử do Tencent hậu thuẫn. Google công bố sẽ đẩy mạnh mảng thương mại điện tử, cùng với JD.com phát triển các giải pháp bán lẻ tại Đông Nam Á, Mỹ và châu Âu.

Việc hợp tác này sẽ kết hợp chuyên môn của JD.com trong chuỗi cung ứng và hậu cần với công nghệ của Google để thử nghiệm những thay đổi về cách thức mua sắm trực tuyến. "Chúng tôi hợp tác về các giải pháp mới cho hệ sinh thái bán lẻ, cung cấp trải nghiệm mua sắm có tính cá nhân hóa", đại diện Google chia sẻ.

Tencent - ông chủ của Wechat cũng là nhà đầu tư tại VNG - công ty trong nước hậu thuẫn cho mạng thương mại điện tử Tiki.vn, trong khi JD.com mới đây đã trở thành đơn vị dẫn đầu nhóm đầu tư rót vốn chi phối tại Tiki.vn của Việt Nam. Trong hệ sinh thái mà JD.com phát triển, bên cạnh Tiki.vn, đã cùng Google tài trợ cho ứng dụng gọi xe Go-Jek của Indonesia - một đối thủ mạnh tại Đông Nam Á vừa vào thị trường Việt Nam gần đây.

Trong khi đó, ngày 19/6, SEA Limited phát đi thông cáo hoàn thành việc chào bán cổ phiếu thu về 575 triệu USD. SEA sẽ mở rộng kinh doanh với trọng tâm là phát triển nền tảng thương mại điện tử Shopee. "Với nguồn vốn bổ sung này, chúng tôi tiếp tục nắm bắt cơ hội tăng trưởng, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử đang có triển vọng cao và Shopee là một trong những công ty dẫn đầu khu vực", đại diện SEA cho biết.

Tiền thân của SEA là Garena có mặt tại Việt Nam khoảng 10 năm trước và "hái ra tiền" với trò chơi trực tuyến. Trong vòng 2 năm, hàng loạt cuộc thâu tóm đã mở rộng hệ sinh thái của SEA, với nguồn đầu tư sở hữu trang tìm kiếm địa điểm ẩm thực Foody.vn - bao gồm các dịch vụ liên quan như giao đồ ăn Now.vn, phần mềm quản lý cửa hàng FoodyPOS.vn và dịch vụ đặt bàn TableNow.vn. SEA cũng mở rộng mảng thanh toán hỗ trợ qua hợp tác với VNPay.

Kết quả kinh doanh quý I của SEA có doanh thu từ Shopee đạt 197 triệu USD, tăng 81% so với cùng kỳ 2017. Shopee tăng trưởng mạnh về tổng giá trị hàng hóa và doanh số ở mỗi thị trường, đồng thời giảm chi phí bán hàng và tiếp thị từ 135 triệu USD của quý IV/2017 xuống còn 127 triệu USD quý I/2018. Tổng giá trị hàng hóa quý I đạt 1,9 tỷ USD so với mức quý I/2017 là 648 triệu USD. Tổng số đơn đặt hàng trong quý hơn 111 triệu USD, tăng 217,4% so với quý I/2017.

JD.com với kết quả tài chính quý I có doanh thu thuần 216 tỷ USD, tăng 33% so với quý 1/2017 và doanh thu dịch vụ ròng 1,4 tỷ USD, tăng 60%. Tài khoản khách hàng hoạt động với 301,8 triệu tính đến 31/3/2018, so với quý I/2017 là 236,5 triệu. Theo Richard Liu - Chủ tịch JD, kinh doanh thương mại điện tử là mảng cốt lõi, đạt kết quả cao trong quý đầu tiên. "JD tiếp tục tập trung xây dựng năng lực công nghệ để nâng cao trải nghiệm của khách hàng", ông Liu cho biết.

Cho dù các công ty thương mại điện tử trong khu vực liên tục báo lỗ, dòng tiền vẫn tiếp tục đổ vào khai phá. Năm 2015, Alibaba bỏ 1 tỷ USD thâu tóm Lazada và đầu năm 2018 công bố đầu tư thêm 2 tỷ USD vào Lazada trong mục tiêu đầu tư 4 tỷ USD trong vòng 2 năm cho công ty thương mại điện tử này nhắm giữ vững vị thế số 1 Đông Nam Á. Nguồn tiền vẫn liên tục đổ vào khu vực này để tăng tốc chiếm lĩnh thị trường, đầu tư vào các dịch vụ hỗ trợ, từ thanh toán đến giao nhận vận chuyển.

Cuộc đua "tam mã"

Tiki xuất phát từ mô hình bán lẻ hàng hóa (online retailer) đã dịch chuyển sang mô hình chợ trực tuyến (marketplace) kể từ năm ngoái. Họ công bố hơn 13 triệu lượt truy cập hằng tháng với tỷ lệ hủy đơn hàng dưới 3%, thấp nhất trên thị trường, đảm bảo kiểm soát chất lượng hàng hóa. Trong khi Shopee là đại diện cho nền tảng thương mại trên di động, sau gần 2 năm có mặt tại Việt Nam, công bố đạt 18 triệu lượt download ứng dụng Shopee. Hiện Shopee có khoảng 7 triệu mặt hàng bày bán và khoảng 800.000 người bán hàng.

Lazada với sự hậu thuẫn của Alibaba vừa công bố kết nối mạng lưới hơn 155.000 nhà bán hàng với hơn 3.000 thương hiệu và hơn 300 triệu sản phẩm thuộc nhiều ngành hàng để phục vụ 560 triệu khách hàng Đông Nam Á trên nền tảng sàn giao dịch (marketplace) cùng các giải pháp marketing, dữ liệu số và nhiều dịch vụ thương mại khác.

Theo ông Nguyễn Mạnh Dũng - trưởng đại diện Quỹ Đầu tư CyberAgent, hiện tại tổng quan thị trường thương mại điện tử cho thấy các "tay chơi" đã tách thành nhóm với Lazada, Tiki và Shopee đang ở top đầu của đường đua với mỗi công ty dần định hình theo cách riêng.

Các công ty thuộc top đầu phần lớn đã hình thành cụm nhà đầu tư hỗ trợ: Lazada có Alibaba, Shopee với công ty mẹ SEA. Vì tiềm năng của thương mại điện tử Việt Nam, nhóm các nhà đầu tư gia nhập thị trường sau đã chọn Tiki. Đây là cách duy nhất để họ gia nhập thị trường bởi Lazada hay Shopee đã "có chủ".

Ông Dũng nhận định: "Sắp tới, 'cuộc đua tam mã' vẫn là yếu tố trụ của thị trường, cùng với một vài công ty đang bám sau như Sendo, Lotte, Co.op, Adayroi, nhưng Lazada, Tiki và Shopee có cơ hội lớn để bứt phá bởi dòng tiền vào 3 công ty này ngày càng nhiều. Sự cạnh tranh thúc đẩy thị trường lớn nhanh hơn và người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều hơn".

Theo bà Trương Tố Linh - Giám đốc Điều hành iFind.vn, với dòng tiền nhà đầu tư đổ vào và vai trò chi phối của JD.com, Tiki bắt đầu "chắc chân" trong top đầu nên đã mạnh tay quảng cáo và năng động hơn trong chiến lược marketing, tuy nhiên cần thêm thời gian để "đấu" với Lazada vì hiện tại chưa phải là giai đoạn tối ưu chi phí, nên việc "lỗ theo kế hoạch" như những năm qua là tất yếu với các công ty thương mại điện tử.

Thời gian qua cho thấy Tiki tuyển nhân sự ồ ạt, mở đội ngũ xây dựng các kênh riêng và mở ra nhiều kênh dịch vụ, từ bán bảo hiểm, vé máy bay, voucher ăn uống, du lịch đến dịch vụ mua giúp hàng từ nước ngoài (Tiki Global).

Trong khi hệ sinh thái của Adayroi, Lotte, Coop, Aeon, Robin hay Thế Giới Di Động đang được xây dựng dựa vào nền tảng hàng hóa bán lẻ trực tiếp, mặc dù không dẫn dắt thị trường nhưng đang tạo thành một phân khúc cạnh tranh khó lường. Môi trường bán lẻ đa kênh đang trở thành xu thế tất yếu, các doanh nghiệp sáng tạo sẽ tìm cách bứt phá.

Cũng theo bà Linh, thực tiễn thị trường cho thấy nhiều doanh nghiệp lớn đã lập kênh riêng, xây dựng đội ngũ chuyên trách để làm việc với các công ty thương mại điện tử. Các công ty thương mại điện tử lớn hiện chuyển đổi thành kênh bán hàng tích hợp với các phần mềm và dịch vụ tạo ra sự linh hoạt và hỗ trợ đa kênh.

"Điều này cho thấy thị trường bán hàng truyền thống đang cạnh tranh rất khắc nghiệt và việc đầu tư kênh trực tuyến là một xu thế rõ rệt. Các doanh nghiệp năng động và có tiềm lực hơn đang đi trước, các doanh nghiệp nhỏ hơn đang xoay xở chủ yếu trên Facebook", bà Linh nhận xét.

Tuyết Ân - Hoàng Duy
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn