Người Thái và cuộc "chinh chiến" trên thị trường Việt

Đứng thứ 10 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam nhưng các "đại gia" Thái Lan đã chiếm giữ nhiều lĩnh vực quan trọng như hóa dầu, thực phẩm và thức uống (F&B), bán lẻ,...

Thông qua các thương vụ M&A cùng xúc tiến thương mại, làn sóng đầu tư từ Thái Lan không ngừng gia tăng, và cùng với đó, hàng hóa Thái vào thị trường Việt Nam ngày càng nhiều.

"Tăng tốc" trên đất Việt

Tính đến đầu tháng 5/2018, đã có gần 10 doanh nghiệp Việt Nam bị 3 doanh nghiệp Thái thâu tóm.

Trong đó, Siam Cement Group (SCG) do ông Roongrote Rangsiyopash làm chủ tịch kiêm giám đốc điều hành đã mua đến 3 thương hiệu lớn của Việt Nam là Nhựa Bình Minh, Nhựa Tín Thành và Công ty Prime.

“Khẩu vị” của SCG tại Việt Nam tương đối rõ ràng, khi nhắm tới toàn bộ các doanh nghiệp đầu ngành. Tại Việt Nam, SCG đã thực hiện hơn 20 thương vụ M&A ở nhiều lĩnh vực, có đến 23 công ty con đang hoạt động tại Việt Nam với khoảng 8.300 nhân viên.

Trong lĩnh vực công nghiệp, cuối năm 2012, SCG đã chi 5.000 tỷ đồng để sở hữu 85% cổ phần Công ty Prime - một doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất gạch lát, gốm (chiếm 30% thị phần cả nước). Hiện tại, thương hiệu này đã hoàn toàn thuộc về SCG khi mới đây đã chi thêm 1.400 tỷ đồng để sở hữu số cổ phần còn lại.

SCG đã thực hiện hơn 20 thương vụ M&A ở nhiều lĩnh vực tại Việt Nam.

Trước Prime, năm 2008, SCG cũng đã đầu tư vào Tổ hợp hóa dầu Long Sơn do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thành lập. Từ số vốn ban đầu 3,7 tỷ USD, đến nay vốn đầu tư vào Long Sơn đã lên 5,4 tỷ USD, trong đó SCG chiếm 71%, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chiếm 29%.

Năm 2015, SCG chi khoảng 1.000 tỷ đồng để sở hữu 80% cổ phần Công ty Bao bì nhựa Tín Thành (Batico). Đây là một trong 5 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực bao bì với công suất đạt 230 triệu m2/năm.

Tháng 3/2018, SCG tiếp tục chi 2.330 tỷ đồng để nâng tỷ lệ cổ phần từ 29,52% lên 50,9% tại Công ty CP Nhựa Bình Minh - công ty sản xuất 140.000 tấn đồ nhựa/năm, lãi ròng 500 tỷ đồng/năm.

Ngoài việc thâu tóm thành công nhiều doanh nghiệp đầu ngành tại Việt Nam, người Thái còn đang sở hữu vốn cổ phần tại hàng loạt doanh nghiệp lớn có vốn Nhà nước.

Hiện tại, doanh nghiệp của tỷ phú Charoen là Tập đoàn F&N đang nắm giữ tổng cộng 19,06% vốn Công ty cổ phần Sữa Việt Nam – Vinamilk (mã chứng khoán VNM), thông qua 2 pháp nhân F&N Bev Manufacturing và F&N Dairy Investments. Số cổ phần do F&N nắm giữ tại đây hiện có giá thị trường tới hơn 52.000 tỷ đồng.

Một đơn vị khác là Vietnam Beverage (thuộc Thái Bev) cũng đã đã chi ra 110.000 tỷ đồng để sở hữu 53,59% cổ phần tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Bằng việc mua tỷ lệ cổ phần chi phối tại Sabeco, đại gia Thái này đã chiếm được thị trường bia Việt Nam khi Sabeco chiếm đến 41% thị phần bia cả nước với mức lãi ròng 5.000 tỷ đồng mỗi năm. Thông qua 2 pháp nhân là F&N Bev Manufacturing và F&N Dairy Investments, đơn vị này sở hữu 19,06% cổ phần tại Vinamilk. Với giá thị trường hiện tại, số cổ phần này trị giá hơn 52.000 tỷ đồng.

F&N Dairy Investments sở hữu 19,06% cổ phần tại Vinamilk.

Trong ngành bán lẻ, TCC Group cũng tỏ ra khá hứng thú khi từ năm 2016 đã thực hiện một thương vụ lớn trong ngành bán lẻ Việt Nam. Để sở hữu 19 trung tâm phân phối của Metro Cash & Carry Việt Nam, Berli Jucker (BJC) thuộc TCC Group đã chi 655 triệu Euro (tương đương 879 triệu USD). Năm 2012, BJC cũng đã sở hữu 65% cổ phần Tập đoàn Phú Thái, trong đó có hệ thống cửa hàng tiện lợi Bmart. Tại Việt Nam, Phú Thái là một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối tại khu vực phía Bắc với hàng chục công ty thành viên.

Một doanh nghiệp khác là Central Group do Tos Chirathivat làm Tổng giám đốc điều hành đã liên tục thâu tóm thương hiệu Big C Việt Nam và Nguyễn Kim. Tại Nguyễn Kim, Central Group đã chi 200 triệu USD để sở hữu 49% tại Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và Giải pháp mới NKT - đơn vị sở hữu hệ thống trung tâm mua sắm Nguyễn Kim.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, CP Group của tỷ phú Dhanin Chearavanont có mặt tại Việt Nam từ năm 1990 với thương hiệu CP Việt Nam. Công ty đã liên tục mở rộng quy mô đầu tư, và đến nay đã có 9 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản ở các tỉnh. Bên cạnh đó, CP Việt Nam còn tham gia thị trường với trứng, thịt gia cầm.

Tháng 3/2018, Hemaraj Group đã khởi công xây dựng KCN WHA Hemaraj Nghệ An với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD, dự kiến hoàn thành vào năm 2030. Đây là nhà phát triển hạ tầng KCN hàng đầu với hơn 30 năm kinh nghiệm và đã phát triển 7.400ha đất công nghiệp tại Thái Lan với vốn đầu tư lên đến 30 tỷ USD.

CP Group đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1990.

Doanh nghiệp Việt và bài toán cạnh tranh

Có thể nói, việc người Thái nắm giữ những ngành hàng chính như tiêu dùng, bán lẻ trong bối cảnh thị trường nội địa Việt Nam đang phát triển nhanh, người tiêu dùng đang gia tăng chi tiêu, thì sẽ là thách thức với doanh nghiệp Việt Nam.

Dưới góc nhìn của một người gắn bó nhiều năm với các DN Việt Nam, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch hội Hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có những tiến bộ đáng mừng. Nhiều sản phẩm của DN Việt đã được người Việt ưa chuộng, nhưng rất cần so sánh với các nước trong khu vực ASEAN, sản phẩm của họ mình không thể xem nhẹ.

“Chúng ta đang trong cuộc vận động, trong khi người Thái cách đây hơn 2 năm đã tập hợp 4 lực lượng chính để tập trung tiến vào thị trường Việt Nam - Lào - Campuchia - Myanmar, các DN phân phối của Thái Lan thì tập trung vào thị trường Việt Nam”, bà Hạnh cho biết.

Còn theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, doanh nghiệp Việt Nam muốn hay không phải thay đổi cách thức cạnh tranh, không thể cạnh tranh giá rẻ, không an toàn. Bây giờ chẳng ai dám ăn thực phẩm không an toàn, làm theo cách cũ không thể thắng được đâu. Các nước nhỏ hơn như Campuchia bây giờ cũng thắng cả Việt Nam về gạo sạch rồi.

“Nhà nước, các nhà sản xuất phải thay đổi về tư duy, cách nghĩ, thị trường. Các sản phẩm có khả năng cạnh tranh bằng thương hiệu, là thương phẩm chứ không phải sản phẩm nữa. Phải thiết thực quan sát thị trường kể cả nội địa để áp dụng công nghệ, sáng tạo để nâng cấp sản phẩm, đừng mơ mộng quá sẽ làm những sản phẩm công nghệ cao hơn các nước tiên tiến. Cách VINFAST nhảy vào làm ô tô chẳng hạn, phải rất lớn rất mạnh về tiềm lực kinh tế, bắt tay với các thương hiệu toàn cầu, sản xuất dòng ô tô khác mới làm được, còn sản xuất tương tự như các dòng ô tô khác bán ở Việt Nam thì không làm được đâu”, bà Chi Lan nói.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có những tiến bộ đáng mừng.

Bà Lan nói thêm: Để đánh bại hàng Thái, còn phải một quá trình từ nhận thức đến hành động chính sách rồi năng lực của các nhà sản xuất. Chừng nào chất lượng hàng Việt tốt, các nhà sản xuất hàng Việt chú tâm là chất lượng, liên kết để giảm giá thành và xây dựng thương hiệu thì chúng ta sẽ thành công. Chẳng lẽ hàng Thái đang tràn ngập Việt Nam mà các doanh nghiệp Việt vẫn đứng nhìn, trông chờ vào TPP, AEC? Cần phải có chiến lược chống "ngập hóa" thị trường" ngay.

Có thể thấy, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các cơ quan chức năng là hết sức cần thiết trong cuộc đua này, vì nếu không có những chính sách nhất quán, dài hơi doanh nghiệp vẫn chỉ là những nốt nhạc rời rạc trong một bản nhạc chung thiếu hấp dẫn. Việt Nam cũng có những doanh nghiệp đầu tư ra khu vực, như Vinamilk chi gần 10 triệu USD đầu năm 2017 để mua đứt Công ty Angkor Dairy Products của Campuchia, hay Viettel hiện đang là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam tại Myanmar…

Riêng tại thị trường trong nước, nhiều doanh nghiệp cũng đang nỗ lực chuyển mình như Vinamit. Nhưng như vậy là chưa đủ và vẫn còn hoạt động riêng lẽ, thiếu tầm nhìn cộng đồng quốc gia dưới sự hỗ trợ của các ban, ngành.

Tiến Minh
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp